Vụ cục phó mất gần 400 triệu: Quy định nào cấm đem theo tiền mặt?

Vụ cục phó mất gần 400 triệu: Quy định nào cấm đem theo tiền mặt?

Trương Ngân Hà

Trương Ngân Hà

Thứ 5, 28/09/2017 20:00

Đành rằng Nhà nước đang khuyến khích thanh toán điện tử nhưng điều đó không có nghĩa là một phó cục trưởng như ông Quang không được mang theo một lượng lớn tiền mặt bên mình.

Đa chiều - Vụ cục phó mất gần 400 triệu: Quy định nào cấm đem theo tiền mặt?

Chừng nào lực lượng chức năng còn chưa đưa ra kết luận chính thức về số tiền bị mất, không ai có quyền kết tội vị phó cục trưởng.

 

Gửi chú Nguyễn Xuân Quang - Phó cục trưởng cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường!

Số tiền gần 400 triệu không cánh mà bay, chắc giờ này chú vẫn chưa hết sốc.

Ban đầu, cháu chỉ định ngồi im sau màn hình máy tính và thầm hi vọng lực lượng chức năng mau tìm được số tiền lớn và khiến tên “đạo chích” kia thất nghiệp lâu dài. Thế nhưng khi thấy những người khác sử dụng bàn phím để tấn công, thay vì an ủi, chia buồn với chú, cháu buộc phải lên tiếng.

Thực sự cháu rất thắc mắc, không biết những người đang mỉa mai chú sống theo “âm lịch”, không bắt kịp với xu thế công nghệ hiện đại đã nắm rõ cách thanh toán, tiết kiệm của các thế hệ trong gia đình mình hay chưa.

Được cơ quan trả lương qua thẻ ATM cả chục năm nay nhưng thứ ba vừa rồi, mẹ cháu mới biết thế nào là “mã pin”, “số tiền rút tối đa 1 lần” và tiền sẽ chui ra từ vị trí nào trên cây ATM.

Sau đó, dù cháu gợi ý nên để tiền trong thẻ nhưng bà vẫn kiên quyết rút hết 6 tháng lương gần nhất, không phải vì nhu cầu mua sắm nào mà đơn giản chỉ vì sợ ngân hàng “nuốt” tiền bất tử - một nỗi sợ mà theo tìm hiểu của cháu, rất phổ biến ở lớp người đi trước.

Nhưng dù cảm thấy hài hước, khó hiểu đến đâu, cháu cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc lên án hay ép buộc ai đó phải thay đổi thói quen của họ.

 Đành rằng Nhà nước đang khuyến khích thanh toán điện tử nhưng điều đó không có nghĩa là một phó cục trưởng như chú không được mang theo một lượng lớn tiền mặt bên mình. Hiện tại cũng chẳng có quy định nào cấm cán bộ cầm tiền của người thân khi đi công tác hết.

Huống hồ, đó lại là số tiền vợ chú đưa để chuyển vào Sài Gòn cho em cô ấy và như thế, dẫu muốn thực hiện mục đích tốt đẹp là truyền đạt lợi ích của việc dùng thẻ, cộng đồng mạng cũng chọn sai đối tượng!

Điều quan trọng nhất là lúc phát hiện mất tiền, chú đã chủ động mời công an đến khai báo, trình bày. Theo lẽ thường, nếu có gì khuất tất, chú phải giấu nhẹm chuyện này, ôm cục tức để đổi lại bình yên mới phải.

Như lúc này đây, tiền chưa tìm được mà vụ việc trở nên ầm ĩ, đám đông hoặc quay lưng với chú hoặc soi mói hết mức có thể. Cách họ lên mặt chỉ cho chú chỗ cất tiền, cách chuyển tiền khiến nỗi uất nghẹn trong cháu dâng lên tận cổ.

Hình như họ quên mất rằng sống theo kiểu “âm lịch” theo quan niệm của họ cũng là quyền tự do cá nhân, chỉ cần sự “mù mờ, lạc hậu” bên trong cách sống đó không trái với những quy định của pháp luật.

Chừng nào lực lượng chức năng còn chưa đưa ra kết luận chính thức về số tiền bị mất, không ai có quyền kết tội chú cả!

Những lời trên đây rất có thể sẽ khiến bạn đọc tưởng cháu là người thân của chú nhưng có hề gì. Mục đích cuối cùng của cháu là những người phán xét bừa bãi sớm nhận ra mình u mê như thế nào…

Ký tên

Người qua đường

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.