Chiến tranh thế giới thứ 3 cận kề?
Tờ Sputnik dẫn lời nhà phân tích địa chính trị Phil Butler cho rằng, vụ trục xuất ngoại giao gần đây của Anh không phải là một động thái ngẫu nhiên, riêng lẻ, mà có liên quan đến áp lực gia tăng của phương Tây đối với Nga trong những năm qua.
Theo mức độ gây hấn của phương Tây, nguy cơ về cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 3 giờ đây đang cận kề hơn bao giờ hết.
Theo đó, vụ việc Thủ tướng Theresa May và Quốc hội Anh cáo buộc Moscow việc đầu độc cựu gián điệp Sergei Skripal đang đẩy quan hệ hai bên nghiêm trọng chưa từng có kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vào những năm 1960.
Nhìn vào sự hối hả của Tổng thống Trump khi vào cuộc cùng với Anh, kết hợp với việc chỉ định ông John Bolton là Cố vấn An ninh Quốc gia, bức tranh căng thẳng hiện tại giữa Nga và phương Tây đang trở nên tồi tệ.
Nhà phân tích địa chính trị nhấn mạnh đây cũng là lý do Tổng thống Putin phải phô diễn các loại vũ khí hạt nhân gần đây với thế giới.
Cáo buộc của Anh chỉ là bước đi đầu tiên
Kể từ khi vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal ở Salisbury diễn ra, Thủ tướng Anh Theresa May đã vội vã đổ lỗi cho Nga đứng sau vụ việc, mặc dù cuộc điều tra vẫn chưa hoàn tất.
Ngoài việc làm gián đoạn quan hệ ngoại giao cấp cao với Moscow và trục xuất 23 nhân viên sứ quán ra khỏi đất nước, lãnh đạo Anh còn kêu gọi các nước Mỹ và châu Âu đi theo quyết định của mình.
Kết quả là, 23 quốc gia - bao gồm Mỹ - đã đồng ý trục xuất 137 nhà ngoại giao Nga để đáp ứng yêu cầu của London.
Tuy nhiên, 11 nước thành viên EU, cụ thể là Áo, Bỉ, Bulgaria, Síp, Hy Lạp, Ireland, Luxembourg, Malta, Bồ Đào Nha, Slovakia và Slovenia đã từ chối làm theo đề nghị này.
Theo chuyên gia Butler, công chúng không nên coi vụ trục xuất ngoại giao gần đây chỉ là một trường hợp hi hữu, "khi trên thực tế phương Tây đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn trên mọi mặt trận chống Nga và Tổng thống Vladimir Putin".
Nhà phân tích địa chính trị nhấn mạnh: "Trò chơi cáo buộc đầu độc của Anh chỉ là một phần trong kế hoạch quy mô lớn hơn, tấn công cả về xã hội và chính trị, thao túng truyền thông và các yếu tố mang tính chiến lược, chiến thuật lâu dài".
Các nhà phân tích nhận xét, bằng cách kích động cơn cuồng phong về vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal, London và các đồng minh dường như đang muốn một mũi tên chống nhiều mục đích: Tẩy chay World Cup 2018 do Nga tổ chức, làm suy yếu dự án Nord Stream 2 và gây áp lực đáng kể cho liên minh quân sự Nga-Syria đang có những thành công ở Đông Ghouta .
"Mặc dù Nord Stream và các vấn đề khác rất quan trọng, nhưng World Cup mới là mục tiêu đẩy ông Putin vào một tình thế khó khăn khi những đòn tẩy chay có thể khiến những sân vận động trống rỗng”, nhà phân tích này cho biết.
Không ai giết kẻ phản bội trước bầu cử Tổng thống
Trong một cử chỉ bày tỏ sự đoàn kết với Anh vào ngày 26/3, Cộng hòa Séc đã quyết định trục xuất một số nhà ngoại giao Nga. Tuy nhiên, người đứng đầu liên minh các công ty năng lượng của Séc CZET Zdenek Zbytek không đồng tình về điều này.
Ông Zdenek Zbytek cho rằng, không có bất kỳ bằng chứng rõ ràng nào xác định Nga đứng đằng sau vụ việc nhưng các nước phương Tây đã vội vã hành động.
"Đã không có ai cung cấp bất kỳ bằng chứng rõ ràng nào với giới truyền thông và công chúng. Không có lý do gì để đổ lỗi cho Nga chỉ vì vụ tấn công được cho là sẽ có lợi cho Moscow. Buộc tội Nga là điều vô nghĩa", Zbytek nói với Sputnik.
Ông cũng cảm nhận thấy "vụ Skripal" là một cố gắng vô ích nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống ở Nga.
Chuyên gia năng lượng cho rằng bất kỳ sự suy giảm trong quan hệ chính trị đều ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ kinh tế của Cộng hòa Séc và Nga:
“Sự thật sớm hay muộn đều sẽ lộ ra. Tất cả cần phải xem xét tìm hiểu, bởi vì chỉ có một người điên mới ra lệnh thanh toán cựu điệp viên và kẻ phản bội ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống", Zbytek nhấn mạnh.
Zbytek tin tưởng rằng trong thời điểm các nhà điều tra chưa có bằng chứng rõ ràng, giới chính trị gia nên giữ im lặng và không đưa ra kết luận chính trị mang "hậu quả sâu rộng".