Vụ đầu độc Skripal: Phương Tây có dám "mạo hiểm" tẩy chay World Cup ở Nga?

Vụ đầu độc Skripal: Phương Tây có dám "mạo hiểm" tẩy chay World Cup ở Nga?

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 2, 02/04/2018 14:51

Trên tờ Telegraph, cây bút Hayward châm biếm rằng: "Nước Anh sẽ tẩy chay World Cup bằng cách ra về ngay từ vòng đấu bảng", ám chỉ thành tích thi đấu bết bát của Anh trong những giải đấu gần đây.

Vụ đầu độc Skripal: Phương Tây có dám 'mạo hiểm' tẩy chay World Cup ở Nga?

Nga tuyên bố các nước phương Tây đang cố làm suy yếu vai trò nước chủ nhà World Cup.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Anh và Nga đã lan sang thế giới bóng đá với những câu hỏi liên quan đến sự tham gia của đội tuyển Anh tại World Cup 2018 vào mùa hè này.

Nga sẽ tổ chức ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới từ 14/6 đến 15/7 với việc Anh nằm cùng bảng G với Tunisia, Bỉ và Panama. Thầy trò HLV Gareth Southgate sẽ có trận đấu đầu tiên với Tunisia tại Volgograd vào ngày 18/6.

Trong phiên họp quốc hội hồi giữa tháng 3, Thủ tướng Theresa May cáo buộc Nga chịu trách nhiệm về vụ đầu độc cựu gián điệp Sergei Skripal và con gái ở Salisbury.

Đi kèm với lời cáo buộc là hàng loạt các quyết định trục xuất ngoại giao của Anh cùng các đồng minh phương Tây.

Cùng với đó, người đứng đầu Chính phủ Anh tuyên bố sẽ không có bất kỳ bộ trưởng hoặc một thành viên Hoàng gia nào tham dự World Cup tại Nga.

Sau sự cố ở Salisbury, Ngoại trưởng Boris Johnson nói với các nghị sĩ rằng Nga sẽ đối mặt với một phản ứng “mạnh mẽ” từ Vương quốc Anh và sẽ “rất khó” để chứng kiến đại diện của nước này có thể đến World Cup “một cách bình thường” .

Stephen Kinnock từ Đảng Lao động Anh nói với BBC rằng World Cup nên hoãn lại hoặc thậm chí tổ chức ở một quốc gia khác.

Trong khi cựu Phó Thủ tướng Nick Clegg nói rằng "Anh không thể tiếp tục gửi đội bóng đến World Cup nếu có minh chứng cho thấy đây là một cuộc tấn công trực tiếp”.

Anh chưa có kế hoạch thay đổi

Vụ đầu độc Skripal: Phương Tây có dám 'mạo hiểm' tẩy chay World Cup ở Nga? (Hình 2).

Anh sẽ tẩy chay World Cup 2018 bằng việc không cử quan chức đến dự lễ khai mạc.

Hôm 1/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova đã lên tiếng cáo buộc phương Tây dùng các biện pháp chiến tranh ngoại giao để tìm mọi cách loại bỏ World Cup 2018 ra khỏi Nga, phá hỏng công tác tổ chức của nước này.

“Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo rằng trước khi World Cup bắt đầu, các phương tiện truyền thông phương Tây sẽ tung ra một chiến dịch truyền thông toàn diện để làm mất mặt và làm suy yếu vai trò nước chủ nhà của Nga”, Interfax dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga.

"Như chúng ta thấy, người Anh đặc biệt tích cực trong vấn đề này, họ không thể tha thứ cho Nga vì giành mất quyền đăng cai World Cup của họ. Đó thực tế là một quyết định công bằng sau một cuộc bỏ phiếu công bằng. Hiện các phương tiện truyền thông Anh đang tích cực kêu gọi tẩy chay World Cup sắp tới", phía Moscow chỉ trích.

Cho đến thời điểm hiện tại, Ba Lan, Iceland, Đan Mạch, Thụy Điển, Australia, Nhật Bản và Anh tuyên bố không cử quan chức đến tham dự lễ khai mạc World Cup tại Nga sau vụ việc Skripal.

Giữa tình hình ngày càng trở nên căng thẳng, đã có câu hỏi đặt ra là liệu Anh có quyết định không cử đội tuyển đến tham gia hay không.

Theo trang Sky Sports News, nước Anh vẫn sẽ đến World Cup trừ khi Hiệp hội bóng đá Anh (FA) được "Chính phủ" trực tiếp yêu cầu rằng họ không nên tham dự.

Tuy nhiên, trước làn sóng “chính trị hóa bóng đá”, cựu giám đốc điều hành của FA, David Davies, nói rằng ông phản đối bất kỳ vụ tẩy chay nào. "Tôi không nghĩ ý tưởng khuyến khích FA rút đội tuyển ra khỏi World Cup là điều cần xem xét nghiêm túc trong thời điểm này”, Davies nói.

