Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 2.000 trẻ từ 1 đến 10 tuổi tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh được đưa đi xét nghiệm tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và viện Sốt rét - Ký sinh trùng và côn trùng Trung ương. Kết quả cộng dồn của những ngày qua tại hai viện này cho thấy, đã có 1.700 mẫu có kết quả, ghi nhận 209 ca dương tính.
Clip: Hàng trăm phụ huynh trường mầm non Thuận Thành đưa con đi xét nghiệm
Trước đó, năm 2018, cơ quan y tế đã từng phát hiện một ổ bệnh với hơn 100 người mắc sán lợn ở huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Khi đó, đã phát hiện 108/904 người có kết quả xét nghiệm dương tính sán lợn. Tuy nhiên đến nay, "kỷ lục" này đã bị Bắc Ninh vượt xa.
Sáng 18/3, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Luật sư Lê Văn Thiệp (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhận định, cơ quan chức năng cần phải khởi tố vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định vệ sinh, an toàn thực phẩm để làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến việc cung cấp thực phẩm bẩn vào trường học.
Theo đó, tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 317, Bộ luật Hình sự 2015, về tội Vi phạm quy định vệ sinh, an toàn thực phẩm. Cụ thể, hành vi chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm đó không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm có thể bị phạt tiền đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.
"Vụ việc đã gây ra những hệ lụy xã hội rất nguy hiểm, hỗn loạn cho xã hội. Gây ảnh hưởng niềm tin đối với ngành giáo dục, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Hậu quả đã có và nó sẽ ảnh hưởng lâu dài về sau chứ không chỉ ngày một ngày hai", luật sư Thiệp nói.
Để làm rõ và có căn cứ cụ thể khởi tố vụ án, luật sư cho rằng, cơ quan chức năng cần thu thập, tổng hợp những chứng cứ mà phụ huynh cung cấp liên quan đến việc cung cấp, sử dụng thực phẩm bẩn ở trường. Các mẫu thực phẩm thu được cần đưa đi xét nghiệm.
Cần chứng minh được việc đơn vị cung cấp thịt và nhà trường tiếp nhận thực phẩm biết được số hàng đó không đáp ứng các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, mà vẫn cố ý cung cấp cho trẻ sử dụng. Và phải trưng cầu giám định số trẻ đã nhiễm sán để xem xét tỉ lệ tổn hại về vật chất, tinh thần, sức khỏe của nạn nhân làm căn cứ xác định hậu quả thiệt hại do hành vi cung cấp thực phẩm bẩn gây ra.
"Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan chức năng. Khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can cần áp dụng tình tiết tăng nặng là phạm tội đối với trẻ em quy định tại Điều 52, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017", vị luật sư nhấn mạnh.
Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm được quy định:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm;
b) Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm;
c) Sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tại điểm này hoặc điểm a khoản này mà còn vi phạm;
d) Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm: gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.
đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.