Theo đó, ngày 19/11, một học sinh lớp 6 trường THCS Duy Ninh nói tục trong giờ ra chơi và bị đội cờ đỏ ghi lại. Cô Nguyễn Thị Phương Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 6.2, phát hiện và yêu cầu 23 bạn cùng lớp tát vào má em vi phạm, mỗi người 10 cái. Được biết, học sinh không có quyền từ chối yêu cầu của cô giáo, thậm chí nếu tát nhẹ sẽ bị cô giáo phạt ngược lại.
Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc công ty Luật TNHH Nghiêm Quang (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) chia sẻ: “Hành vi này hoàn toàn có thể áp dụng cả 2 hình phạt là hành hạ và làm nhục người khác. Nhưng quan trọng nhất là vụ việc đã được khởi tố, công an vào cuộc là rất tốt.
Còn sau đó, cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ các tình tiết và đưa ra tội danh cụ thể. Bởi khi bắt đầu khởi tố, người ta có thể lấy 1 tội danh cụ thể nhất để áp dụng. Ở đây có thể thấy, em học sinh không bị thương tật đến quá 11% để ghép vào tội danh khác, nên chỉ có thể là áp dụng 2 hình phạt là làm nhục và hành hạ người khác”.
Luật sư Nghiêm Quang Vinh cho rằng, không thể chấp nhận được hành vi phản giáo dục của cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy, vì nó vi phạm những quy định của ngành giáo dục và đạo đức nhà giáo. Thậm chí, sự việc này có thể bị tăng nặng mức xử phạt, bởi cô giáo cho tất cả học sinh tiến hành đánh, tức là nhiều người đánh một người, đây đã là một tình tiết tăng nặng. Thứ hai, bản thân cô giáo cũng trực tiếp đánh, đây chính là điều kiện tăng nặng thứ 2.
Tùy theo tính chất mức độ, động cơ, mục đích và sự đánh giá tổn thương về sức khỏe, cũng như danh dự nhân phẩm của học sinh bị tát mà cần thiết phải có biện pháp xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hành hạ người khác theo Điều 140, BLHS 2015. Việc này là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật.
Cũng theo vị luật sư này: “Ban Giám hiệu nhà trường cũng phải chịu trách nhiệm. Bởi bản thân cô Thủy là giáo viên trong nhà trường, trường phải có trách nhiệm hướng dẫn giáo dục, định hướng hành động cho cán bộ, công nhân viên. Bản thân nhà trường phải tự kiểm điểm, có hình thức xử lý khi trong trường có hiện tượng làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục. Hơn nữa, đây lại không phải lần đầu tiên, trước đấy cũng có một học sinh khác đã bị tát vì lỗi tương tự rồi. Tất nhiên là ban Giám hiệu chỉ liên đới chịu trách nhiệm thôi, chứ không phải đồng phạm”.
“Dù các em học sinh có gây ra nguyên nhân gì đi chăng nữa thì việc cô giáo phạt học sinh với hình phạt như trên là sai và hoàn toàn không chấp nhận được. Và từ vụ việc này cũng phải khẳng định vai trò của truyền thông, mạng xã hội bởi nếu không, chưa chắc vụ việc đã bị phanh phui và được xử lý kịp thời. Bởi trước đó đã có 1 trường hợp bị đánh, mà không ai biết, phải đến trường hợp thứ 2 này mới được xử lý”, luật sư Vinh chia sẻ thêm.
Điều 140. Tội Hành hạ người khác
- Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
- a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
- b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên;
- c) Đối với 02 người trở lên.