Vụ gần 500 giáo viên sắp mất việc: Từng chi 120 triệu đồng "chạy việc"?

Vụ gần 500 giáo viên sắp mất việc: Từng chi 120 triệu đồng "chạy việc"?

Mai Văn Cường

Mai Văn Cường

Thứ 4, 14/03/2018 17:53

Nhiều giáo viên ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, để được ký hợp đồng giảng dạy, họ phải chi ra một số tiền từ vài chục đến hơn 100 triệu đồng.

Liên quan đến vụ hơn 500 giáo viên ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk sắp mất việc, nhiều thầy, cô giáo cho biết, để được đứng trên bục giảng họ đã tốn một khoản tiền không nhỏ để “chạy việc”.

Để làm rõ thông tin này, ngày 14/3, PV tiếp xúc với một số giáo viên để ghi nhận thông tin. Theo bà T.T.N. (ngụ thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk), gia đình bà có 3 người con đang là giáo viên dạy hợp đồng ở các trường trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, trong đợt thi tuyển viên chức sắp tới, chỉ có 2 người được tham gia dự tuyển, người còn lại không được tham gia vì…không có vị trí xét tuyển.

Bà N. cũng cho biết, để xin cho 3 người con của mình được đi dạy, vợ chồng bà phải chi một khoản tiền không nhỏ để “chạy việc”. Hiện nay, các con bà đứng trước nguy cơ mất việc nhưng gia đình chưa đòi lại được tiền.

Vụ gần 500 giáo viên sắp mất việc: Từng chi 120 triệu đồng 'chạy việc'?

 Nhiều giáo viên dạy hợp đồng ở huyện Krông Pắk cho biết, phải chi một khoản tiền không nhỏ để được ký hợp đồng đi dạy.

Tương tự, ông Nguyễn Văn M. (ngụ xã Ea K’Mút, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) cho hay, vào năm 2016, ông đã nhờ ông Huỳnh Bê - Hiệu trưởng trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) xin việc cho con gái. Thời điểm này, ông Huỳnh Bê đề nghị ông M. phải chi 140 triệu đồng để ký hợp đồng đi dạy và “chạy” vào biên chế.  

Ông M. đã 3 lần đưa cho vị Hiệu trưởng số tiền 120 triệu đồng để con gái được đi dạy. Sau khi nhận tiền, ông Bê đã ký hợp đồng cho con gái ông M. đi dạy tại trường với mức lương 1 triệu đồng/tháng. “Sau một thời gian dài con gái đi dạy với đồng lương bèo bọt mà vẫn không được xin vào biên chế, tôi đã đến nhà ông Bê đòi lại tiền. Tuy nhiên, ông ấy cứ lảng tránh, đưa ra nhiều lý do không chịu trả. Quá bức xúc, tôi đã làm đơn gửi lên cơ quan chức năng tố cáo vị Hiệu trưởng này”, ông M. nói.

Theo ông M., vào ngày 8/3, ông đã gửi đơn đến cơ quan Công an huyện Ea Kar và phòng GD&ĐT huyện Krông Pắk tố cáo ông Huỳnh Bê có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Không riêng bà N. và ông M., nhiều giáo viên dạy hợp đồng ở huyện Krông Pắk cũng phản ánh việc họ phải chi tiền để được đi dạy. Tuy nhiên, khi đưa tiền tất cả đều được hợp thức hóa bằng hình thức ghi giấy vay mượn. "Người ít thì vài chục triệu, người nhiều thì hơn 100 triệu", một giáo viên ở huyện Krông Pắk nói.

Trao đổi với PV về vụ việc, Đại tá Nguyễn Duy Trường, Trưởng Công an huyện Ea Kar cho biết, vào ngày 8/3 vừa qua, đơn vị đã nhận được đơn của ông M. tố cáo ông Bê có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến “chạy việc”. Tuy nhiên những giấy tờ, bằng chứng ông M. cung cấp đều thể hiện việc ông Bê vay mượn tiền chứ không thể hiện “chạy việc”. Do đó, cơ quan công an xác định đây là vụ án dân sự và hướng dẫn ông M. gửi đơn đến tòa án để đòi lại tiền”.

Liên quan đến vụ việc, Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết:"Hiện tại, đơn vị chưa nhận được đơn tố cáo của các giáo viên ở huyện Krông Pắk về việc chi tiền để được ký hợp đồng đi dạy. Tuy nhiên, một số giáo viên trả lời báo chí rằng, có sự việc xảy ra nên công an tỉnh cũng đã vào cuộc điều tra, xác minh”.

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.