Vũ điệu sa dăm và tuyệt kỹ múa trống chỉ có ở Tây Ninh

Vũ điệu sa dăm và tuyệt kỹ múa trống chỉ có ở Tây Ninh

Dương Thanh Tùng

Dương Thanh Tùng

Thứ 4, 14/02/2018 06:00

Nghệ thuật múa trống sa dăm (Chhayyăm) là nét văn hóa truyền thống của cộng đồng người Khmer Nam Bộ. Nhưng chỉ ở Tây Ninh, vũ điệu này mới được nâng lên tầm cao hơn, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Người mê trống

Tiếp PV trong một căn nhà nhỏ nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh, ông Trần Văn Xén (SN 1957, ngụ ấp Long Tân, xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh) bồi hồi, xúc động, khi chia sẻ về bản thân và cơ duyên với nghệ thuật múa trống sa dăm.

Ông nói về khâu chế tác trống: “Ngày trước, người ta đục đẽo thủ công, giờ có máy móc hỗ trợ, tiếng trống cũng chuẩn hơn. Khó nhất là khâu bịt mặt trống, phải thợ lành nghề mới làm được”. Thân trống làm bằng gỗ mít già, chỉ lấy phần lõi. Mặt trống căng bằng da trâu. Phần chân trống, nay được thay thế bằng chất liệu nhôm vừa nhẹ, vừa tăng độ bền khi biểu diễn. Một chiếc trống hiện tại thường cao 60 – 62cm, chỉ nặng chừng 4kg.

Văn hoá - Vũ điệu sa dăm và tuyệt kỹ múa trống chỉ có ở Tây Ninh

Theo ông Xén, nhịp điệu của trống sa dăm không phức tạp nhưng thể hiện được âm thanh “tờ rung” đặc trưng của loại trống này không phải dễ. 

Cũng như ông Xén, các “đệ tử” của ông cũng có những gốc gác na ná như người thầy của mình. Họ làm nông, thợ hồ, mua bán... nhưng có chung niềm đam mê trống sa dăm. Ông Xén vẫn thường xuyên đi dạy miễn phí cho nhiều người. Theo ông, để đánh được trống sa dăm người sáng dạ chỉ cần học nửa tháng. Trong số những học trò, ông nhớ nhất một cậu bé vì nhà nghèo, không có tiền may trang phục mà không dám xin học. Ngày ngày, cậu ngồi xem đội trống tập luyện. Biết chuyện, ông hỏi: “Ngồi xem vậy có học được gì không?”. Cậu bé nói: “Được”, rồi mượn trống biểu diễn luôn cho ông xem. Giờ cậu đang là thành viên trong đội.

Đội trống của ông Xén hiện có khoảng 30 người và thành viên nhỏ tuổi nhất chỉ từ 8 – 12 tuổi.

Nhịp nhàng, ăn ý giữa trống và múa

Có nguồn gốc từ Campuchia, điệu múa trống sa dăm vốn được truyền dạy cho đồng bào Khmer tại Việt Nam từ năm 1972 để biểu diễn trong lễ hội của đạo Cao Đài. Nhưng vì gánh nặng “cơm áo”, loại hình nghệ thuật này hiện chỉ còn một vài nhóm dân tộc Khmer Nam Bộ gìn giữ. Theo ông Xén, nhịp điệu của trống sa dăm không phức tạp nhưng thể hiện được âm thanh “tờ rung” đặc trưng của loại trống này không phải dễ. Vừa đánh trống vừa nhảy múa nhịp nhàng lại càng phải gắng công.

