Gửi ông Phan Huy Đức, xóm 16, xã Hưng Thắng
Lời đầu thư, tôi không biết nên chia buồn hay chia vui với gia đình ông trước. Chia vui, vì cuối cùng ông trưởng xóm không thể “khai trừ” ông ra khỏi xóm với một bản thông báo giắt ở bờ rào. Chia buồn, vì bỗng dưng bạn đọc cả nước biết rõ khoản nợ 2,8 triệu đồng của gia đình ông.
Quả thật, sau những vụ việc ồn ào liên quan đến các vị "quan xã" thời gian qua, như tự ý phê xấu vào lý lịch hay tự ý dỡ bỏ biển cấm qua lại trên cầu để ô tô tải chở vật tư vào nhà mình, người dân càng lo ngại hơn vì tình trạng lạm quyền ở cấp cơ sở. Có người còn ví hoàn cảnh của những người bị xã phê thêm về lối sống, đóng góp của hộ gia đình ở địa phương vào sơ yếu lý lịch với con đường xin triện gian truân của chị Dậu trong tác phẩm Tắt đèn.
Là một công dân bình thường, nghe mấy chuyện hi hữu như thế, tôi bức xúc nhưng không lấy làm sửng sốt. Ông biết đấy, phàm đã là con người, ai chẳng muốn khẳng định uy thế, quyền lực của bản thân; nhân quả nhãn tiền, kẻ nào không biết kiểm soát ham muốn này sớm muộn sẽ phạm phải sai lầm và trả giá đắt!
Và cái giá mà ông Phan Văn Cừ, xóm trưởng xóm ông phải trả khi tổ chức biểu quyết lấy ý kiến để khai trừ gia đình ông ra khỏi xóm là yêu cầu “nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm” của UBND xã.
“Chỉ mới nắm chút chức sắc trong tay mà ông trưởng xóm đã vội ảo tưởng về vị trí của mình. Những “cánh tay nối dài” của chính quyền cơ sở mà hành động thiếu tôn trọng quy định pháp luật như vậy, sao được lòng dân, làm dân hiểu, dân nghe được?” – Đấy là suy nghĩ ban đầu của tôi khi biết đến câu chuyện của ông. Còn sau khi biết, có 143 hộ trên tổng số 153 hộ tham gia cuộc họp xóm nhất trí về việc không cho gia đình ông sinh hoạt tại xóm (theo Lao động), tôi lại nghĩ nhiều hơn tới nỗi khổ của những người “vác tù và” thôn xóm ở khắp mọi miền đất nước.
Thời nay, những tuyến đường liên thôn được hoàn thành theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” rất có thể chỉ xuất hiện trong giấc mơ, nếu ai cũng giữ trong mình sự vô tâm, ích kỷ. Nhờ sự đồng lòng của bà con, mà đường giao thông của thôn xóm nhanh chóng trở nên khang trang, sạch đẹp.
Cần phải khẳng định rằng, cách làm của ông Cừ là sai nhưng đã bao giờ ông tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới cái sai của ông Cừ, hay xem lại những lập luận chưa đủ sức thuyết phục của ông trước cuộc họp hôm ấy? Ông đã nói chuyện với những người giơ tay đồng ý không cho hộ ông tham gia sinh hoạt tại xóm hay chưa? Ông nói rằng đường bê tông trong xóm gia đình ông không đi, nhưng ông có chắc gia đình mình sẽ thực hiện được điều đó cả đời này?
Ở đây, tôi xin mạn phép được đề xuất với ông 2 giải pháp: Thứ nhất, viết đơn xin trả ruộng để khỏi phải nộp tiền làm đường. Thứ hai, nộp đủ tiền làm đường theo quy định của xóm. Sau này, có việc cần kíp hoặc dự ma chay cưới hỏi, ông có thể ngẩng cao đầu băng qua mà không sợ ai nhắc: “Đi chưa trả tiền!”.
Ký tên
Người qua đường