Ngày 10/5, tin từ Viện KSND tỉnh Bình Thuận cho biết, Viện KSND huyện Hàm Thuận Nam đã kháng nghị một phần bản án hình sự sơ thẩm số 151/2023/HS-ST ngày 29/9/2023 của Tòa án nhân dân huyện Hàm Thuận Nam và đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận xét xử phúc thẩm vụ án, theo hướng tuyên bị cáo Nguyễn Văn Hiền phạm tội Hủy hoại rừng theo điểm a khoản 3 Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Đồng thời, xử tăng mức hình phạt và không cho hưởng án treo đối với bị cáo Nguyễn Văn Hiền và tăng mức hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Hoàng Cẩn.
Về biện pháp tư pháp, ngoài việc bị cáo Nguyễn Văn Hiền phải bồi thường cho Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận Thuận thiệt hại giá trị lâm sản của 0,98ha rừng trạng thái RII ở khu vực 44 ha bị hủy hoại, buộc bị cáo phải liên đới cùng các bị cáo Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Hoàng Cẩn bồi thường cho Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận thiệt hại giá trị lâm sản của 40,65ha rừng trạng thái RII ở khu vực 74ha bị hủy hoại, số tiền là 955.446.516 đồng.
Buộc các bị cáo Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Hoàng Cẩn, Nguyễn Văn Hiền ngoài việc bồi thường cho Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận thiệt hại về giá trị lâm sản, còn phải bồi thường thiệt hại cho Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận thiệt hại về giá trị môi trường do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra.
Cụ thể buộc Nguyễn Văn Hiền phải bồi thường số tiền 71.318.073 đồng (đối với diện tích 0,98ha); Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Hoàng Cẩn, Nguyễn Văn Hiền phải liên đới bồi thường số tiền 2.866.339.546 đồng (đối với diện tích 40,65ha ở khu vực 74ha); Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Hoàng Cẩn phải liên đới bồi thường số tiền 1.369.950.881 đồng (đối với diện tích 19,14 ha ở khu vực 44ha).
Xử phạt quá nhẹ, không tương xứng với tính chất hành vi phạm tội
Theo quyết định kháng nghị số của Viện KSND huyện Hàm Thuận Nam, xét thấy việc bản án sơ thẩm tuyên bị cáo Nguyễn Văn Hiền phạm tội Hủy hoại rừng theo khoản 1 Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) là không đúng với các tình tiết, chứng cứ trong vụ án.
Bởi lẽ, theo Hợp đồng kinh tế số 59/HĐKT được ký kết giữa Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận với Công ty Phước Sang, trong đó nêu rõ: Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận đảm bảo đưa đủ diện tích 118ha để hai bên khoanh nuôi bảo vệ và trồng rừng.
Tại khu vực diện tích 74ha hợp tác trồng rừng, trồng cây cao su, Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận đã tiến hành khảo sát hiện trạng rừng và mới chỉ bàn giao cho Công ty Phước Sang 23,653ha + 70.050 m2 đất trống và rẫy thu hồi; diện tích còn lại, 2 bên thống nhất sẽ khảo sát thực trạng và quyết định.
Mặc dù, chưa được Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận lập biên bản bàn giao và khoanh vẽ bản đồ diện tích đất liên kết theo hợp đồng đã ký kết, nhưng Nguyễn Văn Hiền vẫn thuê người dùng xe ủi, cày ủi cây rừng trong diện tích chưa được bàn giao.
Quá trình Công ty Phước Sang ủi lấn ranh, Trạm Lâm nghiệp Hàm Cần (thuộc Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận) đã nhiều lần lập biên bản yêu cầu Công ty Phước Sang không được tác động đến diện tích chưa được bàn giao nhưng Nguyễn Văn Hiền vẫn tiếp tục chỉ đạo ủi lấn gần hết diện tích khu vực 74ha; dẫn tới hậu quả có 40,65ha là rừng trạng thái RII bị huỷ hoại.
Do đó Nguyễn Văn Hiền phải chịu trách nhiệm về hành vi huỷ hoại 40,65ha là rừng trạng thái RII này.
Việc bản án sơ thẩm nhận định: Bị cáo Nguyễn Văn Hiền chỉ đạo người ủi lấn sang diện tích chưa được Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận bàn giao là thực hiện hợp đồng kinh tế số 59 và có sự cho phép của đơn vị chủ rừng là Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận; các vấn đề liên quan trình tự thủ tục, tính pháp lý khi ký kết hợp đồng hoặc khi thực hiện tác động vào diện tích đất rừng sản xuất trong phạm vi diện tích thỏa thuận hợp tác trong hợp đồng 59 và phụ lục hợp đồng thuộc trách nhiệm của Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận là không đúng với nội dung Hợp đồng 59/HĐKT giữa Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận và Công ty Phước Sang đã ký kết và quy định của pháp luật về thực hiện hợp đồng kinh tế.
Từ đó bản án sơ thẩm xác định bị cáo Nguyễn Văn Hiền chỉ phải chịu trách nhiệm đối với việc thuê, chỉ đạo ủi lấn ra khỏi diện tích chưa được bàn giao trên thực địa là 0,98ha rừng ha (ở khu vực 44ha). Hành vi của Nguyễn Văn Hiền chỉ phạm tội Hủy hoại rừng theo quy định tại khoản 1 Điều 189 của Bộ luật Hình sự năm 1999 là không đúng với các tình tiết khách quan trong vụ án.
