Ngày 10/3, TAND TP.Hà Nội tiếp tục phần xét hỏi để làm rõ các sai phạm trong vụ án Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ (Ethanol Phú Thọ).
Trịnh Xuân Thanh (SN 1966, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC) bị dẫn giải vào phòng xử án, trả lời các câu hỏi của các vị luật sư.
Trịnh Xuân Thanh bị quy kết lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Chủ tịch HĐQT PVC có tỉ lệ góp vốn tại PVC Kinh Bắc, đã bàn bạc với bị cáo Đỗ Văn Hồng về việc đầu tư mua 3.400m2 đất tại thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc của công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Mefrimex bằng tiền tạm ứng cho thực hiện dự án của PVC.
Cụ thể, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền tại PVC cho PVC – Kinh Bắc tạm ứng trái quy định 25 tỷ đồng.
Để hợp thức việc cho tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng trái quy định, Thanh và Hồng bàn bạc, thống nhất làm các thủ tục để chuyển 21 tỷ đồng tạm ứng thành tiền góp vốn điều lệ của PVC tại PVC Kinh Bắc trái quy định, gây thiệt hại cho PVC hơn 13 tỷ đồng.
Với mục đích sở hữu 3.400m2 đất nêu trên, năm 2011, Trịnh Xuân Thanh thành lập công ty Mai Phương và yêu cầu Hồng ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất trên cho công ty Mai Phương với giá gần 23,8 tỷ đồng, nhưng chỉ thanh toán 20,8 tỷ đồng, hưởng lợi 3 tỷ đồng.
Hành vi của bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc PVC bị cáo buộc phạm vào 2 tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trả lời thẩm vấn, bị cáo Thanh đầu tiên đã khẳng định: “Trước đó chúng tôi đã thực hiện nhiều dự án, các công trình triển khai rất tốt, đối với dự án Ethanol Phú Thọ cũng vậy, chúng tôi khẳng định làm được”.
Bị cáo nói thêm: “Mảng việc của PVC chủ yếu liên quan đến xây dựng, phần xây dựng của nhà máy Ethanol chủ yếu là những nhà xưởng, đối với PVC, phần này rất đơn giản, không có gì là không hoàn thành. Trong quá trình triển khai dự án này, bên chủ đầu tư và bên thi công chỉ bàn đến vấn đề thiếu tiền…”.
Bị cáo Thanh nói: “Từ năm 2013, tôi bắt đầu không điều hành nữa nhưng có công văn dừng thi công thì chủ đầu tư phải làm việc với nhà thầu để thanh lý, bồi thường hợp đồng… nên tiền lãi vay, ông chủ đầu tư phải trả sao lại đổ cho nhà thầu. Sau đó, vụ việc kéo dài tới năm 2019 khởi tố rồi bắt đền chúng tôi là không đúng. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm từ khi PVC có văn bản dừng thi công”.
Do đó mà Trịnh Xuân Thanh vô cùng băn khoăn: “Tôi có ba năm rưỡi ngồi trong nhà tù, tôi nghĩ không biết vì sao vụ án này lại bị đưa ra, nhà thầu chúng tôi không vi phạm pháp luật".
Trước khi dừng công trình, bị cáo Thanh nói, HĐQT đã có rất nhiều cuộc họp, chỉ bàn về vấn đề có tiền hay không để làm. Sau cùng bị cáo khẳng định “Dự án dừng là vì thiếu tiền, chứ không phải thiếu năng lực”.
Tuy nhiên, về phía VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố của mình, khẳng định đủ cơ sở kết luận bị cáo Trịnh Xuân Thanh phạm tội như cáo trạng truy tố, đồng thời đề nghị tòa cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Trịnh Xuân Thanh mức án từ 11 - 12 năm tù về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và 10 – 11 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tổng hợp mức án đề nghị bị cáo Thanh phải chấp hành là từ 21 – 23 năm tù. Tổng hợp với các bản án trước, buộc bị cáo Thanh chấp hành hình phạt chung là tù chung thân.