Vụ Khải Silk bán lụa "Made in China": Doanh nhân thành gian thương!

Vụ Khải Silk bán lụa "Made in China": Doanh nhân thành gian thương!

Triệu Kiều Chinh

Triệu Kiều Chinh

Thứ 2, 30/10/2017 09:33

Chuyên gia kinh tế, TS.Đinh Thế Hiển cho rằng, vụ chiếc khăn lụa có đến hai mác “made in China” và “made in Việt Nam” đã khiến cho doanh nhân Hoàng Khải đánh mất cả giá trị kinh tế lẫn giá trị cá nhân và là bài học lớn cho giới doanh nhân đã thành công.

Tiêu dùng & Dư luận - Vụ Khải Silk bán lụa 'Made in China': Doanh nhân thành gian thương!

Chuyên gia kinh tế - TS. Đinh Thế Hiển.

Doanh nhân Hoàng Khải cho biết nguyên nhân phải nhập hàng từ Trung Quốc vì xuất phát từ ngành sản xuất tơ lụa của Việt Nam suy thoái, doanh nghiệp không thể tìm đủ nguồn hàng phù hợp với chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng ở các làng nghề trong nước. Ông có đánh giá sao về điều này?

Đó là sự ngụy biện của một gian thương. Trong quá trình phát triển chuỗi cung ứng, chính những người như ông Khải Silk đủ năng lực, nguồn vốn và thị trường để làm cung ứng. Tức là ông hoàn toàn có thể tổ chức chuỗi cung ứng, phát triển vùng nguyên liệu, giúp cho người nông dân, doanh nghiệp nhỏ. Chuyện cung ứng đó tạo ra sự bền vững, vừa giúp cho làng nghề Việt Nam, vừa bảo đảm hàng hóa cho doanh nghiệp của ông. Ở nước ngoài họ đã làm như vậy. Họ công bố rất rõ xuất xứ các mặt hàng và bán đúng với giá trị của hàng hóa.

Có ý kiến cho rằng, việc làm của ông Khải Silk là một minh chứng cho sự quay lưng đối với chính người tiêu dùng, trong khi đó đâu đâu cũng có khẩu hiệu “người Việt ưu tiên hàng Việt”. Ông có suy nghĩ thế nào về điều này?

Câu chuyện Khaisilk có điểm giống và không giống với những người bán hàng Trung Quốc ở Việt Nam. Giống là đều lấy hàng Trung Quốc bán ở Việt Nam nhưng những người bán hàng Trung Quốc ở Việt Nam bị cạnh tranh rất lớn và họ bán đúng giá chứ không có lời nhiều từ giá trị gia tăng. 

Còn ông Khải Silk bán hàng thương hiệu, bằng giá trị gia tăng rất lớn và ông ấy đã đạt được chuyện đó. Tức là làm khách hàng tin là tơ lụa Việt Nam và chấp nhận giá cực cao, họ chấp nhận trả thêm cho thiết kế, nguyên liệu. Khi đạt được những điều đó ông Khải có thể hoàn toàn tổ chức chuỗi cung ứng sản xuất tơ lụa Việt Nam, nhưng ông ấy lại không chịu làm mà vẫn ham lợi hơn. Như vậy, ông Khải còn lừa đảo khách hàng hơn nhiều so với những người bán hàng Trung Quốc bình thường bởi họ lấy hàng Trung Quốc rẻ và họ cũng bán vừa túi tiền người tiêu dùng chứ họ không bán giá cao cấp như ông Khải Silk đang làm.

Bên cạnh lợi nhuận, việc gây dựng niềm tin đối với khách hàng cũng vô cùng quan trọng với doanh nghiệp, vậy sau vụ việc này, theo ông doanh nghiệp của doanh nhân Hoàng Khải sẽ phải đối mặt với những vấn đề gì?

Sự việc vừa qua đã khiến ông Khải Silk thiệt hại lớn về kinh tế và giá trị cá nhân.

Thứ nhất, thiệt hại về kinh tế, mặc dù lợi nhuận từ hàng tơ lụa cũng rất lớn nhưng ai ở trong ngành kinh doanh đều biết rằng bất động sản mới là nguồn doanh thu và lợi nhuận tốt nhất ở Việt Nam hiện nay. Hiện, ông Khải Silk mà làm bất động sản thì không ai mua, không phải người ta sợ bị mua lầm mà sợ mang tiếng.

Ví dụ, như ông Khải Silk đang phát triển quảng cáo cho biệt thự trên không ở đường Điện Biên Phủ, Lê Quý Đôn với mấy trăm tỷ/căn. Bây giờ giả sử như người tiêu dùng biết căn biệt thự có bán đúng giá nhưng mua của ông Khải Silk thì người ta sẽ thấy xấu hổ. Vì vậy họ sẽ không mua. Đó là thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế cho ông Khải Silk.

Thứ hai là giá trị cá nhân, khi một người thành đạt, tiền là một phần, còn lại là giá trị của bản thân. Một khi ông Khải đã làm như vậy, giá trị cá nhân của ông đã mất và đó là thiệt hại lương tâm rất lớn. Sự việc của ông Khải Silk sẽ là bài học lớn cho những doanh nhân đã thành công trên thương trường.

Thưa ông, câu chuyện về chiếc khăn lụa Khaisilk không phải là duy nhất, thực tế trên thị trường còn rất nhiều cửa hàng, doanh nghiệp làm ăn chộp giật như vậy. Điều này có tác động như thế nào đối với nền kinh tế?

Chúng ta quản lý thị trường nhưng lại bắt buôn lậu là chính chứ không đi sâu vào xuất xứ hàng hóa. Thậm chí, có doanh nghiệp sản xuất rất tốt nhưng khi vừa tung ra thị trường ngay lập tức đã có hàng giả, nhái khiến doanh nghiệp phải tự bỏ tiền túi ra thuê người để chụp hình, thu thập bằng chứng hoặc khi nhờ cơ quan chức năng lại rất nhiêu khê. Trong khi đó, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng là những người nhận tiền thuế của doanh nghiệp lại không làm tốt. Phát triển kinh tế bền vững cái gốc là thay đổi lại nhìn nhận về bảo hộ bản quyền, bảo hộ sản xuất và sản phẩm.

Trong khi một số mặt hàng của Việt Nam muốn được xuất khẩu ra nước ngoài phải qua những kiểm định vô cùng nghiêm ngặt thì tại Việt Nam lại có vô số mặt hàng giả. Phải chăng quản lý của chúng ta còn quá lỏng lẻo, thưa ông?

Việc hàng gian, hàng giả tràn lan, trước hết là trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương. Để đánh hàng gian, hàng giả không phải là lập thêm bộ máy vì chúng ta có lập thêm 10 cơ quan quản lý thị trường thì cũng không hiệu quả. Chính quyền địa phương còn chưa thấy việc quản lý hàng gian, hàng giả là quan trọng, cách thức chống ở ta là tăng thêm bộ máy, tăng thêm biên chế chứ chưa nói đến trách nhiệm của những nhân sự đó.

Những người bán hàng gian, hàng giả có thể phải đi tù, khi bán hàng hóa phải có xuất xứ hóa đơn mua chính gốc hoặc ở các siêu thị cũng phải bảo đảm. Hiện nay, các cửa hàng, hay thậm chí siêu thị họ không sợ việc bán hàng gian, hàng giả nên hiện tượng này cứ tồn tại khiến những người làm ăn chân chính, bán hàng thật không đủ kinh phí để phát triển tiếp, vì thế kinh tế của ta cứ đi theo chiều rộng mà không phải chiều sâu.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!  

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.