Clip đánh ghen gây "bão"
Liên quan đến vụ Thượng úy công an bị đánh ghen ở xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, Công an huyện Cái Nước đã khởi tố vụ án Làm nhục người khác. Các nghi can đã bị cảnh sát mời lên để thẩm vấn nhằm làm rõ hành vi của từng người.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao cho Chủ tịch UBND huyện Cái Nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành xử lý vụ việc theo đúng pháp luật hiện hành, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 31/5/2018.
Được biết, người đàn ông bị đánh ghen trong đoạn clip là ông N.V.T. - Thượng úy công an, đang công tác tại trại giam Cái Tàu, thuộc Tổng cục 8, bộ Công an, có trụ sở ở xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Sau vụ việc, ông T. đã bị đình chỉ công tác để làm kiểm điểm. Sau đó ông này bị đề nghị tước quân tịch. Hiện hồ sơ còn chờ bộ Công an quyết định.
Sự việc xảy ra vào 1h ngày 13/5, bà N.T.D. (34 tuổi, ngụ xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) cùng một nhóm gồm 7 người kéo tới nhà ông T.V.Th. ở xã Đông Hưng (huyện Cái Nước) để đánh ghen. Tại đây, bà D. phát hiện chồng mình là ông N.V.T. và bà T.H.P. (con gái ông Th.) trong tình trạng không mặc quần áo ở trong phòng ngủ.
Bà D. đã lôi bà P. ra khỏi phòng đánh và cắt tóc. Trong lúc đó những người khác kéo ông T. ra phòng khách. Sau đó, nhóm người này cho ông T., bà P. mặc quần áo. Khi clip đánh ghen này bị tung lên mạng xã hội đã gây xôn xao dư luận địa phương.
Điều dư luận quan tâm là theo quy định của pháp luật, Thượng úy công an có hành vi quan hệ bất chính với vợ người khác sẽ bị xử lý thế nào? Việc bà N.T.D. tự ý xông vào nhà bà T.H.P. để đánh ghen cũng như đánh đập tình địch và chồng sẽ bị xử lý ra sao?
Vi phạm pháp luật
Nhìn nhận vấn đề này dưới góc độ pháp luật, thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật Chính Pháp, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay: “Thời gian gần đây xuất hiện một số clip đánh ghen, điều bất ngờ là có người xuất hiện trong clip là công an. Người dân bất ngờ bởi ngành công an tuyển chọn người rất kỹ càng, đặc biệt là phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong. Ngoài ra, kỷ luật của ngành công an cũng là "kỷ luật thép", thêm vào đó là với tính chất đặc thù, tầm quan trọng của ngành này mà các cán bộ, chiến sĩ công an thường xuyên được học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức để xứng đáng với danh hiệu mà Đảng và Nhà nước, nhân dân giao phó.
Về nguyên tắc thì mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì đều bị xử lý như nhau. Đối với cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân thì ngoài việc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là 1 công dân, họ còn phải chịu kỷ luật của ngành, kỷ luật cán bộ, công chức và kỷ luật Đảng theo điều lệ Đảng”.
Luật sư Cường chỉ rõ, hành vi ngoại tình, quan hệ tình dục với người đã có chồng là vi phạm luật Hôn nhân và Gia đình, vi phạm đạo đức, nếp sống, tác phong của công an nhân dân. Vì vậy, người có hành vi này sẽ bị xem xét kỷ luật theo quy định của ngành công an.
Nếu lối sống bê tha, đạo đức kém không còn đủ phẩm chất để phục vụ thì có thể bị tước danh hiệu công an nhân dân. Nếu không phải là lỗi hệ thống, còn có những mặt tốt, tiến bộ khác, vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì có thể không bị tước danh hiệu nhưng cũng sẽ bị kỷ luật cách chức, cảnh cáo... hoặc hình thức kỷ luật phù hợp.
Về hướng xử lý đối với những người đánh ghen, theo luật sư Cường: “Nếu đánh ghen gây thương tích hoặc xâm hại nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm của người khác thì người đánh ghen phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả do mình gây ra. Vì vậy, khi phát hiện vợ, chồng, người thân của mình ngoại tình thì cần bình tĩnh, thu thập chứng cứ và giao cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết và xem lại tình cảm của cuộc hôn nhân đó, không được manh động, tự ý xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm và tài sản của người khác để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra”.
Phân tích cụ thể về hình thức xử lý mà những người liên quan có thể đối mặt, luật sư Bùi Thị Hiệp, đoàn Luật sư TP.Hà Nội chỉ rõ, việc bà N.T.D. tự ý xông vào nhà bố của bà T.H.P. mà không được sự cho phép của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp để đánh ghen đã có dấu hiệu của tội Xâm phạm chỗ ở của người khác theo quy định tại Điều 158, Bộ luật Hình sự 2015.
Theo đó, hành vi khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác là hành vi lục soát, tìm kiếm những gì mà người khám có ý định tìm kiếm trong phạm vi chỗ ở của người khác khi chưa được sự cho phép của pháp luật. Trong vụ việc này, bà D. xông vào nhà bố của bà P. để tìm chồng cũng như bắt quả tang hành vi ngoại tình của chồng. Hậu quả của hành vi gây ảnh hưởng đến tinh thần của người bị hại cũng như gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Chiếu theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 158, bà D. cùng những người liên quan có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Ngoài ra, việc bà D. lôi bà P. ra khỏi phòng đánh và cắt tóc, sau đó phát tán clip lên mạng xã hội đã có dấu hiệu của tội Làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155, Bộ luật Hình sự. Hành vi này có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
“Việc bà T.H.P. gửi đơn đến cơ quan điều tra đề nghị khởi tố vụ án đối với những người đã đánh và làm nhục mình là căn cứ để cơ quan công an khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại khoản 1, Điều 155, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015”, luật sư Hiệp cho hay.
Việt Hương