“Vì trống sa dăm không chỉ hay ở tiếng, mà kỳ diệu hơn lại chính là muôn vàn động tác tuyệt kỹ của người chơi. Chỉ ở đất Tây Ninh, người ta mới làm được điều đó”, ông Xén tâm đắc kể. Theo đó, khi biểu diễn, vũ công đeo trống trước bụng rồi lại bất ngờ đưa ra sau lưng, nâng lên hạ xuống, tung đẩy như làm xiếc. Họ đánh trống bằng rất nhiều bộ phận từ đầu, tay, cùi chỏ, đầu gối đến gót chân. Khi múa đôi, múa ba, người này lại đánh vào trống người kia. Đặc biệt khi có long mã, kỳ lân thì sự ngẫu hứng tài hoa càng nhiều hơn.

Văn hoá - Vũ điệu sa dăm và tuyệt kỹ múa trống chỉ có ở Tây Ninh (Hình 2).

Múa trống sa dăm hình thành trong quá trình lao động, được lưu truyền trong dân gian nên không rõ tác giả là ai, không có bản phổ ký âm. Thế nhưng, điệu múa vẫn được người dân lưu truyền và biểu diễn từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trong nghệ thuật này, tay trống không chỉ là một vũ công, mà trong động tác người ta thấy cả yếu tố võ thuật như: Xuống tấn, lúc lại ngã nhào hoặc lộn xuống đất. Còn khi đứng thì sử dụng tay, cùi chỏ, nằm lại sử dụng gót chân... để đánh. Từng động tác phải nhanh, mạnh, dứt khoát... chẳng khác nào một bài quyền trong võ Việt. Vì thế, khi xem biểu diễn, tay chân của khán giả cũng muốn lay động theo và đôi mắt không muốn rời. Rồi, khán giả lại bất ngờ ồ lên khi thấy những mảng, miếng tuyệt diệu.

Tuy nhiên, ông Xén cho biết: “Tuyệt kỹ trong việc biểu diễn loại hình nghệ thuật này chính là múa và kết hợp đánh trống. Đây cũng là cái khó nhất mà người chơi “món” này phải đạt tới. Khi đó, việc gõ trống và múa phải được kết hợp nhịp nhàng, chính xác đến từng chi tiết nhỏ nhất”. Ví dụ, khi đánh trống bằng tay, cùi chỏ, gót chân thì tư thế người phải thay đổi, di chuyển, nhào lộn liên tục nhưng vẫn phải làm sao cho âm thanh vang đúng, chuẩn, không bị mất tiếng hay chệch nhịp điệu.

Khi tiếng trống bị chêch phô thì sẽ làm giảm hưng phấn cho người nghe và xem. Thêm vào đó, một cái khó nữa là khi nhào lộn, người múa không được để trống chạm sàn diễn, lúc nào cũng phải ôm chặt mới tạo ra được âm thanh chuẩn. “Vũ điệu sa dăm là niềm tự hào của tất cả người dân Tây Ninh. Truyền dạy lại cho thế hệ trẻ không phải là việc của chỉ riêng tôi. Trong Tòa thánh còn có thầy Trần Minh Châu, trưởng trống; ở ấp Trường An, xã Trường Tây thì có gia đình cô Cao Thị Yến... Tất cả họ đều nặng lòng gìn giữ và sáng tạo cho điệu múa ngày càng sinh động”, ông Xén tâm sự.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Phó Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tây Ninh cho biết: “Múa trống sa dăm hình thành trong quá trình lao động, được lưu truyền trong dân gian nên không rõ tác giả là ai, không có bản phổ ký âm nhưng điệu múa vẫn được người dân lưu truyền và biểu diễn từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngày nay, điệu múa này thường được biểu diễn trong các chương trình sinh hoạt cộng đồng, lễ hội của người dân tộc Khmer, Tòa thánh Cao đài, đặc biệt là dịp xuân về...”.           

Điệu múa di sản

Tháng 12/2014, điệu múa trống ở ấp Trường An, xã Trường Tây, Hòa Thành đã được công nhận di sản văn hóa cấp Quốc gia. Tháng 6/2015, xã Trường Tây đã long trọng tổ chức lễ đón bằng di sản này.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.