Người người tập vũ đạo
Ngay từ thế hệ thần tượng đời đầu như Shinhwa, Fin.K.L, S.E.S… vũ đạo đã được xem là yếu tố rất quan trọng. Sau nhiều năm phát triển và không ngừng thay đổi, vũ đạo vẫn có một chỗ đứng vững chắc tại làng nhạc Hàn. Thậm chí, gần đây, vũ đạo còn được đầu tư lớn về cả tiền bạc lẫn công sức nhằm đáp ứng nhu cầu âm nhạc ngày một khắt khe của công chúng.
Mỗi nhóm nhạc tại xứ Hàn có một phong cách riêng nhưng họ có một điểm chung đó là thường xuyên sử dụng vũ đạo. Ngay đến những nhóm nhạc chạy theo hip hop, rap - dòng nhạc nổi tiếng là tự do như B.A.P, BlockB, Bangtans boy, EVOL… cũng không quên chú trọng yếu tố này.
Một điều khác khẳng định vai trò của vũ đạo là việc rèn luyện của các thần tượng kể từ khi còn là thực tập sinh. Bên cạnh các khóa học thanh nhạc, họ phải dành 1/2 thời gian của ngày vào việc luyện tập vũ đạo. Kể cả khi đã ra mắt, quy định này cũng không được phép thay đổi.
EXO đến công ty lúc 11h sáng và ra về vào lúc 3h sáng ngày hôm sau, trừ lúc ăn, công việc duy nhất họ làm trong khoảng thời gian đó là luyện tập. Ngay khi kết thúc lịch trình, các chàng trai sẽ lập tức trở lại phòng tập để rèn luyện thêm vũ đạo.
Để có được màn múa cột đẹp mắt trong MV First Love, các cô gái After School đã phải khổ luyện trong suốt 6 tháng. Ai trong số họ cũng bị bầm tím khắp tay, chân, thậm chí Lizzy còn bị giãn dây chằng và không được lên sân khấu biểu diễn.
Gần đây, nhiều nghệ sĩ Hàn còn cất công mời các biên đạo múa lừng danh thế giới về nước để sáng tạo nên các bài vũ đạo độc đáo. Falling In Love của 2NE1 do Kohara Sugarwara – biên đạo múa nổi tiếng người Nhật "chủ trì". T-ara N4 gặp gỡ Lil Cesar (người từng làm việc với Madonna, Mariah Carey), hay Jonte Moaning - nổi tiếng với việc biên đạo cho ca khúc Single Ladies của Beyonce - cũng dàn dựng Touch (MissA), Be My Baby (Wonder Girls), Day By Day (T-Ara)…
Trước sự cạnh tranh quá mạnh mẽ của Kpop, các nước lân cận, trong đó có Việt Nam giờ đây cũng buộc phải chăm chút cho vũ đạo để "câu kéo" khán giả nước nhà. Nhiều sao Vpop đã đầu tư lớn và dành nhiều tâm huyết để xây dựng những màn vũ đạo đẹp mắt và phù hợp với nội dung bài hát điển hình như Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, 365, Mi-A…
Hàng loạt ca khúc trở thành hiện tượng nhờ vũ đạo
Chủ tịch của YG Ent, Yang Hyun Suk từng nói, năm 2013 là năm của Crayon Pop. Từ một tân binh "vô danh tiểu tốt", Crayon Pop đã được biết tới ở nhiều quốc gia qua ca khúc hài hước Bar Bar Bar. Xét về mọi mặt, ca khúc không có quá nhiều điểm nổi bật, tuy nhiên, vũ đạo bơm xe độc đáo, dễ thuộc, dễ làm đã trở thành cơn sốt cover, giúp tên tuổi của nhóm bay cao bay xa trên bầu trời Kpop.
Thành công của Crayon Pop ngày hôm nay lại nhắc người ta nhớ đến Gangnam Style của PSY năm 2012. Giống như Bar Bar Bar, bài hát có điệu nhảy ngựa ra mắt gần một tháng trời không được người dân Hàn chú ý, chỉ đến khi vũ đạo ngựa được thế giới để mắt và đua nhau cover, ca khúc mới quay trở lại chiếm lĩnh toàn bộ làng nhạc Hàn.
Psy tại Italia Cup
Crayon Pop nổi tiếng với vũ đạo bơm xe, Psy phủ sóng khắp thể giới với vũ đạo ngựa, Super Junior trở thành thần tượng của muôn nhà nhờ vũ đạo chắp tay xin lỗi trong Sorry Sorry, Wonder Girls trở thành cái tên đình đám nhất 2009 với vũ đạo chỉ tay trong Nobody… Rõ ràng vũ đạo đóng vai trò quan trọng trong thành công của những nhóm nhạc này nói riêng và Kpop nói chung. Thực tế, danh tiếng của Psy, Super Junior, Wonder Girls… có khả năng lan truyền trên diện rộng là nhờ cơn sốt cover, thông thường, fan yêu nhạc chỉ cover vũ đạo, ít ai trong số họ thể hiện lại phần giai điệu.
Vũ đạo giúp gây dựng vị thế
Trong số 40 nhóm nhạc có lượng fan lớn nhất trên Daum fancafe hiện nay, chỉ có 3 nhóm nhạc duy nhất là không sử dụng vũ đạo, như vậy có nghĩa là số nhạc ballad, ban nhạc chỉ chiếm khoảng 0,5% trên tổng số 40. Dĩ nhiên, daum fancafe không phải là thước đo thành công duy nhất, tuy nhiên nó cũng phần nào cho thấy mức độ phổ biến và lượng fan của mỗi nhóm nhạc.
Nhìn vào trường hợp của 2PM và 2AM là có thể thấy vũ đạo quan trọng như thế nào. Ban đầu, 2 nhóm được JYP thành lập như một dự án song sinh với mong muốn cả 2 nhóm đều thành công với hướng đi riêng, thế nhưng, công ty đã không dự được trước, chính sự nổi tiếng của 2PM đã hoàn toàn lấn át 2AM.
2PM dễ dàng chinh phục hàng trăm nghìn fan khắp mọi lãnh thổ với phong cách dã thú, âm nhạc mạnh mẽ, lôi cuốn cùng những bước nhảy uyển chuyển nóng bỏng. Vũ khí duy nhất của 2AM lại chỉ là giọng hát và những ca khúc ballad không quá thịnh hành. Do đó, trong khi 2PM chễm chệ ở vị trí của những nhóm nhạc nam hàng đầu Kpop, danh tiếng của 2AM vẫn chỉ ở mức độ khá với lượng fan khiêm tốn.
Sau thành công của FTIsland và CNBlue, công ty FCN Entertainment từng tuyên bố, họ chỉ sản xuất ban nhạc biết sáng tác, chơi nhạc cụ và ca hát. Thế nhưng, chẳng bao lâu sau, chính công ty này lại đi ngược với tuyên bố trên khi "xuất xưởng" tân binh AOA. Theo đó, trên các sân khấu biểu diễn, người ta lại thấy nhóm nhảy và sử dụng vũ đạo nhiều hơn hẳn sử dụng nhạc cụ.
Theo Tri thức