Cần phải quy buộc Nguyễn Văn Hiền phải chịu trách nhiệm đối với diện tích rừng chưa được Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận bàn giao cho Công ty Phước Sang để thực hiện Hợp đồng 59/HĐKT nhưng đã bị Công ty Phước Sang san ủi trái phép, tổng cộng là 41,63ha (40,65ha ở khu vực 74ha + 0,98ha ở khu vực 44ha) rừng sản xuất có hiện trạng RII bị hủy hoại, với thiệt hại về trữ lượng gỗ là 1.664,992m3, gây thiệt hại quy bằng tiền về giá trị lâm sản và giá trị môi trường là 3.916.876.826 đồng.
Từ đó phải xét xử bị cáo Nguyễn Văn Hiền về tội Hủy hoại rừng theo điểm a khoản 3 Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 của Bộ luật Hình sự năm 1999 đối với Nguyễn Văn Hiền.
Bản án sơ thẩm áp dụng khoản 1 Điều 189; điểm p, b khoản 1 Điều 46, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) xử phạt Nguyễn Văn Hiền 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 2 năm, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm về tội Hủy hoại rừng là áp dụng không đúng điểm, khoản của điều luật Bộ luật hình sự; áp dụng quá nhẹ, không tương xứng với tính chất hành vi phạm tội, mức độ hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Văn Hiền gây ra.
Cựu Phó Giám đốc Công ty Lâm Nghiệp tự ý cho doanh nghiệp sản ủi đất rừng gây thiệt hại
Đối với bị cáo Nguyễn Hoàng Cẩn là Phó Tổng giám đốc Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận, được phân công phụ trách công tác kỹ thuật lâm nghiệp, công tác quản lý bảo vệ rừng, theo dõi, chỉ đạo hoạt động của Xí nghiệp Lâm nghiệp Hàm Thuận Nam (quản lý địa bàn thực hiện Hợp đồng 59/HĐKT).
Mặc dù, đã nhận được báo cáo của Xí nghiệp Lâm nghiệp Hàm Thuận Nam về việc Công ty Phước Sang ủi lấn ngoài diện tích được bàn giao thực địa, tự ý ủi vào khu vực dự án Vĩnh Huê triển khai trước đây đã được các ban ngành có liên quan thẩm định hiện trạng rừng là RII. Đồng thời bị cáo Nguyễn Tiến Dũng có bút phê yêu cầu kiểm tra lại sự việc.
Tuy nhiên, Nguyễn Hoàng Cẩn không thực hiện việc kiểm tra lại nội dung báo cáo, cũng không thực hiện đánh giá lại hiện trạng khu vực rừng theo báo cáo của Xí nghiệp Lâm nghiệp Hàm Thuận Nam mà đồng ý với việc cho Công ty Phước Sang tiếp tục san ủi khi chưa có biên bản bàn giao dẫn đến 40,65ha rừng trạng thái RII bị Công ty Phước Sang san ủi trắng để trồng cao su.
Tại khu vực 44ha, sau khi nhận được báo cáo của Phòng Kế hoạch Kỹ thuật báo cáo về kết quả khảo sát hiện trạng khu vực 44ha thuộc tiểu khu 279 là rừng khộp có kiểu hiện trạng rừng non tái sinh phục hồi chưa ổn định (RII) và đề xuất nếu ủi trồng rừng, cây cao su phải đề xuất cấp có thẩm quyền kiểm tra, ra quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, sau đó thực hiện các thủ tục xin cấp phép khai thác; Nguyễn Hoàng Cẩn đã chỉ đạo Phòng Kế hoạch Kỹ thuật đánh giá lại hiện trạng rừng là RI theo hiện trạng kết quả kiểm kê rừng năm 1999.
Từ đó đề xuất Nguyễn Tiến Dũng ký phụ lục Hợp đồng kinh tế 59/HĐKT với Công ty Phước Sang và bàn giao 21,63ha cho Công ty Phước Sang; dẫn đến có 19,14ha rừng trạng thái RII bị Công ty Phước Sang san ủi trắng để trồng cao su.
Như vậy xét về vai trò trong vụ án, bị cáo Nguyễn Hoàng Cẩn phải chịu trách nhiệm nặng hơn bị cáo Nguyễn Tiến Dũng.
Mặt khác xét về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, bị cáo Nguyễn Hoàng Cẩn có ít tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự ở khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) so với bị cáo Nguyễn Tiến Dũng.
Do vậy việc bị cáo Nguyễn Hoàng Cẩn bị xử phạt cùng mức án đối với bị cáo Nguyễn Tiến Dũng là quá nhẹ, không công bằng, không tương xứng với tính chất hành vi phạm tội, mức độ hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Hoàng Cẩn gây ra.
Trước đó, ngày 6/5, Toà án nhân dân tỉnh Bình Thuận mở phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án Hủy hoại rừng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với các bị cáo Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Bình Thuận); Nguyễn Hoàng Cẩn (nguyên Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Bình Thuận); Nguyễn Văn Hiền (Phó Giám đốc Công ty Phước Sang); Phạm Văn Lang (kiểm lâm Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Thuận Nam).
Tại phiên toà xét xử phúc thẩm, HĐXX xét thấy tại phiên tòa vắng mặt người bào chữa cho bị cáo Nguyên Hoàng Cẩn. Đồng thời, bị cáo Cẩn không đủ sức khỏe tham gia phiên tòa và vắng mặt một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trên cơ sở đó, HĐXX quyết định hoãn phiên toà. Thời gian mở lại phiên toà vào lúc 8h, ngày 23/5/2024.