Chuyện Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú Thanh Sơn dâm ô hàng chục nam sinh được báo chí thông tin vào ngày 12/12, lập tức, sáng thứ Hai 17/12, Bộ trưởng Nhạ dẫn đầu đoàn công tác khảo sát thực tế giáo dục tại một số trường học của tỉnh Yên Bái. Tại Yên Bái, ông đã truyền những thông điệp của mình về câu chuyện buồn Phú Thọ.
Tuy nhiên, người dân đặt câu hỏi: Điểm nóng ở Phú Thọ, sao Bộ trưởng lại phải cất công sang Yên Bái để chỉ đạo? Với tầm vóc của một Tư lệnh Ngành, sao ông không chọn đúng điểm nóng để thể hiện quyết tâm ngăn chặn cái xấu trong ngành, thể hiện được tài thao lược của người đứng đầu, thể hiện động lực ông vừa nói sau khi có tỷ lệ phiếu đánh giá đáng xấu hổ tại Quốc hội?
Với những xì-căng-đan của ngành Giáo dục dồn dập xảy ra, việc Bộ trưởng chọn công việc, chọn địa điểm để xử lý thể hiện tâm và tầm của ông. Người dân mong muốn ông đến tận ngôi trường xảy ra chuyện đáng buồn, nắm bắt thực trạng, phối hợp cùng địa phương giải quyết, đưa ra những thông điệp mang tầm chiến lược. Thế mới sâu sát, thế mới thể hiện đức độ và tài năng của ông chứ! Chắc là ông đã chọn sai địa điểm!
Chuyện xấu ở bể Bắc, ông đến trời Nam nên những chỉ thị của Tư lệnh Ngành lại càng không trúng đích. Ông chỉ đạo: “Những hành vi vi phạm đạo đức, xâm hại trẻ đã xảy ra phải được lên án, đây đã thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật, đồng thời ngành giáo dục cũng sẽ kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên, cán bộ vi phạm pháp luật như thế”.
Lạ chưa kìa? Tôi không tin có sự chỉ đạo như thế nên phải vào đọc trong chính tờ báo là cơ quan ngôn luận của bộ. Và đọc xong rồi thì càng không thể tin là đó là sự chỉ đạo trong tình trạng sáng suốt của một vị Bộ trưởng.
Những hành vi ấy đương nhiên là phải lên án, chứ cần gì đích thân Bộ trưởng chỉ đạo là… PHẢI! Nếu hội đồng sư phạm, tập thể học sinh chai lỳ, không dám lên án, đấu tranh trước những hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật thì nhà trường còn gọi được coi là môi trường giáo dục nữa không?
Lạ lùng hơn, những người đã vi phạm pháp luật thì Bộ trưởng giữ lại ngành được sao? Việc loại bỏ những kẻ vi phạm pháp luật, cách ly họ khỏi xã hội là chuyện đương nhiên, lẽ nào phải kiên quyết?
Lại nữa, “Bộ trưởng đặc biệt lưu ý giáo viên ở các nhà trường chú ý đến công tác giáo dục giới tính, giáo dục về các hành vi xâm hại trẻ…”. (Tôi vẫn trích nguyên văn).
Ơ hay, sao trước khi ông đặc biệt lưu ý giáo viên dạy cho trẻ, ông không đặc biệt lưu ý giáo viên phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, tăng cường giáo dục cho giáo viên trước để ngăn chặn những hành vi đê tiện trong nhà trường?
“Trước đó, tháng 5/2018, trường PTDTNT huyện Thanh Sơn đã kết hợp với công an tỉnh Phú Thọ tổ chức chương trình “Ngoại khóa phòng chống xâm hại trẻ em năm 2018”. Học sinh được nghe những kiến thức liên quan đến phòng chống xâm hại trẻ em, giúp các em hiểu rõ quy định về xâm hại trẻ em như xâm hại về thể chất, về tinh thần, về tình dục và bỏ mặc không quan tâm, chăm sóc... Đặc biệt các em được cung cấp các dấu hiệu nhận diện hành vi bị coi là xâm hại, giải pháp phòng tránh khi bị xâm hại, các thủ đoạn, các hành vi của thủ phạm, một số tình huống thường gặp...”.
Báo của bộ Giáo dục đưa tin hẳn hoi nhé. Các em ở ngôi trường nọ đã được giáo dục rồi đấy chứ. Đáng tiếc, kẻ rao giảng những điều đó lại chính là kẻ bị tố xâm hại học trò. Chừng nào Bộ trưởng còn không có biện pháp loại trừ kẻ xấu trên bục giảng thì những chuyện buồn trong ngành tất yếu lại vẫn xảy ra.
Trong câu chuyện này, tôi nghĩ, vấn đề không phải là học trò mà căn cốt sâu xa là sự thiếu dân chủ, thiếu tình thương yêu trong nhà trường. Ở ngôi trường đó, và không loại trừ có cả ở những ngôi trường khác nữa, đang bao trùm bóng đen mất dân chủ, sự vô cảm.
Trẻ miền núi vào được trường nội trú là sự may mắn, niềm hãnh diện của gia đình. Các em được học trong những ngôi trường khang trang, được học và được cả nuôi dưỡng. Thế nên, phải rời trường là nỗi buồn không phải chỉ của các em mà cả gia đình, dòng họ. Vậy nên, đã có kẻ khốn nạn nắm được điểm yếu của các em để biến các em thành những “nô lệ tình dục”.
Sự mất dân chủ khiến tập thể giáo viên, và học sinh lại càng không dám đấu tranh với những sai trái trong nhà trường. Sự thiếu vắng tình thương yêu khiến các em không dám tâm sự, nương tựa vào những người đang truyền thụ kiến thức, đang dạy đạo làm người cho mình. Thế nên, sự bẩn thỉu, ô nhục tại ngôi trường đó đã hiện diện và đến một ngày nào đó, như cái ung nhọt đến ngày phải vỡ ra.
Vậy nên, thiết nghĩ Bộ trưởng cần dũng cảm đến tận nơi thăm bệnh, vận dụng trí tuệ để có những bài thuốc đặc trị mới loại trừ được những kẻ xấu xa – nhất là những kẻ đứng đầu - đang nấp sau hai chữ người thầy. Như thế, thiết nghĩ, mới giữ được một nền giáo dục trong sạch. Mong ông lắm lắm!
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Giáo Già