Như báo điện tử Người Đưa Tin đã phản ánh về việc hàng loạt học sinh lớp 12 D4 trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội) được giáo viên môn Vật lý sửa điểm từ thang điểm yếu kém lên khá giỏi. Đáng nói, những học sinh được giáo viên sửa điểm phần lớn đang học thêm giáo viên này.
Không ít phụ huynh học sinh trường THPT Trần Phú nghi ngờ việc sửa điểm, nâng điểm là có tiêu cực để “tạo điều kiện” cho học sinh có học bạ đẹp nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường đại học.
Trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin, TS. Trần Anh Tuấn, Chủ nhiệm bộ môn Giáo Dục (ĐH Giáo dục – ĐHQG HN) xung quanh vấn đề này.
TS. Trần Anh Tuấn cho rằng: “Giáo viên trường THPT Trần Phú có sửa điểm, nâng điểm cho hàng loạt học sinh hay không thì phải có chứng cứ rõ ràng vì liên quan đến đạo đức, danh dự của người thầy.
Tuy nhiên, việc sửa điểm, nâng điểm có thể xảy ra vì xuất phát từ thực tế mấy năm gần đây ngành giáo dục cho phép tuyển sinh đại học theo phương thức mới, xét tuyển học bạ THPT. Việc xét tuyển này có thể dẫn đến tiêu cực như sửa điểm, nâng điểm cho học sinh nhằm có hồ sơ đẹp.
Hồ sơ đẹp, điểm cao thì cơ hội trúng tuyển cao hơn. Nhưng rõ ràng việc sửa điểm, nâng điểm là sai phạm. Việc làm này vi phạm nghiêm trọng quy định theo luật giáo dục. Hơn nữa, việc làm đó có thể nói là gian dối”.
TS. Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: “Nhận thức, quan niệm không nghiêm túc của giáo viên trong việc sửa điểm, nâng điểm có thể vì động cơ tốt, vì thương yêu học sinh, nhưng quan điểm như vậy là không đúng. Việc can thiệp, thay đổi bảng điểm là việc làm hết sức tùy tiện.
Đáng nói, không loại trừ có yếu tố tiêu cực ở đây như chạy điểm, nâng điểm vì vật chất... Nhưng theo tôi khả năng này ít xảy ra vì giáo viên có lòng tự trọng và đạo đức nghề nghiệp.
Có thể nói nếu việc nâng điểm, sửa điểm ở trường THPT Trần Phú từ điểm yếu kém lên điểm khá, giỏi là thật là có vấn đề”.
Trước vụ việc được PV báo điện tử Người Đưa Tin nêu, TS. Trần Anh Tuấn thẳn thắn chỉ ra: “Đây có thể chỉ là trường hợp đơn lẻ, thực tế vấn đề sửa điểm, nâng điểm đang khá phổ biến tại nhiều trường mà chúng ta chưa phát hiện ra.
Bởi vậy, tôi cho rằng ngoài việc các trường xét tuyển đại học bằng học bạ cần phải có bài thi như đánh giá năng lực hay hình thức nào đó để có thể kiểm tra, đánh giá được kiến thức, năng lực của thí sinh.
Nếu chỉ xét tuyển đại học bằng học bạ THPT tôi e rằng nhiều trường vẫn chạy theo “bệnh thành tích”, tiêu cực”.
PV báo điện tử Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Vũ Phương