Theo BBC, trong những ngày tháng khó khăn khi Liên Xô sụp đổ, người Nga đã sử dụng sự hài hước để thoát khỏi thực tế ảm đạm của nền kinh tế đình trệ, tình trạng thiếu lương thực và nhiều vấn đề khốn đốn khác.
Sự châm biếm chính trị từng là nội dung phát triển mạnh mẽ trên truyền hình dưới dạng những con rối cao su trong những năm 1990, nhưng nó đã nhanh chóng thoái trào khi Tổng thống Vladimir Putin lên nắm quyền.
Ở nước Nga ngày nay, châm biếm chính trị trở thành công cụ hữu hiệu để phản bác lại các quốc gia nước ngoài thường xuyên đưa ra những cáo buộc gây hại cho Điện Kremlin.
Khi những lời chỉ trích biến thành trò đùa
Sự hài hước và chế giễu là thành phần quan trọng trong phản ứng của Moscow khi Vương quốc Anh nói rằng "rất có thể" Nga đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal ở Salisbury hồi tháng 3 năm nay.
Kể từ đó, các quan chức và nhân vật truyền thông Nga đã biến cụm từ tiếng Anh "rất có thể" thành một câu khẩu hiệu nhạo báng, ngụ ý rằng Nga đang bị đổ lỗi cho tất cả mọi thứ với những bằng chứng mỏng manh nhất.
Họ đã khéo léo sử dụng một loạt các nhân vật nổi tiếng từ văn học Anh, như thám tử Hercule Poirot của Agatha Christie và thám tử Sherlock Holmes của Conan Doyle, để chế giễu những cáo buộc của Anh về sự liên quan của Nga trong vụ đầu độc mà họ tuyên bố là không có căn cứ.
Roman Dobrokhotov từ The Insider – tờ báo tham gia vào việc đưa tin về một trong hai nghi phạm bị cáo buộc đứng sau vụ đầu độc Skripal nói rằng, sự nhạo báng đó là một hình thức gây rối được thiết kế để "cố tình hạ thấp sự nghiêm trọng của các cáo buộc".
Chiến lược hoạt động như thế nào?
"Khi phản ứng một cách nghiêm túc không hiệu quả, người Nga bắt đầu chơi đùa theo cách của riêng mình. Đây là một nỗ lực để chế giễu, nhằm biến tất cả mọi thứ thành không có gì", Dobrokhotov nói với BBC:
Cùng với các thuyết âm mưu và các câu chuyện làm sai lệch đi vấn đề, loại chiến thuật này nhằm mục đích gieo rắc sự nghi ngờ. Kết quả là công chúng xem truyền hình TV tin rằng không có điều gì thực sự xảy ra như những cáo buộc nói trên đưa ra.
Người dùng Internet cũng là một mục tiêu chính cho thủ thuật này. Một hashtag trên các mạng xã hội với nội dung - #IamFromGRUToo (# ЯтожеИзГuelГ bằng tiếng Nga) - dường như được lấy cảm hứng từ phong trào #MeToo đình đám. Người dùng Twitter ủng hộ lập trường của Nga đã chế giễu các cáo buộc của Anh chống lại cơ quan tình báo quân sự GRU (nay là GU) của Nga.
Trước đó, phía truyền thông Anh cho rằng hai người đàn ông Nga có chuyến thăm trùng hợp với vụ đầu độc Skirpal ở Anh là hai điệp viên của GRU thực hiện hành vi tội ác. Tổng thống Putin sau đó đã lên tiếng xác nhận hai công dân này không liên quan gì cơ quan tình báo quân đội Nga.
Một quảng cáo tuyển dụng chế giễu khác thậm chí còn nói đùa rằng, GRU đang "tìm kiếm nhân viên cho bộ phận tấn công mạng, bộ phận vũ khí hóa học và đơn vị can thiệp bầu cử. Không cần phải nộp đơn - chúng tôi sẽ tự tìm bạn".
Nói với BBC, nhà nghiên cứu từ Hội đồng Đại Tây Dương Ben Nimmo đánh giá, những nỗ lực trong việc tạo ra các trò đùa hài hước của Nga là một phần của chiến lược “đấu tranh thông tin” giữa thời đại Internet hiện nay.
Vì sao Tổng thống Putin sử dụng sự châm biếm làm vũ khí?
Động thái của Nga trong việc sử dụng sự hài hước để hòa lẫn với các chiến dịch của mình là một hiện tượng khá mới.
Khi Tổng thống Vladimir Putin lên nắm quyền vào năm 2000, một trong những chương trình châm biếm nổi tiếng trên truyền hình là Kukly (Puppets) đã phải tiết chế bớt những câu chuyện đi quá xa khuôn khổ đối với chính trị trong nước.
TV là nguồn thông tin chính đối với hầu hết người dân Nga và các chương trình châm biếm chính trị thời điểm này bắt đầu chuyển hướng sang mục tiêu các quốc gia nước ngoài có những tuyên bố gây hại đối với Moscow. Một trong những chương trình hài kịch truyền hình hấp dẫn hàng đầu của Nga là KVN.
Năm ngoái, một tiểu phẩm về Hội nghị thượng đỉnh G-20 đã mô tả ông Putin là một vận động viên Judo đang chạy quanh các đồng nghiệp phương Tây với vẻ ngoài khờ khạo.
"Họ đã mang đến sự hài hước thâm thúy ở bên trong", tác giả Peter Pomerantsev, người đã tự trải nghiệm thế giới của các nhà sản xuất truyền hình Nga, nói. Mặc dù sự châm biếm lan tràn từng một thời là mối đau đầu đối với các chính khách Liên Xô, Điện Kremlin giờ đây đã biến điều này thành lợi thế của mình.
"Đó không phải là một chính quyền lúc nào cũng làm việc một cách nghiêm nghị. Thực tế, họ giải quyết mọi việc với một cái nhếch mép và đôi khi chỉ là một nụ cười”, Pomerantsev nhận xét.