Clip: Cận cảnh cánh đồng nơi người dân phải đóng phí chăn thả trâu bò.
Liên quan đến sự việc người dân ở 2 thôn thuộc xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình phản ánh việc phải đóng phí đồng cỏ cho trâu bò gây bức xúc dư luận, sáng 7/8, PV báo Người Đưa Tin đã trực tiếp đến địa bàn tìm hiểu.
Được biết, đã mấy năm gần đây, người dân thôn Hoành Vinh và Thống Nhất, xã An Ninh, đang phải đóng rất nhiều các khoản phí như phí mua đồng cỏ chăn thả trâu bò, chăn thả vịt, máy cày, máy gặt… cho HTX dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất và HTX dịch vụ Hoành Vinh.
Như ở HTX Hoành Vinh tổ chức thu phí đồng cỏ cho trâu bò với mức mỗi năm từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng/con. Quá trình chăn thả, nếu hộ dân nào để trâu bò ăn lúa dưới ruộng thì bà con còn bị phạt tiền từ 300.000 đồng - 500.000 đồng, tùy theo mức độ thiệt hại.
Liền kề thôn Hoành Vinh là thôn Thống Nhất, người dân ở đây cũng đang phải đóng những khoản phí vô lý cho HTX. Đang chăn thả đàn trâu của mình ở cánh đồng ruộng, ông Trương Tiến V. (58 tuổi), trú thôn Thống Nhất bùi ngùi cho hay, để đàn trâu được chăn thả tại cánh đồng này, ông phải đóng phí cho HTX, nếu không đóng thì không được chăn thả ở đây.
Theo lời ông V., mức phí cho mỗi con trâu chăn thả tại cánh đồng này là 100.000 đồng/con; trước đó (năm 2017), mức phí là 150.000 đồng/con. Như vậy, chưa kể các khoản phí khác, riêng phí chăn thả trâu bò trên đồng ruộng, ông V. phải trả tới 500.000 đồng (5 con) cho HTX. Đây quả là một số tiền không nhỏ đối với gia đình ông.
“Ở đây ai nuôi trâu bò cũng phải nộp, gia đình nào nuôi ít thì nộp ít, ai nuôi nhiều thì số tiền nộp cũng nhiều”, ông V. cho hay.
Một người dân khác ở thôn Thống Nhất cho biết, nhà chị nuôi 5 con bò, mỗi năm phải đóng 500.000 đồng để được chăn thả ra cánh đồng do HTX quản lý.
“Mỗi lần thấy loa phát thanh thông báo thu tiền thì chúng tôi đến nộp, chứ cũng không biết số tiền đó HTX thu nhằm mục đích gì”, chị này nói.
Theo lời người dân, không chỉ thu tiền chăn thả trâu bò và những khoản phí vô lý khác, HTX Thống Nhất còn bán đồng cho các hộ chăn nuôi vịt, việc này khiến họ không thể thu hoạch được lúa tái sinh mọc trên chính đồng ruộng của mình.
“Gia đình tôi có 2,5 sào ruộng, mỗi năm sau khi thu hoạch xong vụ hè thu, sẽ có lúa tái sinh. Tuy nhiên, vì HTX đã bán đồng cho những hộ chăn nuôi vịt khác nên chúng tôi không được phép thu hoạch số lúa này nữa”, chị H. bùi ngùi cho biết.
Ông Võ Doãn Khồ, Trưởng thôn Hoành Vinh, xã An Ninh cho biết, việc thu phí này đã thực hiện từ nhiều năm nay, được người dân đồng ý và bản chất của việc thu phí này nhằm gắn trách nhiệm của người dân khi họ thả trâu bò làm hư hỏng các công trình như đập, đê, lúa ở khu vực chăn thả.
“Chăn nuôi phục vụ cho cá nhân họ chứ không phải phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nên từ cái đó bắt buộc họ phải có trách nhiệm bảo vệ khu vực xung quanh. Anh chăn thả trâu bò làm hư hỏng cái đập này, làm hư hại lúa của những hộ khác không có trâu bò thì ai chịu trách nhiệm? Nên phí này giống như gắn liền với trách nhiệm mà thôi", ông Khồ nói.
Ông Trương Văn Long, Chủ tịch UBND xã An Ninh cho hay, ông đang đi họp không tiện trao đổi. Ông nói, về vấn đề này, vừa rồi xã cũng đã có báo cáo lên huyện.
Ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết, ông đã nắm được tình hình và đang giao cho xã kiểm tra, báo cáo. “Quan điểm của huyện, nếu có việc thu sai thì huyện sẽ khắc phục và sửa chữa cái sai đó”, ông Đông khẳng định.
Mong muốn nhìn nhận sự việc trên một cách khách quan, đa chiều, chúng tôi đã liên hệ với ông Võ Doãn Dực, Chủ nhiệm HTX Hoành Vinh. Tuy nhiên, ông này từ chối gặp mặt và cho rằng, HTX có quyền kinh doanh cái gì thì kinh doanh (?!).
Theo ông Dực: “HTX sản xuất kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cấp phép nên chúng tôi có quyền kinh doanh trên đồng ruộng. Chúng tôi làm việc có đại hội, đại biểu xã viên biểu quyết nhất trí. Sản xuất kinh doanh trên diện tích đất được cấp phép, chúng tôi muốn kinh doanh cái gì đúng pháp luật thì làm, không làm trái pháp luật là được. Chúng tôi không có thời gian đi diễn giải với những việc đó”.
PVi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin vụ việc!