Để có được cái gọi là đỉnh cao ấy ông phải đạp lên biết bao chông gai, chấp nhận cô đơn trong những giai điệu hợp xướng. Và nhiều khi ba năm kiếm tiền ông "nướng" sạch chỉ sau một vài giờ tỏa sáng đam mê.
Nghề chông gai
Với nhiều người Việt Nam, nhất là giới trẻ cụm từ hợp xướng hay giao hưởng nghe vẫn còn rất xa lạ. Nhiều lần tôi đã định hẹn nhạc sĩ Vũ Đình Ân hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM để phỏng vấn, nhưng rồi lại thôi vì sợ mình chưa đủ hiểu về hợp xướng.
Nhạc sỹ Vũ Đình Ân.
Tình cờ nghe được bản hợp xướng Lục Vân Tiên do chính ông sáng tác, những giai điệu da diết lôi cuốn tôi một cách kỳ lạ. Tôi quyết định gặp ông để tìm hiểu về công việc của ông. Vũ Đình Ân với dáng người đậm, nét mày tao nhã và giọng nói gãy gọn.
Ông tiếp tôi trong sự chân thành cởi mở, ông nói: "Cuộc đời tự nhiên cuốn hút tôi vào với hợp xướng. Từ nhỏ lúc 11 tuổi khi đang còn học tiểu học, tôi đã được chọn vào ban đồng ca thiếu nhi ở thành phố Nha Trang. Lớn lên gia đình chuyển vào Sài Gòn, tôi tham gia vào ban hợp xướng trường đại học Luật (trước năm 1975). Sau ngày thành phố giải phóng, tôi tham gia vào Đội văn công xã Tân Sơn Nhì (quận Tân Bình)... Tất cả ở những nơi tôi đã tham gia, dù ở một cương vị nào, tôi vẫn là người được mời đứng ra dàn dựng những chương trình hợp xướng... Thấy tôi có khiếu về hợp xướng nên Hội âm nhạc đề cử tôi đi học những khóa tu nghiệp nâng cao theo chương trình của hội đào tạo. Khi làm bài tốt nghiệp, hợp xướng vẫn là môn học được tôi chọn để làm bài tốt nghiệp cho chính bản thân mình".
Nhạc sĩ Vũ Đình Ân cho biết, ở Việt Nam, thể loại hợp xướng ít được đón nhận. Tại các nhà hát mỗi khi có dàn ca sĩ nhạc trẻ hay hải ngoại về, khán phòng chật ních người xem. Nhưng với một dàn hợp xướng được dàn dựng công phu thì một thực tế phũ phàng là rất ít người đến thưởng thức. Chỉ khi nào vé vào được miễn phí thì mới có các cụ bô lão hay những người lớn tuổi tới xem.
Nhạc sĩ Vũ Đình Ân cho biết: "Đỉnh cao của âm nhạc là giao hưởng, là hợp xướng. Tại các nước tiên tiến trên thế giới thể loại hợp xướng đối với họ không có gì là xa lạ, vì ngay trong các trường tiểu học họ đã được tham gia đầy đủ ở thể loại này. Còn tại Việt Nam, chúng ta chưa có chương trình cụ thể để đưa vào các tiết học, nên rất ít người biết đến, công chúng đón nhận một cách hời hợt có lẽ vì không được am hiểu tường tận. Nên khi nói đến hợp xướng họ có vẻ ngại ngùng, vì thế ở nước ta muốn tổ chức một đêm hát hợp xướng thường rất khó. Người tổ chức phải là người chủ động về kinh phí dàn dựng".
Nhạc sỹ Vũ Đình ân chỉ huy dàn nhạc. Ảnh internet
Nhắc đến kinh phí dàn dựng một đêm diễn hợp xướng cũng có cái đặc biệt khác lạ. Thường những tác phẩm mới "ra lò" đều do tác giả tổ chức một buổi công diễn tự thân hoặc may mắn có nhà tài trợ. Ông chia sẻ: "Khi dàn dựng công diễn ra mắt tác phẩm Lục Vân Tiên, khó khăn lớn nhất với tôi là kinh phí. Tôi chọn giới thiệu tác phẩm này ở Nhà hát lớn TP.HCM. Đó là một đêm diễn miễn vé cho khán giả, mọi thứ từ trang phục cho đến đạo cụ... đều tự mình thuê lấy. Một số anh em đi thì cũng mến mộ và ủng hộ một ít về vật chất. Nhưng cái chính vẫn là mình tự chủ động lấy. Ngoài ra không có một nguồn lợi nhuận nào từ tác phẩm của tôi".
