Vụ cướp tàu nhanh nhất trong lịch sử
Năm 1963, vụ cướp tàu chuyển bưu phẩm từ Glasgow tới London (Anh) đã được lên kế hoạch một cách cẩn thận và tỉ mỉ. Bruce Reynolds - một kẻ chuyên buôn đồ cổ và là tên trộm khét tiếng ở London, đã cùng bốn người khác là Douglas Gordon Goody, Ronald Buster Edwards và Charlie Wilson - một người có đầu óc tư duy cực nhạy bén và tinh ranh cùng nhau... thực hiện vụ cướp.
Ngoài ra, còn có sự tham gia của tên tội phạm đã được xác nhận là hoàn lương Ronnie Biggs. Do Biggs cần tiền để duy trì xưởng mộc nên đã tìm đến Reynolds vay 500 bảng Anh và bị Reynolds dụ dỗ tham gia vụ cướp này.
Reynolds nói với Biggs là số tiền có thể kiếm được từ vụ này rất lớn mà cả đời họ không bao giờ nghĩ, có thể kiếm được từ làm ăn chân chính. Biggs đã dẫn thêm Peter, một thợ cơ khí lành nghề về đầu máy diesel cùng tham gia vụ cướp.
Những tên cướp tàu khét tiếng thực hiện vụ cướp năm 1963.
Chúng nhắm mục tiêu là tàu chở thư từ, các bưu phẩm văn phòng và tiền của các ngân hàng trên cả nước. Ngày hẹn đến, tất cả cùng tập trung tại Leatherslade, cách điểm cướp tàu là khu vực Leighton thuộc Bedfordshire 27 dặm.
Cả nhóm cùng hóa trang như một đơn vị quân đội đi thao diễn trong đêm và chuẩn bị cả giấy tờ giả mạo trong trường hợp bị yêu cầu xuất trình giấy tờ. Như kế hoạch vạch ra, băng cướp dừng tàu bằng tín hiệu đèn chuẩn bị sẵn và khống chế lần lượt từng nhân viên trên tàu trừ Jack Mills - người lái tàu. Hai toa tàu chở tiền nhanh chóng được tháo rời khỏi đoàn tàu.
Nhiệm vụ của Peter là đánh lừa Jack Mills. Peter giải thích tàu bị bó phanh, cần được sửa chữa. Ngay khi Jack Mills quay đi, Peter đã dùng dùi cui đánh mạnh vào đầu Jack Mills khiến ông này bất tỉnh. Rồi Peter điều khiển tàu di chuyển về phía vị trí đã định, chuyển hàng hoá xuống xe tải. Nhóm cướp nhanh chóng rút khỏi tàu. Bọn chúng chỉ mất 40 phút để thực hiện kế hoạch của mình.
Về tới trang trại, bọn chúng nhanh tay chia phần số tiền lớn cướp được và chuẩn bị tẩu thoát. Trước khi chạy trốn, chúng còn kịp xóa dấu vết, chôn toàn bộ các gói giấy và túi đựng tiền mặt. Vụ cướp tàu này đã trở thành vụ cướp nhanh nhất lịch sử tội phạm nước Anh và còn được dựng thành phim, nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả.
Sa lưới và những cuộc vượt ngục
Hai ngày sau khi vụ cướp xảy ra, cảnh sát điều tra vào cuộc. Do thám tử không thu thập được bất cứ thông tin gì, nên cảnh sát buộc phải kêu gọi sự giúp đỡ của người dân. Một nông dân trong vùng thông báo, anh ta đã gặp một chiếc xe tải đáng nghi xuất hiện gần trang trại của mình vào đúng hôm xảy ra vụ cướp. Từ thông tin này, cảnh sát dần khám phá ra dấu vết của bọn cướp.
Một điều bọn cướp không ngờ đến là người đàn ông họ thuê làm sạch các dấu vết của trang trại đã phản lại họ. Người này sau khi nhận tiền đã bỏ lại toàn bộ các chứng cứ cần che giấu và điều này đã giúp cảnh sát lần ra được dấu vết từng người một. Chỉ trong một ngày rà soát trang trại, tên cướp đầu tiên bị sa lưới là Roger Cordrey.
Cảnh sát còn tìm được một vali chứa 100.000 bảng Anh ở cánh rừng cách nhà riêng của hắn vài dặm. Hai tuần sau đó, Charlie Wilson cũng bị bắt ở London, rồi đến Bruce Reynolds và Buster Edwards... cũng lần lượt bị bắt giữ. Chỉ còn duy nhất Gordon Goody là thoát tội vì cảnh sát không tìm đủ chứng cứ để kết tội, đưa hắn vào tù.
Thời gian cả nhóm trong tù, Goody thường thăm đồng bọn và thuê luật sư để bào chữa. Tuy nhiên, Goody cũng không thể thoát được lưới trời. Sau một thời gian dài điều tra, cả băng cướp phải ra hầu tòa với tội danh dùng bạo lực cướp tài sản có tổ chức. Sau 7 ngày xét xử, bản án cũng được đưa ra với mức án từ 20-30 năm tù.
Chuyến tàu bị cướp năm xưa.
Trong vòng một tuần sau khi tuyên án, băng cướp này đã được đưa đến các nhà tù khác nhau để thực hiện hình phạt. Khi hầu hết các tên tội phạm được đưa đến nhà tù Brixton thì Biggs lại bị đưa đến Lincoln rồi chuyển sang nhà tù Wandsworth.
