Như đã phản ánh, do tiền điện tăng đột biến nhưng không được trả lời thỏa đáng, bức xúc, một số người dân tại xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đã phản ánh lên facebook. Ngay sau đó, chị Nguyễn Thị Hoa (người trực tiếp phản ánh) đã bị HTX kinh doanh tổng hợp Thành Tâm (HTX Thành Tâm - đơn vị cung cấp điện) cắt điện và những người dân tham gia bình luận khác cũng đều nhận được thông báo cắt điện với lý do đã chỉ trích, bình luận trên facebook.
Phẫn nộ trước cách làm của HTX cùng bức xúc dồn nén, khoảng 3.000 hộ dân tại đây đã cùng viết đơn tập thể, tố cáo những sai phạm, bất cập, khốn đốn mà họ phải chịu trong suốt thời gian sử dụng điện của HTX này. Đặc biệt, giá bán điện sản xuất của HTX Thành Tâm cao hơn giá niêm yết của Nhà nước.
Vào cuộc kiểm tra, sở Công Thương Hà Tĩnh kết luận, HTX Thành Tâm đã vi phạm quá trình cung cấp điện đặc biệt là về giá bán điện sản xuất cao hơn giá niêm yết của Nhà nước. Đáng nói, sở Công Thương tỉnh này còn xác định, những sai phạm của HTX Thành Tâm là đặc biệt nghiêm trọng vì trước đó, vào tháng 5, HTX này cũng đã bị đoàn thanh tra sở phát hiện bán sai giá điện niêm yết tuy nhiên, không những không khắc phục mà tiếp tục vi phạm.
Sau khi những sai phạm bị phát hiện, ông Nguyễn Trọng Dũng, Chủ nhiệm HTX Thành Tâm đã có đơn xin trả giấy phép hoạt động với lý do không đủ năng lực.
Thế nhưng, trái với động thái trên, mới đây, HTX Thành Tâm yêu cầu các hộ sản xuất đá lạnh phải ký hợp đồng mua điện với giá điện kinh doanh. Trước yêu cầu trên, những hộ này không đồng ý ký hợp đồng. Lấy lý do đó, HTX Thành Tâm tiếp tục tự ý cắt điện của họ.
“Vào ngày 24/10, ông Dũng gọi tôi cùng các hộ sản xuất đá lạnh lên ký hợp đồng. Tuy nhiên, trong hợp đồng, HTX bắt chúng tôi mua điện với giá điện kinh doanh là sai nên chúng tôi không đồng ý. Vào ngày 10/11, trong lúc gia đình tôi đi vắng, HTX đã tự ý cho người đến cắt điện. Quá phẫn nộ, tôi đã viết đơn gửi các cơ quan chức năng. Đến ngày 27/11, tức 17 ngày sau, với sự can thiệp của cơ quan chức năng, HTX Thành Tâm mới đến đấu lại điện cho tôi. Trong những ngày bị cắt điện, mọi sinh hoạt của gia đình tôi đảo lộn và thiệt hại về kinh tế. Mỗi ngày, tôi phải mua 50 cây đá để cho các thuyền đi biển với giá 15.000 đồng/cây. Tính ra, 17 ngày tôi phải tốn cả chục triệu đồng để mua gần 1.000 cây đá", ông Phương bức xúc.
“Vào ngày hôm đó, nhân viên HTX Thành Tâm cũng đến tại nhà tôi và các hộ sản xuất đá khác để cắt điện nhưng bị chúng tôi phản đối kịch liệt nên họ phải ra về. Chỉ có hộ ông Phương đi vắng nên đã bị họ cắt. Một ngày chúng tôi còn sử dụng điện của HTX thì phải ký hợp đồng theo đúng quy định. Điều này chúng tôi biết và chấp hành nghiêm túc thế nhưng HTX lại đưa ra giá bán điện hoàn toàn sai, chúng tôi không đồng ý ký được. Thực sự, HTX Thành Tâm quá cường quyền, trong khi điện là nhu cầu thiết yếu nên khiến người dân chúng tôi khốn đốn vô cùng. Người dân chúng tôi rất mong được sớm chuyển sang ngành điện quản lý”, chị Hoàng Thị Phức, một hộ sản xuất đá lạnh nói.
