Chiều 19/12, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Đắc Lộc - Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, đơn vị đã quyết định hạ 1 bậc thi đua với 2 cán bộ phụ trách địa bàn liên quan đến vụ khăn lụa Khải Silk bán lụa gắn mác "made in China".
Trước câu hỏi của PV đây là sự việc vô cùng nghiêm trọng, liệu hình thức xử lý như trên có quá nhẹ, ông Lộc cho biết: "20 cán bộ quản lý thị trường quản lý hơn 20.000 hộ kinh doanh, anh em cũng căng sức ra để làm nên nhiều khi không thể bao quát được hết".
Trước đó, như báo Người Đưa Tin đã thông tin, bộ Công Thương đã công bố kết luận kiểm tra cho thấy, hoạt động sản xuất/gia công, xuất/nhập khẩu, mua bán các sản phẩm thời trang của Khải Silk có nhiều dấu hiệu vi phạm.
Cụ thể, theo thống kê của Tổng cục Hải Quan, trong giai đoạn 2006 - 2009, Khải silk có nhập khẩu các sản phẩm thời trang từ Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, giai đoạn từ 2009 đến ngày 15/10/2017, công ty này không còn thực hiện các hoạt động nhập khẩu các mặt hàng thời trang.
Từ năm 2012 đến nay, công ty cũng không tiến hành hoạt động sản xuất, gia công hoặc đặt gia công các sản phẩm thời trang của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước mà chủ yếu mua các thành phẩm từ các cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn một trong ba nhãn hàng hóa “Khaisilk®”, “Khaisilk cách điệu” và “Khaisilk Made in Vietnam” để kinh doanh trên thị trường.
Khải Silk đã có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật hình sự đối với tội buôn bán hàng giả về chất lượng. Kết quả giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của công ty cho thấy kết quả kiểm tra khác (không có thành phần silk) so với các thông tin công bố (trên nhãn hàng hóa) về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm (“100% silk”).
Ngoài ra, Công ty này cũng có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý thuế và quản lý hóa đơn. Cụ thể: (i) một số hóa đơn do Công ty xuất trình không hợp lệ (hóa đơn không phải do Chi cục Thuế phát hành, quản lý), một số hóa đơn kê khai không đúng tên hàng hóa; (ii) một số lượng lớn sản phẩm chênh lệch giữa số liệu chứng từ kế toán và số liệu kiểm tra thực tế tại một chi nhánh công ty. Công ty không giải trình được nguyên nhân hoặc xuất trình đầy đủ hóa đơn cho số sản phẩm này.
Không những thế, công ty còn bị kết luận là có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa và che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng.
Căn cứ kết luận kiểm tra, bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chuyển hồ sơ, vật chứng cho Cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, đồng thời đôn đốc, theo dõi, tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định đối với các sai phạm của công ty theo thẩm quyền.