Ngày 05/7/2019, tại trụ sở UBND huyện Sóc Sơn, chính quyến huyện đã tổ chức buổi đối thoại tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực hiện "Dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (vùng bán kính 500m từ hàng rào Khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn)".
Tuy nhiên, buổi đối thoại chỉ có lãnh đạo xã Nam Sơn với người dân. Bên ngoài nhà văn hóa có lực lượng công an đứng canh gác. Các phóng viên báo chí không được tham dự với lý do “họp nội bộ”.
Tại cuộc họp, lãnh đạo xã Nam Sơn đã đọc kết quả buổi làm việc, theo thông báo ngày 4/7, tại trụ sở UBND huyện Sóc Sơn đã có hội nghị tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực hiện giải phóng mặt bằng vùng ảnh hưởng của bãi rác Nam Sơn, bán kính 500m. Cuộc họp này có sự tham dự của Văn phòng UBND thành phố, sở Tài nguyên - Môi trường, sở Xây dựng, sở Tài chính…
Cuộc đối thoại thống nhất một số nội dung liên quan đến công tác giao mặt bằng "dự án Di dân vùng ảnh huởng môi trường từ khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn" như sau:
UBND huyện tập trung thực hiện đấy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ để đề xuất Thành phố ứng vốn kịp thời. Trong tháng 7/2019, hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ diện tích đất nông nghiệp. Tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành chính sách hiện có, vận động các hộ dân nhận tiền tự lo chỗ ở.
Đối với các trường hợp đã cấp quyền sử dụng đất: UBND huyện chủ động rà soát từng trường hợp cụ thể để áp dụng chính sách bồi thường hỗ trợ theo quy định và thẩm quyền.
Đối với công trình xây dựng trên đất phục vụ để ở: UBND huyện xác định thời điểm tạo lập hợp pháp của công trình được bồi thường 100% giá trị. Đối với những trường hợp cố tình xây dựng để trục lợi (sau thời điểm thông báo thu hồi đất) phải kiên quyết xử lý.
Đối với các công trình trên thửa đất trùng lấn đất rừng: UBND huyện rà soát thời điểm bắt đầu sử dụng đất đối chiếu với thời điểm quy hoạch rừng đuợc phê duyệt, nếu trước thời điểm quy hoạch, đủ điều kiện xác định là đất ở thì UBND huyện vẫn bồi thường theo quy định đối với việc đền bù hỗ trợ đất vườn ao liền kề: Liên ngành báo cáo UBND Thành phố đề xuất có chính sách hỗ trợ khác bằng mức 5 lần giá đất nông nghiệp.
Qua đó, hai bên đã thống nhất được một số ý kiến của người dân về việc đền bù và di dời ra nơi khác.
Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Phú, thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn cho biết, sau 3 kì đối thoại, người dân đã được lãnh đạo chính quyền chấp thuận một số yêu cầu như: mức giá đền bù sẽ thay đổi, giá đất thổ cư sẽ vẫn giữ nguyên giá 863.000 đồng/m2 đối với người đăng ký mua nhà ở tái định cư. Nếu hộ dân không đăng ký mua nhà ở tái định cư sẽ được cộng thêm hơn 1.900.000 đồng/m2 đất để các hộ tự tìm chỗ ở mới. Đặc biệt, giá đất liền kề sẽ được thay đổi đáng kể khi được tăng từ 78.000 đồng lên thành 105.000 đồng nhân với 5 lần trên một m2 đất (gần 700.000 đồng/m2 đất).
Ngoài ra, vấn đề người dân lo lắng về việc đền bù nhà, các công trình phụ cũng được quan tâm. Theo đó, nếu làm trước thời hạn (tức ngày 17/3/2019) thì sẽ được đền bù hết và nếu làm sau thời hạn thì sẽ không được đền bù.
Cũng theo ông Phú, tại cuộc họp, chính quyền có đề xuất việc phân chia sổ đỏ đối với những hộ có diện tích trên 240m2 sẽ vẫn tính giá bình thường, còn lớn hơn diện tích trên sẽ được tính theo giá khác.
"Tuy nhiên đây mới chỉ là đề xuất còn nằm trên giấy tờ, người dân chúng tôi vẫn phải chờ", ông Phú nói.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Người Đưa Tin, đến trưa ngày 5/7, mặc dù hai bên đã thống nhất được một số nội dung, người dân vẫn tiếp tục lập chốt chặn xe rác vào bãi vì vẫn chưa thấy một hành động cụ thể nào từ chính quyền địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Tiến, Giám đốc công ty Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết: "Sau 5 ngày người dân chặn xe rác vào bãi Nam Sơn, công ty chúng tôi đã và đang xử lý rác tồn đọng tại nội đô, dần di chuyển đến bãi rác khác".
"Sẽ không có chuyện tồn đọng rác trong nội đô lâu", ông Tiến khẳng định.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tới độc giả.
Nguyễn Lâm- Di Hân