Chọn "khách sạn" nói chuyện là còn có điều khuất tất
Nghi án em rể sát hại chị dâu trong khách sạn rồi tự sát không chỉ làm rúng động dư luận tỉnh Yên Bái mà còn khiến dư luận cả nước giật mình, bức xúc. Ngày 23/10, báo Người Đưa Tin đã có một cuộc trò chuyện với chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa để có cái nhìn sâu sắc về vụ việc dưới góc độ tâm lý.
Dưới góc độ của một chuyên gia tâm lý, ông Trịnh Trung Hòa khẳng định việc những người trong một gia đình có quan hệ tình ái với nhau được coi là “trương luân bại lý” tức phạm vào luân thường đạo lý của con người.
Chuyên gia Hòa cho biết, để có thể dung hòa mối quan hệ giữa nam và nữ trong cùng 1 gia đình cần có văn hóa trong sinh hoạt và giao tiếp. Nếu thiếu đi văn hóa ứng xử trong gia đình, những sự thân mật đến mức suồng sã có thể dẫn đến những mối quan hệ sai trái.
Đối với trường hợp này, có thông tin rằng, mối quan hệ giữa 2 đối tượng đã bị gia đình phát giác nhưng lại không xử lý đến nơi đến chốn. Do thiếu nghiêm khắc trong việc ngăn cản nên tình trạng của Mỹ và chị L. này vẫn tiếp diễn.
“Nếu sau khi bị gia đình cản trở, 2 người chỉ còn gặp gỡ nhau để bàn chuyện công việc thì địa điểm gặp mặt có thể là một quán cà phê. Thay vào đó, họ lại lựa chọn địa điểm gặp mặt là khách sạn chứng tỏ 2 người vẫn có những hành động bất chính với nhau.
Theo suy đoán của tôi, trong cuộc nói chuyện giữa 2 người đã xảy ra mâu thuẫn. Khả năng người chị dâu muốn chấm dứt mối quan hệ nhưng cậu em rể không đồng tình nên đã siết cổ, sát hại đối phương”, chuyên gia Hòa nhận định.
Khi nói về Bùi Anh Mỹ, chuyên gia cho rằng anh chàng làm nghề dẫn chương trình đám cưới, là một công việc lãng mạn, tự do gần như không chịu sự quản lý, giáo dục của bất cứ ai cùng với sự lỏng lẻo trong cách giáo dục của gia đình dẫn tới sự việc đáng buồn.
Làm sao để tránh xảy ra những sự việc tương tự?
Không chỉ riêng anh Mỹ và chị L., theo chuyên gia Hòa, các trường hợp nảy sinh mối quan hệ bất chính ví dụ như em vợ đến ở nhờ nhà anh rể để đi học hoặc đi làm hay thậm chí mợ và cháu,... cũng đã từng xảy ra do không biết cách kiểm soát.
Chuyên gia chỉ ra 2 điều cần lưu ý để tránh những sự việc tương tự xảy ra:
Thứ nhất, cảm xúc con người là một thứ không hề dễ kiểm soát. Điều chúng ta có thể làm là kiểm soát hành động của bản thân, tránh tự đẩy mình vào những tình huống khiến cảm xúc bùng phát. Ví dụ như chị dâu và em rể không nên có những hành động thân mật quá mức, lâu ngày sẽ hình thành những xúc cảm không đứng đắn.
Điều thứ hai cần để tâm đó là các bậc phụ huynh trong gia đình khi phát hiện cần có một biện pháp ngăn chặn mạnh mẽ và quyết liệt để sự việc sớm chấm dứt không để xảy ra các hậu quả đáng tiếc.
Gần đây, xã hội xuất hiện một số câu chuyện "động trời", sai lệch với chuẩn mực đạo đức như chồng bắn vợ, người yêu sát hại nhau, em rể giết chị dâu... chuyên gia nhấn mạnh rằng vấn đề giáo dục pháp luật cho người dân trong thời điểm hiện tại cần được tăng cường hơn nữa.
Hiện tại, ý thức pháp luật của người dân còn chưa cao. Thông thường, những đối tượng này cho rằng việc phi tang chứng cứ sau khi gây án sẽ giúp họ thoát tội tuy nhiên theo thực tế là hầu hết những trường hợp trên đều được đưa ra ánh sáng và những kẻ tội phạm đều phải trả giá cho hành động của mình.
Bên cạnh đó, những hậu quả của hành vi bộc phát như vậy cũng không hề nhỏ. Có những người mất đi tính mạng, người còn lại sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Không chỉ vậy, những người xung quanh như gia đình và người thân cũng phải mang theo những vết nhơ khó có thể xóa đi. Tất cả xuất phát do sự mù quáng trong tình yêu.
Tôn Vỹ