Sau 11 năm ngồi tù và không ngừng kêu oan với 4 lần bị tuyên án tử hình, ông Hàn Đức Long đã trở về nhà trong vòng tay người thân với những giọt nước mắt hạnh phúc.
Thế nhưng, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Giám đốc học viện Tư pháp) cho rằng, những giọt nước mắt ấy không phải là kết thúc của vụ án mà nó là khởi đầu cho một giai đoạn mới. Đã đến lúc xem xét lại vụ án từ đầu một cách nghiêm túc, công minh để làm rõ có hay không những dấu hiệu oan sai trong vụ án này.
Dưới đây là cuộc phỏng vấn của PV báo điện tử Người Đưa Tin với ĐB Đỗ Đức Hồng Hà.
Trước hết, xin được hỏi ông có suy nghĩ như thế nào về thông tin, VKSND tỉnh Bắc Giang ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can và trả tự do cho ông Hàn Đức Long vào ngày 20/12 vừa qua, sau 4 lần ông Long bị tuyên án tử hình?
Trường hợp của ông Hàn Đức Long, việc trả tự do là theo quy định của pháp luật. Sau khi trả tự do cho ông Long, các cơ quan chức năng còn rất nhiều việc phải làm. Cần tiếp tục điều tra để tìm xem có dấu hiệu oan sai trong vụ án này hay không.
Nếu truy tố, xét xử đúng pháp luật thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu có vi phạm pháp luật, xác định được yếu tố oan sai trong vụ án thì sẽ dựa vào luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước xem xét trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra vụ án kéo dài. Người xét xử sai phải chịu trách nhiệm bồi thường và xin lỗi người bị xử oan sai.
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các điều tra viên trong một vụ án hình sự như thế?
Điều tra viên có vai trò quan trọng bởi họ là những người đầu tiên có trách nhiệm chứng minh tội phạm và quyết định những vấn đề ở giai đoạn truy tố, xét xử. Điều tra viên là "chốt trạm" vô cùng quan trọng giữa có tội và không có tội, giữa tội nặng với tội nhẹ. Nếu nghi ngại có điều gì bất thường trong vụ án sẽ bắt đầu đi lại từ quá trình điều tra này.
Vụ ông Hàn Đức Long đã được xét xử qua nhiều cấp mà vẫn y án tử hình tới 4 lần. Ông nhìn nhận như thế nào về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong vụ án kéo dài 11 năm này?
Để trả lời ngay trách nhiệm ở khâu nào thì thời điểm này là hơi khó. Bởi, cần một quá trình điều tra lại xem sai ở đâu, sai về thủ tục tố tụng hay là sai về áp dụng pháp luật, sai về vấn đề sai lệch chứng cứ hay sai về trình độ non kém… Với những vụ án oan sai kéo dài trước đây có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Theo ông, những quyết định của cơ quan tố tụng ảnh hưởng như thế nào đến số phận một con người?
Đương nhiên là có sự ảnh hưởng nhưng tùy từng mức độ mà ảnh hưởng nhiều hay ít. Dù vậy, bất cứ quyết định nào sai đều ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của công dân. Do đó, trong một vụ án đòi hỏi những người thuộc các cơ quan tố tụng hay xét xử đều phải có trình độ năng lực nhất định và phải công tâm trong mọi việc.
Vậy ông đánh giá thế nào về năng lực xét xử của các cơ quan chức năng hiện nay?
Nhìn chung, tôi thấy về cơ bản vẫn là tốt vì sai sót chỉ là phần trăm nhỏ. Chỉ có điều, mỗi vụ việc oan sai thời gian qua thường để lại hậu quả lớn. Do đó, dư luận bức xúc và đặc biệt quan tâm. Cho dù những vụ án oan sai không nhiều nhưng lại gây ra phản ứng rất mạnh mẽ.
Tuy nhiên, những vụ án oan sai mà dư luận nói đến thời gian qua đều xảy ra từ rất lâu rồi. Thời gian gần đây, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 96/2015/QH13 “Về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự”.
Từ khi Nghị quyết này được thi hành với rất nhiều những giải pháp cụ thể, đặc biệt là tăng cường giám sát của Quốc hội và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như chịu trách nhiệm trước hành vi của mình… thì tôi thấy, vấn đề oan sai đã được kiểm soát.
Ông nghĩ sao trước ý kiến cho rằng, có thực trạng cơ quan xét xử không dám nhìn thẳng vào sai sót của mình hoặc những sai sót từ trước đó?
Nếu đã biết sai mà không dám nhìn thẳng vào sai sót để sửa thì rõ ràng là hành vi thiếu trách nhiệm. Nhưng ở góc độ khác, nếu niềm tin nội tâm họ vẫn cho rằng, xử án như vậy là đúng, có những căn cứ cụ thể thì những sai sót đó có thể được nhìn nhận ở góc độ bao dung hơn. Họ tin tưởng vào những chứng cứ, lời khai, các tình tiết vụ án cũng như những hiểu biết của họ về quy định của pháp luật.
Theo những gì ông đã tìm hiểu về vụ án này, ông suy nghĩ thế nào về những dấu hiệu oan sai?
Tôi nghĩ ngay bây giờ chưa thể đưa ra một nhận định nào. Nhưng có một thực tế, những vụ án kéo dài thường gây hệ lụy lớn và trước hết là ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân.
-Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Dương Thu (thực hiện)