Trước động thái của HTX Thành Tâm, sở Công Thương Hà Tĩnh đã phát văn bản số 1488/SCT-QLNL-22/11/2018 do ông Nguyễn Đình Lộc, Phó Giám đốc sở Công Thương Hà Tĩnh ký, phúc đáp đơn kiến nghị của ông Nguyễn Tiến Phương về việc HTX áp giá bán điện kinh doanh cho các hộ sản xuất đá lạnh.
Cụ thể văn bản nêu: "Theo khoản 10, điều 7, Thông tư 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 của bộ Công Thương quy định về thực hiện giá bán điện thì cơ sở làm đá đông lạnh thuộc đối tượng áp dụng giá bán lẻ điện cho sản xuất. Theo khoản 16, Điều 4, luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lời".
Từ viện dẫn trên, vị Phó Giám đốc sở Công Thương kết luận: "Hộ ông Nguyễn Tiến Phương, trú tại thôn Hải Nam, xã Cẩm Nhượng sản xuất đá lạnh và thực hiện cung ứng, bán đá lạnh cho các tàu thuyền đi biển trên địa bàn xã Cẩm Nhượng là có hoạt động kinh doanh. Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 3, Thông tư 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 quy định về giá bán điện thì giữa bên bán điện (HTX Thành Tâm) và bên mua điện (ông Nguyễn Tiến Phương) căn cứ tình hình sử dụng điện thực tế để thỏa thuận tỷ lệ điện cho mỗi loại mục đích (sản xuất và kinh doanh) để áp giá đúng quy định hiện hành”.
Đáng nói, tại điều 7 mục 10, thông tư 16/2014/TT-BCT của bộ Công Thương ban hành ngày 29/5/2014 đã quy định rất rõ: “Các cơ sở dệt vải, chăn nuôi, ấp trứng gia cầm, xay xát, làm đá đông lạnh, hàn, xì, cưa xẻ, đồ mộc, sấy thóc (lúa), bảo quản nông sản sau thu hoạch” thuộc đối tượng được áp giá bán lẻ điện sản xuất.
Chính vì vậy, văn bản trên do Phó Giám đốc sở Công Thương ký đã vấp phải sự phản ứng của người dân và chính quyền huyện Cẩm Xuyên.
Ông Bùi Quang Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Theo thông tư 16 của bộ Công Thương, các hộ sản xuất đá lạnh được quy định là bán theo giá điện sản xuất nhưng Phó Giám đốc sở Công Thương lại trích luật Doanh nghiệm ra để viện dẫn hộ sản xuất đá có 1 phần là điện kinh doanh. Từ đó, tính ra tỷ lệ để áp giá cho các hộ sản xuất đá lạnh là vừa sản xuất vừa kinh doanh là hoàn toàn sai. Việc HTX tiếp tục tự ý cắt điện của người dân như vậy là sai nên văn bản này của sở Công Thương đã khiến tình hình thêm phức tạp”, ông Mai nói.
Cũng theo một cán bộ công tác trong ngành điện, tại thông tư 16 của bộ Công Thương quy định về giá bán điện thì các hộ sản xuất đá lạnh được tính là giá điện sản xuất, nếu áp thêm giá điện kinh doanh đối với các hộ này là hoàn toàn sai.
Trong một cuộc trao đổi trước đó với báo Người Đưa Tin, ông Hoàng Văn Quảng, Giám đốc sở Công Thương Hà Tĩnh từng cho biết, những sai phạm tại HTX Thành Tâm là nghiêm trọng, đủ cơ sở để tước giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, sau đó, HTX Thành Tâm đã có đơn xin trả giấy phép hoạt động nên sở đang phối hợp với UBND huyện Cẩm Xuyên cùng các cơ quan liên quan thành lập đoàn để định giá tài sản, sau đó, trình UBND tỉnh Hà Tĩnh để gửi ra Tổng công ty Điện lực Miền Bắc hoàn trả, chuyển giao cho ngành điện quản lý.
Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin.