Thủ thuật "hô biến" cũ mèm
Theo tìm hiểu thực tế của nhóm PV tại địa bàn tỉnh Hải Dương, hàng hóa muốn chuyển từ cảng Hải Phòng lên tập kết tại TP.Hải Dương rồi túa đi các tỉnh thành ngoài việc đi theo đường quốc lộ 5, còn có thể đi theo đường qua địa phận huyện Ninh Giang. Con đường này theo nhìn nhận của cánh lái xe thì kín đáo và dễ dàng hơn nhiều so với đoạn quốc lộ 5 ngày đêm rầm rập xe qua lại. Không loại trừ trường hợp, Huỳnh Văn Xuân đã nhận ra ưu thế này và tìm cách lân la móc ngoặc với nhóm cán bộ quản lý thị trường và thuế nơi đây (?!).
Để củng cố cho lập luận này cũng như rộng đường dư luận, chúng tôi xin đưa đến bạn đọc một trường hợp "hô biến" xe máy lậu thành xe xịn đã từng xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Giang cách đây không lâu với các chiêu trò tương tự.
Theo tài liệu còn lưu giữ, vào cuối năm 2009, đầu năm 2010, tại Hà Giang đã xảy ra việc 50 chiếc xe mô tô phân khối lớn được một số cán bộ đầu ngành huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang móc nối với các đối tượng buôn lậu, làm hồ sơ khống nhằm hợp thức hóa nguồn gốc cho lô xe này với giá rẻ thông qua hình thức thanh lý khống và thời điểm cuối năm 2009, đầu năm 2010. Hai mắt xích quan trọng nhất trong vụ buôn lậu khủng này được cơ quan xác định là Phạm Văn Hùng (trú tại tổ 20, đường Lê Quý Đôn, phường Đề Thám, tỉnh Thái Bình) và một người tên Thắng (trước đây là cán bộ PC16 công an tỉnh Hà Giang). Các đối tượng đã bỏ ra khoảng nửa tỷ đồng để "chi phí" cho phi vụ làm ăn này.
Tiếp tay cho vụ buôn lậu mô tô khủng này có tới hơn 10 cán bộ các ngành công an, viện kiểm sát, tài chính huyện Quang Bình. Do tính chất phức tạp của vụ việc, công an tỉnh Hà Giang đã chuyển hồ sơ lên C46 Bộ Công an để điều tra làm rõ, tuy nhiên tới giữa năm 2013, C46 đã chuyển lại hồ sơ cho cơ quan CSĐT công an tỉnh Hà Giang điều tra xử lý.
Trụ sở chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương.
Để "ăn" trót lọt lô hàng siêu khủng này, các đối tượng buôn lậu đã móc nối với một số cán bộ đầu ngành huyện Quang Bình dựng lên việc phát hiện 2 lô xe mô tô phân khối lớn vô chủ tại xã Tân Bắc và xã Yên Thành (huyện Quang Bình), sau đó tổ chức thanh lý khống số xe trên với giá thấp hơn từ vài chục đến vài trăm lần giá thực.
Theo hồ sơ còn lưu tại phòng tài chính huyện Quang Bình, ngoài 3 chiếc xe Honda Spacy 125cm3 nhập nguyên chiếc thì 47 chiếc xe còn lại đều là xe phân khối lớn được các hãng danh tiếng sản xuất có giá bán trên thị trường từ vài nghìn lên đến hàng chục nghìn USD, nhưng lại được "thanh lý" với giá từ 3,7 đến 4,7 triệu đồng.
Để hợp thức hóa trong quá trình thanh lý, một số cán bộ huyện Quang Bình đã lập các biên bản phát hiện hàng vô chủ rồi nhờ công an 2 xã này xác nhận sau đó liên hệ với công an, kiểm sát, tài chính của huyện để làm thủ tục thanh lý số xe theo đúng quy định. Tuy nhiên, toàn bộ số hàng trên các đối tượng buôn lậu chỉ gửi tên xe, số khung, số máy của từng chiếc xe để các cán bộ huyện này ghi vào biên bản, các công việc cụ thể trong quá trình "làm xe" hai mắt xích Hùng và Thắng chỉ liên lạc qua điện thoại. Và ngay cả hội đồng định giá thanh lý, các thành viên trong hội đồng cũng chưa ngồi họp với nhau lần nào?
