Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về vụ việc này, thạc sĩ, luật sư Vũ Quang Bá, công ty Luật TNHH Khải Hưng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng, hành vi điều khiển xe khi chưa có giấy phép lái xe trong khuôn viên trường học tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tuy nhiên, do cô Hương điều khiển xe ô tô trong khuôn viên trường học nên không được xem là tham gia giao thông và không phải tuân thủ quy định về luật giao thông đường bộ. Do đó, sẽ không xem xét tội danh vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260, Bộ luật Hình sự 2015.
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC cũng đã hướng dẫn cụ thể: “Trường hợp phương tiện giao thông đường bộ di chuyển, hoạt động nhưng không tham gia giao thông đường bộ (như di chuyển, hoạt động trong trường học, công trường đang thi công hoặc đang khai thác) mà gây tai nạn thì người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Điều 202, Bộ luật Hình sự) mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng khác nếu thỏa mãn dấu hiệu của tội phạm đó”.
Đối với hành vi điều khiển xe ô tô của cô Hương khi lùi xe do thiếu quan sát, bất cẩn dẫn đến hậu quả làm 1 em học sinh tử vong và 1 em khác bị thương có dấu hiệu tội Vô ý làm chết người được quy định tại Điều 128, Bộ luật Hình sự 2015.
Theo đó, cô Hương phải thấy trước và có thể thấy trước bản thân điều khiển xe ô tô trong phạm vi trường học hoàn toàn có khả năng dẫn đến tai nạn cho các em học sinh hoặc bản thân cô Hương. Mặc dù thấy trước việc điều khiển xe của bản thân có thể gây nguy hiểm, ảnh hưởng tới các em học sinh nhưng lại cho rằng, việc đó sẽ không thể xảy ra hoặc nếu có xảy ra thì cô sẽ chủ động ngăn ngừa được.
Như vậy, trong trường hợp cô Hương bị xác định phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm chết người thì điều này đồng nghĩa việc thầy Đương (ngồi cùng xe) cũng sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Điều động người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
"Hiện nay, cơ quan điều tra đang tiến hành điều tra, xác minh vụ việc để giải quyết theo quy định. Theo quy định Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tin báo về tội phạm, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định: Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài nhưng không quá 2 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng viện Kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng viện Kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 2 tháng", luật sư Bá cho biết thêm.