Kiếm của ba năm tiêu một giờ
Nhạc sĩ Vũ Đình Ân chia sẻ sự khó khăn thì ngành nào cũng có, nhưng cái khó của hợp xướng chính là có đầu vào mà chẳng có đầu ra. Người sáng tác hợp xướng phải chọn cho mình những công việc để "kiếm thêm" chỉ với mục đích nuôi sống đam mê với hợp xướng. "Làm việc với hợp xướng từ khi còn là đứa trẻ cho tới bây giờ tóc đã điểm sương mà ngay cả cái xe tôi đi cũng cà tàng. Bởi các công việc của tôi đều chỉ dành cho hợp xướng. Hiện tại công việc chính của tôi là cộng tác với Hội âm nhạc TP.HCM để làm mỗi tháng một lần chương trình giới thiệu ca khúc mới nay là chương trình "âm nhạc tỏa sáng". Ngoài ra, tôi đi dạy học để kiếm thêm thu nhập, nhận hòa âm phối khí cho các chương trình âm nhạc giao hưởng, hợp xướng dàn dựng chương trình với các thể loại theo mọi nhu cầu...".
Nhạc sỹ Vũ Đình Ân nhận bằng kỷ lục.
Đối với nhạc sĩ Vũ Đình Ân, khi sáng tác hợp xướng mục tiêu hàng đầu của ông là làm nghệ thuật và cái được trước tiên của ông chính là thỏa mãn được lòng đam mê. Vì thế, ông có thể nỗ lực làm cả trăm công nghìn việc để phục vụ cho sáng tác dàn dựng chương trình hợp xướng.
Nhạc sĩ Vũ Đình Ân cho hay: "Khi làm xong một tác phẩm bằng công sức và tiền của của mình mà nó lại được công diễn nữa thì còn gì vui bằng. Tôi chấp nhận làm các công việc hàng mấy năm trời để sáng tác hợp xướng. Vì thế thành thử mình vô tình trở thành kẻ kiếm của ba năm tiêu một giờ. Tôi sáng tác được các tác phẩm lớn như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên và mỗi lần công diễn thực sự nó đã tiêu tốn số tiền mà ba bốn năm tôi dành dụm. Có nhiều khi không có đủ còn phải vay mượn để đắp vào, quyết công diễn bằng được tác phẩm. Nhìn vào ai cũng nói là một kỳ công, không phải ai cũng làm được nhưng có ai biết mình đã bước lên chông gai của kỳ công ấy".
Trong suốt sự nghiệp của mình, nhạc sĩ Vũ Đình Ân đối mặt bao nhiêu vất vả là cũng bấy nhiêu sự ủng hộ. Có nhiều khi đang sáng tác, ông chợt mất cảm hứng, chữ nghĩa cứ đi đâu hết thế là ông phải chọn cho mình một nơi thật xa để lấy lại tinh thần. Nhạc sĩ Vũ Đình Ân chia sẻ: "Tôi nhận được rất nhiều lời an ủi, động viên từ gia đình, những người luôn giúp đỡ tôi về vật chất và tinh thần. Tôi làm có tiền nhưng lại không đem về nhà đó là điều không nên khi là một người trụ cột trong gia đình. Nhưng tất cả đều hiểu vì một điều giản đơn, họ biết tôi làm việc này không phải để kinh doanh. Con cháu tôi thì hiểu tôi đang cố gắng để lại cho đời, để lại cho chúng một ngọn lửa đam mê cháy bỏng trong những tác phẩm giao hưởng đỉnh cao".
Nhạc sĩ Vũ Đình Ân cho biết: "Tôi rất may mắn có được những người thầy "siêu đẳng" hướng dẫn cho mình như: Giáo sư, nhạc sĩ Ca Lê Thuần; giáo sư, nhạc sĩ Thế Bảo; giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Nam; giáo sư, nhạc sĩ Trần Anh; nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Đó là những người thầy luôn đồng hành và ủng hộ tôi trên mọi bước đường nghệ thuật khi tôi chọn cho mình viết thể loại hợp xướng". Sau tác phẩm Truyện Kiều được vinh danh, tác phẩm hợp xướng Lục Vân Tiên đạt kỷ lục về tác phẩm hợp xướng dài nhất Việt Nam với 100 phút. Kỷ lục đó được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam trao tặng cho nhạc sĩ Vũ Đình Ân. Đây được xem là tác phẩm kinh điển của dòng nhạc "kén người" tại Việt Nam. |
Hoàng Minh