Cũng trong thời gian này, Biggs đã bắt đầu suy nghĩ về kế hoạch vượt ngục. Giữa năm 1964, trong khi Biggs vẫn bị giam trong nhà tù thì hắn nhận được tin Wilson đã thoát khỏi nhà tù Winson Green ở Birmingham với sự giúp đỡ của ba người lạ. Điều này khiến Biggs càng trở nên nóng ruột và gấp rút thực hiện kế hoạch trốn trại, dù bị đặt dưới sự giám sát chặt chẽ nhất.
Hắn quan sát được thời gian tù nhân tập thể dục mỗi ngày là thời điểm thuận lợi nhất để bỏ trốn. Cùng tham gia trốn tù còn có hai tù nhân khác là Paul Seabourne và Eric Hoa. Năm 1965, lợi dụng các bộ phận cai tù không chú ý, Biggs, Seabourne và Eric đã leo tường trốn ra ngoài, nhảy lên một xe tải đợi sẵn và biến mất.
Đi được một vài dặm, họ chia tay nhau theo hai hướng riêng, Biggs và Eric đã đi đến một hướng khác. Seabourne sau này bị bắt lại, còn Biggs và Eric đã lẩn trốn khắp nơi trên đất nước trong vòng vài tháng, trước khi họ vượt biên giới sang Bỉ. Họ dùng tiền mua được hộ chiếu giả, quần áo và phẫu thuật lại mặt.
Cuối năm 1965, Biggs đến Sydney (Australia) với cái tên mới là Terrence Furminger. Nhận thấy ở quá lâu một chỗ không an toàn nên cuối năm 1968, gia đình Biggs chuyển đến Melbourne, Victoria (Australia). Tuy nhiên, vừa chuyển nhà xong thì Biggs bị cảnh sát bắt vì tội nhập cư trái phép, vợ và con hắn thì bị trục xuất về nước. Sau khi ra tù, hắn đi nhiều nơi để lẩn trốn.
Trong thời gian ở Brazil, hắn nhận được tin con trai cả bị chết trong một tai nạn ô tô. Buồn rầu và thất vọng, Biggs tìm niềm an ủi ở cô bạn gái Raimunda. Một lần, khi "hứng" lên, Biggs vô tình nhắc đến vụ cướp năm xưa. Câu chuyện của Biggs lọt ra ngoài, một số người đề nghị mua lại câu chuyện của Biggs để làm phim với điều kiện Biggs phải đồng ý trải qua quá trình xác nhận Biggs thực sự là Biggs trong vụ cướp tàu năm đó. Khi sự thật được phơi bày, Mackenzie Choline, một thợ chụp ảnh đề nghị trả 35.000 bảng Anh và yêu cầu Biggs kể lại chi tiết sự việc.
Đang nghèo đói và sống khổ sở nên Biggs nhanh chóng chấp nhận. Nhưng chính 35.000 bảng Anh này đã khiến Biggs bị cảnh sát bắt trở lại. Thời gian dài sau đó, Chính phủ Anh đòi Brazil trao trả Biggs nhưng Brazil viện cớ 2 nước chưa ký hiệp ước trao trả tội phạm để khước từ đề nghị. Ngồi tù 3 tháng, Biggs lại được tự do khi chứng minh được với tòa án là đã có vợ và con người Brazil nên nghiễm nhiên trở thành công dân của Brazil.
Bức thư tự thú ở tuổi… 71
Năm 2001, Biggs gửi một bức thư điện tử cho ông John, Giám đốc sở Cảnh sát hình sự London. Bức thư viết: "Tôi muốn tự mình ra đầu thú. Tôi cần hộ chiếu để quay trở lại nước Anh. Tôi sẽ đến sân bay Hearthrow và đợi ở đó". Lúc này, Biggs đã 71 tuổi, hay ốm đau, sức khoẻ rất yếu và ao ước được kết thúc cuộc đời mình tại quê hương.
Sau đó, Biggs được đưa về bệnh viện của nhà tù Belmarsh (Anh). Vài ngày sau, Biggs đã có mặt tại tòa án, thẩm phán London kết tội Biggs 35 năm tù giam vì tội trốn trại. Con trai của Biggs đã làm đơn xin cho ông ta được tại ngoại vì lý do bệnh tật và đã quá già yếu.
Một đời người trôi qua, Biggs cùng những đồng bọn của mình đang tự ngẫm nghĩ lại những gì đã xảy ra. Không biết họ sẽ nghĩ gì, sẽ ân hận hay tiếc một điều gì mà họ đã không làm được trong cuộc đời của mình. Còn gia đình, bạn bè, người thân của họ đều không tin vào những gì mà họ đã gây ra.
Nguồn cảm hứng cho phim ảnh Vụ cướp tàu hỏa thế kỷ này không ít lần được phản ánh trong các tác phẩm nghệ thuật. Vào năm 1965, cuốn Lịch sử của những tên cướp tàu (The Great St.Trinian's Train Robbery) viết về sự kiện này đã được xuất bản. Năm 1966, cũng về đề tài này, có vở hài kịch Vụ cướp tàu hỏa. Sau đó còn có bộ phim tài liệu được quay lại để tái hiện vụ cướp. Năm 2006, truyền hình Anh còn công chiếu bộ phim về việc Ronnie Biggs bị bắt cóc vào năm 1981. |
An Mai (Theo Telegraph/New York Times)