Trả lời báo chí, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, phó giám đốc, thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết đồng chí Ngô Quang Hưng đã có hành vi dùng chân đá (nhưng không trúng vào người) và vung tay vào mặt phóng viên Trần Quang Thế.
Cơ quan điều tra xác định cảnh sát Ngô Quang Hưng vi phạm “Quy tắc ứng xử của CBCS - CAND khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hiện trường”, theo quy định tại Thông tư 16/BCA. Căn cứ quy tắc ứng xử của lực lượng công an nhân dân, Ban Chỉ huy Công an huyện Đông Anh đã kỷ luật hình thức khiển trách cảnh sát Hưng.
Theo quyết định xử phạt của Công an Hà Nội, phóng viên Trần Quang Thế bị xử lý vi phạm hành chính hơn 14 triệu đồng vì 6 lỗi vi phạm căn cứ theo 3 Nghị định khác nhau.
6 lỗi vi phạm của phóng viên Quang Thế theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính: - Vào khu vực cấm nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước mà không được phép với mức phạt 2.000.000 đồng; - Chụp ảnh tại khu vực cấm với mức phạt 2.000.000 đồng; - Có lời nói lăng mạ người thi hành công vụ với mức phạt 2.500.000 đồng; - Lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp cản trở hoạt động đúng phát luật của tổ chức cá nhân với mức phạt 7.500.000 đồng; - Đỗ xe mô tô trên cầu với mức phạt 350.000 đồng; - Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông mức phạt 55.000 đồng. |
Hẳn các bạn vẫn chưa quên, sau khi xảy ra sự việc, mạng xã hội như đàn cá đói lâu ngày gặp “thính”, nháo nhào vì những thông tin xoay quanh phóng viên Quang Thế và cảnh sát Ngô Quang Hưng. Thay vì bình tĩnh nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, ai ai cũng cương quyết bảo vệ luận điểm và “người nhà” của mình. Người ủng hộ phóng viên thì chỉ trích cảnh sát. Người ủng hộ cảnh sát thì miệt thị phóng viên. Một số kẻ còn bỉ ổi đến độ bới móc đời tư của người trong cuộc để đạp họ xuống bùn đen.
Cứ tưởng đâu là những gièm pha, tranh cãi, đấu tố, than vãn, bỉ bai sẽ chấm dứt khi có kết luận của cơ quan điều tra. Nhưng thật tiếc, tình trạng vẫn y nguyên, thậm chí còn gay gắt hơn trước.
Những người phản đối thông tin chiến sĩ Công an “gạt tay trúng má nhà báo” theo lời thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội có cái lý của họ. Một lời giải thích thẳng thắn, dựa trên yêu cầu công việc và thái độ không hợp tác của phóng viên ngày hôm đó chắc chắn sẽ thuyết phục hơn một lời kể sử dụng thủ pháp “nói giảm nói tránh”. Dẫu gặp cảnh “tình ngay lý gian” mà tường thuật quanh co thì dư luận sẽ lập tức nghĩ rằng bạn cố tình chối tội.
Tuy nhiên, để luật pháp được thượng tôn, ta không thể phủ định bất cứ cái “sai” nào trong vụ việc này. Vì cái “sai” thứ nhất của bạn phóng viên đã dẫn tới cái “sai” thứ hai của anh cảnh sát, từ đó làm xấu hình ảnh của bản thân và của nghề. Trong khi đáng lẽ ra, cả hai phải sát cánh cùng nhau trên con đường bảo vệ công lý.
Mọi chuyện đã không ồn ào đến thế nếu người ta tích cực đưa và nhận những lời góp ý, phê bình mang tính xây dựng; để những người trong cuộc nghiệm ra bài học cho riêng mình, khuyến khích lực lượng công an và những người làm báo luôn phối hợp, tương trợ lẫn nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Có như vậy, những cái gạt tay, vuốt má sau này sẽ chỉ “vô tình” xuất hiện trong phim.
Trương Chi
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả