Người dân chưa có… “kinh nghiệm”
Trước đó, báo điện tử Người Đưa Tin đã có bài Đường kinh tế thành… “cung đường chết" phản ánh, ngày 29/4 tuyến đường từ xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương đến xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, trong đó có dự án đường N5 đã thông xe kỹ thuật. Đây là tuyến đường quan trọng của tỉnh, là trục chính kết nối các vùng kinh tế miền Tây Nghệ An với Khu kinh tế Đông Nam đến cụm cảng Quốc tế Cửa Lò.
Tuy mới được đưa vào khai thác nhưng người dân hết sức lo lắng khi mà thời gian gần đây, tai nạn giao thông (TNGT) luôn rình rập trên tuyến đường N5. Tai nạn trên tuyến đường này nhiều đến mức, người dân bản địa cũng như khách đi đường xem N5 như “cung đường chết”.
Qua tìm hiểu, trước khi N5 được thi công xây dựng, toàn tuyến đường này chủ yếu là khu dân cư với các đường cấp phối giao thông nông thôn. Không gian bao quanh chủ yếu là làng mạc, đồng ruộng và hạ tầng của các huyện: Nghi Lộc, Đô Lương và Diễn Châu.
Theo ghi nhận của PV, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên đó là do tuyến đường rộng, kết cấu mặt đường thông thoáng nên nhiều phương tiện có tải trọng, phân khối lớn khi đi qua tuyến đường này đã chạy với tốc độ cao. Do đó, khi đến các đường ngang dân sinh, bắt gặp các phương tiện thô sơ không kịp xử lý dẫn đến TNGT. Sau khi tuyến đường N5 được phê duyệt đầu tư với thiết kế đảm bảo tiêu chuẩn theo cục Đường bộ Việt Nam, nền mặt đường được đắp cao, trong khi các con đường làng nhỏ hẹp trước kia nối với tuyến đường này thường thấp hơn nên khi giao nhau dễ gây va chạm và TNGT.
Bà Nguyễn Thị Hương, ở xóm 13, xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc thừa nhận, do đường mới làm, dân lâu nay quen chạy trong đường làng, tạt ngang tạt ngửa nên cứ đi chứ không quan sát vì thế mới xảy ra tai nạn.
Điểm giao cắt quá nhiều
Theo thiếu tá Hồ Minh Tuấn, Đội trưởng đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Đô Lương, nguyên nhân chủ yếu xảy ra tai nạn trên đường N5 là do người điều khiển xe máy, xe đạp điện thiếu chú ý quan sát khi rẽ từ đường nhánh ra đường ưu tiên, đột ngột qua đường không có tín hiệu báo hướng rẽ.
Trao đổi với PV, ông Võ Minh Đức, Chánh văn phòng ban An toàn giao thông tỉnh Nghệ An thừa nhận, tai nạn trên đường N5 là điều tất nhiên. Bởi tại đây đường ngang quá nhiều như đường kiên cố hóa, bê tông hóa, nhựa hóa… Trong khi đó, ý thức người dân chưa quen vì trước đây họ đi trong làng trong xóm giờ ra đường lớn lại tiên lượng tốc độ không tốt nên dễ gây ra tai nạn.
Chánh văn phòng ban An toàn giao thông tỉnh Nghệ An Võ Minh Đức cũng cho rằng, tai nạn trên đường N5 gia tăng, nguyên nhân cũng do các điểm giao cắt giữa đường nội đồng (đường đắp đất để dân xuống làm ruộng) với đường N5 quá nhiều.
“Chúng tôi sẽ tham mưu cho tỉnh để có những giải pháp đồng bộ, giảm thiểu TNGT trên tuyến N5. Trước mắt, đối với người dân 2 huyện Đô Lương và Nghi Lộc phải có tuyên truyền, vận động dân từ việc không lấn chiếm hành lang, bày bán tập kết vật liệu 2 bên đường gây cản trở giao thông”, ông Võ Minh Đức nói.
Ngoài ra, theo ông Võ Minh Đức: “Đối với tuyến nội đồng có mật độ dày, các địa phương phải phân chia quản lý theo khu vực và chịu trách nhiệm đảm bảo ATGT. Đặc biệt, phải tạo đường gom các đường nội đồng lại, để hạn chế giao cắt trực tiếp. Đối với đơn vị quản lý công trình giao thông, phải rà soát lại và cắm các biển phụ trợ về ATGT như cột mốc, biển báo, biển cảnh báo đoạn đường thường xảy ra TNGT, bổ sung gờ giảm tốc cho đường chính và các đường phụ giao cắt, cắm một số biển hạn chế tốc độ ở những đoạn thường xảy ra TNGT.
Mặt khác, Công an tỉnh Nghệ An cũng phải thành lập tổ bắn tốc độ để kiểm soát, nhằm hạn chế tốc độ, nồng độ cồn chứ nếu không đường đẹp nên phương tiện tham gia giao thông chạy "mát ga" thì tai nạn xảy ra là đương nhiên”.