Mới đây, dư luận xôn xao trước thông tin về việc gian lận, bớt xén vật tư y tế trong quá trình xét nghiệm HIV và viêm gan B tại bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Cụ thể các nhân viên y tế đã dùng kéo cắt que thử HIV và viêm gan B ra làm đôi tại vị trí giữa vạch hóa chất xét nghiệm nhằm bớt xén một nửa số que thử trong khi các bệnh nhân vẫn phải đóng đủ chi phí theo quy định. Vụ việc xảy ra khiến dư luận, người dân không khỏi ngỡ ngàng, thậm chí không chấp nhận nổi hành vi gian dối.
Liên quan đến vụ việc này, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi dưới góc độ pháp lý với Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.
Trước tiên, Luật sư có suy nghĩ gì về vụ việc gian lận, bớt xén vật tư y tế trong quá trình xét nghiệm HIV và viêm gan B đang nhận được sự quan tâm của dư luận?
Theo đúng như những gì mà các kênh thông tin, báo chí, truyền hình phản ánh thì hành vi của các nhân viên y tế này có thể gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Bởi vì, đây là quá trình xét nghiệm bệnh HIV và bệnh viêm gan B, việc bớt xén một cách trắng trợn có thể ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm. Nếu bệnh nhân dương tính với các bệnh này mà bị chẩn đoán nhầm thì sẽ để lại hậu quả khôn lường. Hành vi này không chỉ gây hậu quả như vậy mà còn là hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, gây ảnh hưởng tới chính uy tín của bệnh viện Xanh Pôn mà của toàn ngành y.
Vậy theo Luật sư, những hành vi này vi phạm các quy định nào của pháp luật?
Hành vi này mặc dù không được quy định rõ ràng, cụ thể thành một điều luật riêng, tuy nhiên vẫn có các điều luật liên quan, quy định chung để điều chỉnh. Cụ thể tại Điểm b Khoản 3, Điều 22, Nghị định 176 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế do Chính phủ ban hành ngày 14/11/2013 thì hành vi Lợi dụng hoạt đồng phòng, chống HIV/AIDS để trục lợi hoặc thực hiện các hành vi trái pháp luật thì có thể bị xử phạt tới 20 triệu đồng. Điều luật này cũng không thể bao hàm được toàn bộ các nội dung mà các nhân viên này vi phạm, và chế tài xử phạt vẫn chưa đủ tính răn đe cần thiết.
Tuy nhiên, ngoài chịu trách nhiệm hành chính, những cá nhân vi phạm có thể bị xử lý bởi quy định nội bộ của tổ chức, bệnh viện đối với nhân viên làm việc theo hợp đồng; và bị xử lý theo Luật cán bộ, công chức, viên chức nếu là viên chức.
Trong vụ việc này, bà Phó phụ trách khoa Vi sinh y học đã bị tạm đình chỉ công tác để điều tra, nếu phát hiện có hành vi vi phạm người này có thể bị xử lý kỷ luật với mức kỷ luật cao nhất là buộc thôi việc theo Điều 13, Nghị định 27/2012/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 06/04/2012 quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức. Còn với hai nhân viên phụ trách việc xét nghiệm làm việc theo hợp đồng lao động với cơ sở y tế thì có thể bị chấm dứt Hợp đồng lao động, buộc bồi thường, khắc phục hậu quả.
Xin luật sư cho biết, hành vi của những nhân viên y tế này liệu có bị xử lý hình sự theo pháp luật hình sự của nước ta?
Mới đây, cũng xảy ra một vụ việc tương tự tại bệnh viện Nhi tỉnh Nam Định, bà Phạm Thị H, là Điều dưỡng của bệnh viện đã có hành vi bớt xén thuốc để tuồn ra ngoài bán kiếm lời. Bà H. đã bị Công an tỉnh Nam Định khởi tố với tội danh: Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo Điều 355 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Liên hệ tới vụ việc này, trong trường hợp các nhân viên của bệnh viện Xanh Pôn thực hiện hành vi bớt xén dụng cụ y tế nhằm chuộc lợi thì cũng có thể bị khởi tố theo tội danh này. Theo đó, những người có hành vi này có thể phải đối mặt với mức án cao nhất là chung thân, ngoài ra còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt tiền đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trong vụ việc này, việc đánh giá mức độ vi phạm là khá khó khăn, bởi lẽ hành vi đã diễn ra trong quá trình, thời gian dài, không tập trung, và các bằng chứng quan trọng đều không còn. Do vậy, cần phải có sự điều tra, đấu tranh với tội phạm của cơ quan công an có thẩm quyền thì mới có thể đưa ra nhận định chính xác về mức hình phạt cụ thể cho các đối tượng thực hiện hành vi.
Vậy, theo luật sư trong vụ việc này, ai là người chịu trách nhiệm lớn nhất? Phía bệnh viện Xanh Pôn có trách nhiệm gì với pháp luật hay không?
Nguyên tắc xử lý của pháp luật luôn là nghiêm minh, công bằng, đúng người đúng tội. Nếu nói về việc trách nhiệm của bệnh viện Xanh Pôn, mặc dù bệnh biện không phải chịu trách nhiệm pháp lý liên quan nhưng vẫn phải chịu sự khiển trách từ cơ quan quản lý trong ngành y tế, đó là sở Y tế hoặc bộ Y tế về việc buông lỏng khâu thanh tra, quản lý nội bộ, dẫn đến tình trạng xảy ra những sự việc vi phạm pháp luật trong tổ chức cơ quan mình.
Còn trong những người thực hiện hành vi, cần phải xem xét vai trò của từng đối tượng trong vi phạm để xác định trách nhiệm. Theo điểm c, Điều 3, bộ Luật Hình sự năm 2015 về nguyên tắc xử lý thì cần nghiêm trị với người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội.
Do đó, trong vụ việc này người nào có chức vụ, quyền hạn càng lớn, người nào đứng đầu, chỉ huy việc phạm tội thì phải chịu trách nhiệm cao nhất theo quy định của pháp luật. Những người còn lại là đồng phạm với vai trò người thực hiện, người giúp sức thì sẽ phải chịu trách nhiệm ít hơn.
Hiện tại, chưa thể nói rõ được xem có hay không người đứng đầu, và người đứng đầu là ai, cần phải có kết luận điều tra của cơ quan Cảnh sát điều tra thì mới có thể đưa ra nhận định chính xác.
Xin cảm ơn luật sư!
Xem video: Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn trả lời báo chí về vụ việc