Tuy nhiên, quá trình điều tra đã xác định không hề có hội đồng định giá nào cả mà chính đối tượng Hùng đã trực tiếp định giá cho số xe trên. Thông qua giao dịch bằng điện thoại, các cán bộ tiếp tay cho Hùng sẽ ghi vào biên bản để qua các phòng ban của huyện để hợp thức hóa số xe này. Qua tìm hiểu được biết những chiếc xe trong 2 lô xe nhập lập thời điểm 2009 đã được mua từ Mỹ, chuyển qua đường hàng không về đến Campuchia. Từ đây, các xe được tháo rời và chuyển qua biên giới Việt Nam để trốn thuế. Sau khi vận chuyển trót lọt, số xe này được đưa về tỉnh Thái Bình để lắp ráp rồi tìm cách làm giấy tờ hợp pháp cho số xe trên.
Có sự tiếp tay cho gian thương
Để che mắt chính những "ân nhân" giúp đỡ để hợp thức hoá lô xe mô tô khủng này, các đối tượng buôn lậu đã chi ra một số tiền khá lớn và qua nhiều mối quan hệ, móc nối làm hồ sơ sau đó lại đứng ra mua lại số xe này. Nhờ chiêu thức này mà các xe khi ghi trong biên bản giấy tờ khiến một số cán bộ đã "trót" giúp đỡ Hùng và Thắng chẳng thể hiểu nổi nó hình thù to nhỏ như thế nào. Đây cũng là một trong những chiêu trò tinh vi của các đối tượng buôn lậu nhằm qua mặt các cơ quan chức năng. Sau khi đã có "lý lịch" chuẩn cho từng chiếc xe, một số xe được chuyển vào TP.Hồ Chí Minh để tiêu thụ.
Một ví dụ điển hình đó là trong 2 lô xe này bằng phương pháp giả vờ phát hiện hàng vô chủ rồi tổ chức thanh lý, chiếc xe nhập lậu có giá trung bình từ 80.000- 120.000 USD đã được hội đồng thanh lý huyện Quang Bình, Hà Giang "bán khống" cho một người tên Hùng với giá 9,2 triệu đồng. Sau khi có đủ thủ tục, Hùng đã mang xe đăng ký tại phòng cảnh sát giao thông tỉnh Thái Bình, lấy biển kiểm soát 16A6-0077 trước khi bán nó vào TP.Hồ Chí Minh với giá trên 2,4 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ xe khủng tại tỉnh Hà Giang, theo một nguồn tin khá tin cậy cung cấp cho PV, đến thời điểm hiện tại vụ việc đã được cơ quan CSĐT tỉnh Hà Giang hoàn tất hồ sơ điều tra. Đối tượng cầm đầu trong phi vụ buôn lậu này đã được làm rõ, một số cán bộ tiếp tay cho phi vụ làm ăn này phần lớn đã phải chịu một hình thức kỷ luật nhất định.
Lãnh đạo chi cục QLTT Hải Dương hoàn toàn bất ngờ trước sự việc (?!) Ở một diễn biến khác, trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Hải - chi cục trưởng chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương cho biết, các nhân ông hoàn toàn bất ngờ với thông tin các cán bộ của ông bị cơ quan công an bắt giữ. "Trước khi họ bị bắt, tôi cũng có nghe thông tin công an về kiểm tra. Tôi yêu cầu báo cáo thì anh em cho biết là họ (công an - PV) chỉ về kiểm tra thôi chứ không có gì. Thế nên khi bị bắt chúng tôi rất bất ngờ. Hiện tại, chúng tôi cũng chỉ biết chờ đợi kết luận từ cơ quan điều tra và sẵn sàng phối hợp để làm việc". Nhận định về nhóm cán bộ bị bắt giữ, ông Hải cho biết họ đều là những cán bộ năng nổ và có chuyên môn vững vàng tại cơ quan mình quản lý. |
Nhóm PV