Thưa luật sư, việc Phó Giám đốc sở Công Thương Hà Tĩnh Nguyễn Đình Lộc lại trích luật Doanh nghiệp để viện dẫn việc hộ dân sản xuất đá lạnh có một phần là điện kinh doanh từ đó tính ra tỷ lệ để áp giá điện cho các hộ sản xuất đá lạnh là vừa sản xuất vừa kinh doanh. Phải chăng vị này đang cố bao che cho cái sai?
Trước tiên Phó Giám đốc sở Công thương viện dẫn văn bản Thông tư 16/2017/TT-BCT là không sai, tuy nhiên khi viện dẫn luật Doanh nghiệp cần phải hiểu luật Doanh nghiệp điều chỉnh những đối tượng là các doanh nghiệp; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp.
Các hộ dân sản xuất đá không phải là doanh nghiệp, chiểu theo luật Doanh nghiệp 2014 thì doanh nghiệp là một tổ chức kinh tế, có tài sản và tên riêng, có trụ sở giao dịch ổn định, được cấp giấy đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật để thực hiện các hoạt động kinh doanh trên thị trường. Khoản 16 Điều 4 luật Doanh nghiệp quy định: “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lời".
Xét theo vụ việc này, các hộ sản xuất chỉ cung ứng đá đông lạnh cho các tàu thuyền trên địa bàn xã, nhưng thị trường trong kinh doanh không thể nào lại bó hẹp trong địa bàn như vậy được, không hề có dấu hiệu sử dụng rộng rãi càng không có dấu hiệu thị trường ở đây. Rõ ràng, các hộ sản xuất đá này không thuộc đối tượng mà luật Doanh nghiệp điều chỉnh, vậy viện dẫn luật Doanh nghiệp ở đây có ý nghĩa gì?
Trong khi đó, tại Thông tư 16/2017/TT-BCT quy định rạch ròi về các đối tượng áp dụng giá bán lẻ điện sản xuất, giá bán lẻ điện kinh doanh, các hộ sản xuất đá lạnh không nằm trong đối tượng phải tính theo giá điện kinh doanh. Rõ ràng đã có viện dẫn pháp luật sai ở đây.
Hơn nữa, hành vi bán điện sản xuất của HTX Thành Tâm với mức giá cao hơn giá niêm yết của Nhà nước là trái pháp luật, cụ thể giá bán là 2.827 đồng/KW, trong khi giá điện của điện lực chỉ 2.461 đồng/KW (chưa thuế GTGT) về cơ bản đã là trái pháp luật. Hành vi của HTXX đã trái với quy định của pháp luật, mà PGĐ của một Sở lại viện dẫn sai quy định của pháp luật, là yếu kém hay bao che?
Việc Phó Giám đốc sở Công thương trả lời người dân trong văn bản này chưa làm hài lòng dân ở cách tính điện kinh doanh. Phải chăng trình độ hiểu biết và thực thi pháp luật của Sở còn hạn chế?
Câu chuyện thực thi pháp luật có nhiều vấn đề cần bàn tới, không thể phủ nhận rằng trên thực tế đã có nhiều trường hợp cơ quan có thẩm quyền thực thi áp dụng không đúng pháp luật, dẫn tới hậu quả khôn lường. Tuy đã có những văn bản pháp luật ban hành để hướng dẫn chi tiết, nhưng cũng không ít cơ quan có cách hiểu khác nhau thậm chí là hiểu sai quy định.
Trong sự việc lần này, HTX đã có những hành vi sai trái, nhưng thêm vào đó là sự thiếu cẩn trọng, áp dụng sai pháp luật dẫn đến ban hành một văn bản trái với đạo luật của Phó Giám đốc sở Công thương.
Nhà nước ta đã quy định thẩm quyền cho mỗi cơ quan được ban hành những loại văn bản nào là tạo điều kiện cho sự hoạt động độc lập, tuy nhiên với sai phạm trên liệu có cần thiết rằng cứ mỗi lần ban hành một văn bản nào đó, cần có thời gian kiểm tra, rà soát rồi mới thực thi?
Liên quan đến vụ việc này, luật sư cho rằng cần xử lý theo hướng nào là hợp lý?
Quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam là không thể phủ nhận tuy nhiên nó cần phải đảm bảo là không làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín và nhân phẩm của người khác. Việc HTX cho rằng những người dân tham gia và chị Nguyễn Thị Hoa đã có chỉ trích, bình luận trên Facebook đã ảnh hưởng đến HTX hoàn toàn là ý chí đơn phương. Có xâm phạm, ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của HTX hay không phải do cơ quan chức năng kết luận.
Điều đáng nói, khi xảy ra tranh chấp hai bên không chọn cách ngồi lại với nhau mà dùng những hành động như bình luận, chỉ trích lên mạng xã hội, cắt điện làm cho sinh hoạt bên kia khốn đốn khiến tình hình ngày càng căng thẳng. Thêm vào đó kết luận của Phó Giám đốc sở Công thương sai lệch so với quy định pháp luật, cần phải có quyết định hủy bỏ văn bản này ngay lập tức, cần thiết phải ban hành văn bản mới nhận định lại hành vi của HTX, dân chúng mới có lòng tin vào chính quyền và pháp luật.
Bên cạnh đó, cần có biện pháp xử lý đối với vị Phó Giám đốc sở Công thương này vì đã viện dẫn và áp dụng sai quy định pháp luật, điều này không chỉ ảnh hưởng đến đối tượng bị áp dụng mà còn làm giảm sự tín nhiệm nơi người dân đối với cơ quan mà họ trao quyền.
Trước đó, như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, do tiền điện tăng đột biến nhưng không được trả lời thỏa đáng, bức xúc, một số người dân tại xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đã phản ánh lên facebook. Ngay sau đó, chị Nguyễn Thị Hoa (người trực tiếp phản ánh) đã bị HTX kinh doanh tổng hợp Thành Tâm (HTX Thành Tâm - đơn vị cung cấp điện) cắt điện. Đồng thời, những người dân tham gia bình luận khác cũng đều nhận được thông báo cắt điện với lý do đã chỉ trích, bình luận trên facebook.
Phẫn nộ trước cách làm của HTX cùng bức xúc dồn nén, khoảng 3.000 hộ dân tại đây đã cùng viết đơn tập thể, tố cáo những sai phạm, bất cập, khốn đốn mà họ phải chịu trong suốt thời gian sử dụng điện của HTX này. Đặc biệt, giá bán điện sản xuất của HTX Thành Tâm cao hơn giá niêm yết của Nhà nước.
Trong một diễn biến liên quan, mới đây nhất sở Công Thương Hà Tĩnh đã phát văn bản số 1488/SCT-QLNL-22/11/2018 do ông Nguyễn Đình Lộc, Phó Giám đốc sở Công thương Hà Tĩnh ký, phúc đáp đơn kiến nghị của ông Nguyễn Tiến Phương về việc HTX áp giá bán điện kinh doanh cho các hộ sản xuất đá lạnh.
Theo đó, trong văn bản này có đưa ra khoản 10, Điều 7, Thông tư 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 của bộ Công Thương quy định về thực hiện giá bán điện và khoản 16, Điều 4, luật Doanh nghiệp năm 2014.
Tuy nhiên, việc viện dẫn 2 điều khoản luật trong văn bản do Phó Giám đốc sở Công thương ký đã vấp phải sự phản ứng của người dân và chính quyền huyện Cẩm Xuyên, về việc nếu áp thêm giá điện kinh doanh đối với các hộ này là hoàn toàn sai.