Liên tiếp trong thời gian gần đây dư luận “ngã ngửa” giật mình trước các hành vi phi đạo đức xuất phát từ chính môi trường giáo dục.
Nhiều vụ xảy ra rất thương tâm, đau lòng giữa học sinh với học sinh, học sinh với thầy cô giáo và ngược lại. Đỉnh điểm nhất là vụ học sinh lớp 8 tại huyện Thanh Chương (Nghệ An) chém thầy giáo trọng thương.
Nguyên nhân ban đầu được xác định do thầy giáo đã mời phụ huynh của học sinh cá biệt trên đến để bàn và phối hợp với nhà trường để giáo dục. Trong khi thầy giáo và phụ huynh đang ngồi làm việc thì học sinh cá biệt đó đã lao vào chém thầy giáo.
Xunh quanh vấn đề này, PV báo điện tử Người Đưa Tin có cuộc trao đổi với Nhà giáo, chuyên gia tâm lý giáo dục Đậu Xuân Thoan, Phó Giám đốc trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý và giáo dục - hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam.
Thưa ông, trong thời qua có khá nhiều vụ việc đáng tiếc như học sinh đánh học sinh, học trò đánh thầy và ngược lại xảy ra trong chính môi trường giáo dục lâu nay vẫn được xem là đầy tính nhân văn, sư phạm. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Rõ ràng vụ việc học sinh chém thầy giáo, hay học sinh đánh học sinh vừa qua là hành vi phi giáo dục cần phải lên án mạnh mẽ. Bạo lực học đường dường như đang gia tăng cả về lượng và hành vi ngày càng nghiêm trọng và côn đồ.
Đáng nói bạo lực học đường không chỉ có ở nam giới mà nữ giới, lâu nay vốn xem là phái yếu thì nay cũng “tham gia” vào những vụ ẩu đả rất kinh khủng, hành vi diễn ra côn đồ mà đôi khi chỉ vì lý do hết sức lãng xẹt khiến người xem phải sửng sốt, giật mình.
Có thể nói đó chính là những hành vi phi đạo đức giữa người với người, trái với các chuẩn mực đạo đức xã hội cần phải có biện pháp ngăn chặn, chấm dứt càng sớm càng tốt. Đặc biệt, trong môi trường sư phạm thì những hành vi bạo lực càng không nên xảy ra.
Vậy thưa ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến những hành vi bạo lực, côn đồ xuất phát từ người học và người dạy?
Có thể chỉ ra một vài nguyên nhân chính. Về phía học sinh, trước tiên là ở chính các học sinh, chủ thể của các hành vi bạo lực do chưa được giáo dục đầy đủ về nhân cách, đối nhân xử thế.
Do đó, trong những tình huống nảy sinh, chúng khó có thể phân biệt được điều hay, lẽ phải dẫn đến những hành vi lệch lạc.
Rõ ràng, gia đình các em đã thiếu quan tâm đến con cái, thả lỏng, bỏ mặc theo kiểu “sống chết mặc bay” việc giáo dục đạo đức cho con cái, phó mặc cho nhà trường và xã hội.
Thậm chí, có gia đình khi biết con mắc các khuyết điểm thì chỉ biết xử phạt mà không biết chỉ bảo, phân tích để con nhận ra. Có gia đình thì nuông chiều, con có làm gì sai trái cũng bao che, bênh vực. Đó chính là người lớn làm hỏng con trẻ.
Đặc biệt, các em còn bị ảnh hưởng bởi internet, game bạo lực, lối sống ảo qua mạng xã hội.
Còn vì sao học sinh có thể cầm dao chém chính người thầy dạy dỗ mình, trước tiên trách trò, nhưng cũng phải hiểu chữ “thầy” ngày nay đã thay đổi so với trước kia.
Tôi không nói người thầy bị học sinh chém trên như thế nào bởi cần có kết luận của cơ quan chức năng. Nhưng thực tế, không ít thầy cô chạy theo cơ chế thị trường, đặt đồng tiền trên cả đạo đức, nhân cách.
Có trường hợp học sinh vì không đi học thêm bị trù dập, thậm chí còn bị “liệt” vào danh sách chậm tiến, cá biệt…
Như ông đã đề cập đến “thế giới ảo” khiến bạo lực học đường gia tăng, ông có thể chỉ rõ hơn?
Tôi đã nghiên cứu và thấy nhiều gia đình các thành viên dù có thời gian bên nhau, nhưng người nào cũng cắm mặt vào máy vi tính, điện thoại smarphone và không hề giao tiếp với nhau.
Lối sống ảo đang khiến con người dù gần nhau về khoảng cách địa lý, nhưng lại xa nhau vô cùng. Ai cũng bận bịu với thế giới ảo, các thành viên trong gia đình vô tình đã “bỏ quên” nhau mà không hay.
Nhìn vào các clip, video bạo lực hay game bạo lực thường thu hút rất nhiều bạn trẻ xem và chơi đã phần nào trả lời được sao học sinh lại dễ có những hành vi bạo lực và côn đồ như vậy dù chỉ là xích mích nhỏ.
Xin cảm ơn ông!
Vũ Phương