Viết trên The Daily Telegraph, cây bút Paul Hayward nói rằng những lo ngại về World Cup của Nga là "có thật và chính đáng", nhưng động thái tẩy chay sự kiện này của nước Anh sẽ bị "phản tác dụng".

Hayward cho biết: "Hiệp hội bóng đá cần thảo luận về kịch bản đen tối nếu nước Anh rút lui bởi vụ scandal Skripal".

Nếu Anh tẩy chay World Cup, các quốc gia đồng minh có thể cùng tham gia vào động thái này. Trong đó các đồng minh NATO như Bỉ, Đức, Pháp và Tây Ban Nha đều là các nước có nền bóng đá nổi tiếng.

Mặc dù vậy, giới quan sát đánh giá quyết định tẩy chay của các quốc gia nói trên sẽ không mang lại tổn hại gì cho Nga mà sẽ giết chết niềm tin của người hâm mộ trong nước.

Quan điểm của người hâm mộ

Trong một cuộc thăm dò hiện nay trên trang web của Sky News, 52% tin rằng nước Anh nên rút khỏi World Cup; 30% nói rằng điều này là vô ích; 13% tin rằng đội bóng nên thi đấu, nhưng các quan chức nên tẩy chay; trong khi 5% không quan tâm đến bóng đá.

Cuộc thăm dò trên Twitter lại mang đến một câu chuyện khác với 44% trong số 7.300 người nói rằng một cuộc tẩy chay World Cup sẽ "chẳng đạt được điều gì".

Vụ đầu độc Skripal: Phương Tây có dám 'mạo hiểm' tẩy chay World Cup ở Nga? (Hình 3).

Lịch sử bóng đá từng chứng kiến nhiều vụ tẩy chay World Cup.

Trên tờ Telegraph, cây bút Hayward châm biếm rằng: "Nước Anh sẽ phản đối bằng cách rời khỏi vòng đấu bảng", ám chỉ thành tích thi đấu bết bát của Anh trong những giải đấu gần đây.

Một lời cảnh tỉnh khác cho biết, nếu Anh tẩy chay vòng chung kết 2018, nước này có thể đối mặt với lệnh cấm tham dự vòng chung kết World Cup 2022 tại Qatar.

Tờ Telegraph báo cáo rằng một cuộc tẩy chay sẽ có “nguy cơ vi phạm các quy định thi đấu FIFA”. Các quy tắc của FIFA quy định: "Tất cả các hiệp hội thành viên tham gia đều phải đảm bảo chơi tất cả các trận đấu cho đến khi bị loại khỏi World Cup".

Thực tế một cuộc tẩy chay của Anh sẽ là đòn trừng phạt đối với 24.000 người hâm mộ đã mua vé đến tham dự vòng chung kết bóng đá tổ chức ở Nga. Những căng thẳng hiện tại cũng khiến cho họ sẽ nhận được những lời khuyên không nên đến Nga vì những lo ngại về an ninh khi các giao thức ngoại giao bị rối loạn.

Lịch sử tẩy chay

Lịch sử World Cup đã chứng kiến nhiều vụ tẩy chay với những lý do khác nhau. Trong đó thú vị nhất là trường hợp của Uruguay, nước chủ nhà và cũng là nhà vô địch của World Cup 1930 đã từ chối tham gia vòng chung kết 4 năm sau ở Italia. Lý do cho quyết định này bắt nguồn từ việc có quá ít đội châu Âu đến nước này tham gia vòng chung kết năm 1930.

Uruguay vẫn tiếp tục phản đối World Cup năm 1938 ở Pháp cùng với Argentina với lý do vòng chung kết năm đó lẽ ra phải được tổ chức ở Nam Mỹ thay vì châu Âu.

Mặc dù không hẳn là một cuộc tẩy chay nhưng trường hợp thú vị của Ấn Độ và World Cup 1950 vẫn được nhắc tới nhiều sau này. FIFA đã ra quy định rằng các cầu thủ Ấn Độ không được phép thi đấu bằng chân đất.

Về sau này có những ý kiến nói rằng đó là lý do Ấn Độ quyết định từ chối tham gia giải. Tuy nhiên, lý do mà Ấn Độ rút lui chỉ đơn giản là cảm thấy giải đấu không mang nhiều giá trị.

World Cup 1966 tại Anh đã bị tẩy chay bởi cả lục địa châu Phi khi Liên đoàn bóng đá châu Phi (CAF) phản đối việc phân bổ suất tham dự vòng chung kết thiếu công bằng.

Trong khi châu Âu có 10 suất tham dự, 4 suất từ Nam Mỹ và một suất từ Trung Mỹ thì các quốc gia từ châu Phi, châu Á và châu Đại Dương phải cạnh tranh cho đúng một suất duy nhất, vì vậy CAF đã rút các đội bóng tham dự vòng loại năm 1964.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.