Nền kinh tế thế giới hiện đang đối mặt với những thách thức chưa từng có. Những yếu tố như đại dịch Covid-19, xung đột địa chính trị, chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế và biến đổi khí hậu đã làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu và đặt ra nhiều thách thức với các doanh nghiệp.
Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) - hiện chiếm xấp xỉ 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam - bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi thiếu khả năng ứng phó nhanh với các rủi ro này.
Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số đã nổi lên như một giải pháp thiết yếu, giúp doanh nghiệp thích ứng nhanh hơn, tối ưu hóa hoạt động và đảm bảo sự linh hoạt cần thiết để duy trì tính cạnh tranh trên thị trường.
Không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng, chuyển đổi số còn mở ra những cơ hội mới để SMEs tại Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua việc đáp ứng các yêu cầu mới về phát triển bền vững và xanh.
Chuyển đổi số giúp SMEs ứng phó với rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng
Theo khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, các công nghệ kỹ thuật số như dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), và Internet vạn vật (IoT) đã giúp doanh nghiệp không chỉ giám sát mà còn dự đoán các biến động trong chuỗi cung ứng một cách hiệu quả hơn. Điều này cho phép họ điều chỉnh nhanh chóng khi có sự cố xảy ra, đồng thời giúp giảm thiểu lãng phí và tăng cường sử dụng tài nguyên hiệu quả.
Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, chuyển đổi số có thể là "vũ khí" hữu hiệu giúp SMEs gia tăng năng lực cạnh tranh, thể hiện ở một số khía cạnh sau.
Thứ nhất, chuyển đổi số giúp tiết kiệm chi phí và tăng cường hiệu quả.
Chuyển đổi số đã chứng minh khả năng giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận hành, tối ưu hóa quy trình kinh doanh. Theo Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có đến 43.3% doanh nghiệp tại Việt Nam đã dự toán ngân sách cho chuyển đổi số, mặc dù không phải tất cả đều đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Những doanh nghiệp đầu tư vào các giải pháp số đã nhận thấy sự gia tăng đáng kể trong hiệu suất làm việc và giảm chi phí vận hành.
Các nền tảng quản lý tự động không chỉ giúp giảm thiểu lao động thủ công mà còn tăng cường độ chính xác và tốc độ sản xuất. Điều này đặc biệt quan trọng với SMEs, nơi mà việc tối ưu hóa từng khoản chi phí nhỏ có thể tạo ra lợi nhuận lớn.
Ví dụ, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất có thể sử dụng cảm biến thông minh để theo dõi và điều chỉnh hiệu suất máy móc, từ đó tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu lãng phí tài nguyên. Hay việc giảm thiểu các chương trình họp hành, sự kiện trực tiếp nhờ các ứng dụng họp trực tuyến cũng đã chứng minh tính ưu việt và giúp tiết giảm rất nhiều chi phí cho hầu hết các doanh nghiệp thời gian qua.
Thứ hai, chuyển đổi số giúp mở rộng thị trường và gia tăng doanh thu.
Một trong những lợi ích lớn nhất của chuyển đổi số đối với SMEs chính là mở rộng thị trường thông qua các nền tảng thương mại điện tử và tiếp thị số.
Tại Việt Nam, sự phát triển mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, và Tiki hay các trang mạng xã hội đã giúp hàng nghìn SMEs có cơ hội tiếp cận hàng triệu khách hàng mà không cần đầu tư lớn vào hạ tầng bán lẻ truyền thống.
Theo Bộ Công Thương, doanh thu từ thương mại điện tử tại Việt Nam đã đạt 16,4 tỷ USD trong năm 2022 và dự kiến sẽ tăng lên 39 tỷ USD vào năm 2025. Những doanh nghiệp SMEs biết cách tận dụng các kênh bán hàng trực tuyến này đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể về doanh thu và mức độ nhận diện thương hiệu.
Thứ ba, chuyển đổi số giúp tăng cường quản trị và ra quyết định.
Chuyển đổi số không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình kinh doanh mà còn cải thiện khả năng quản trị và ra quyết định. Các công cụ phân tích dữ liệu và báo cáo tự động cho phép doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan về tình hình hoạt động của mình, từ đó đưa ra các quyết định chiến lược một cách nhanh chóng và chính xác hơn.
Theo khảo sát của EY năm 2022, 63% giám đốc điều hành chuỗi cung ứng quốc tế đang tìm cách giảm thiểu rủi ro thông qua sự đa dạng hóa và thẩm định nhà cung cấp. Việc áp dụng chuyển đổi số không chỉ giúp doanh nghiệp quản lý rủi ro tốt hơn mà còn gia tăng khả năng tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chuyển đổi xanh và mối quan hệ hữu cơ với chuyển đổi số trong chuỗi cung ứng bền vững
Chuyển đổi xanh đã trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với nhiều doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là khi các thị trường lớn như EU và Mỹ đang áp dụng những quy định khắt khe về phát thải và bảo vệ môi trường và nhiều thị trường lớn khác của Việt Nam cũng đang khuyến khích thiết lập các chương trình "mua sắm xanh". Tuy nhiên, chuyển đổi xanh không thể tách rời khỏi chuyển đổi số.
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, từ đó giảm phát thải khí nhà kính và tiêu thụ năng lượng.
Các công nghệ như IoT, AI, và dữ liệu lớn đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát, đo lường và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên của doanh nghiệp. Nhờ đó, doanh nghiệp không chỉ đáp ứng được các tiêu chuẩn về phát triển bền vững mà còn tiết kiệm chi phí và gia tăng khả năng cạnh tranh.
Các yêu cầu kĩ thuật liên quan tới chuyển đổi xanh cũng đòi hỏi chu trình thẩm định nghiêm ngặt và độ tin cậy, đầy đủ về dữ liệu liên quan.
Các ứng dụng số sẽ giúp SMEs Việt Nam có thể đáp ứng các yêu cầu mới này và gia tăng tín tin cậy, giá trị thương hiệu trong các chuỗi cung ứng. Ngoài ra, sự tin cậy về dữ liệu "chuyển đổi xanh" cũng sẽ mang lại cho các doanh nghiệp cơ hội tiếp cận với các dòng tài chính xanh, tín dụng xanh để gia tăng nguồn lực, đầu tư và bứt phá.
Thách thức và giải pháp trong quá trình chuyển đổi số của SMEs
Mặc dù chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích, SMEs tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình này.
Chi phí đầu tư ban đầu cho các giải pháp số thường là rào cản lớn nhất. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chưa đến 40% doanh nghiệp có đủ ngân sách để thực hiện chuyển đổi số. Điều này đặc biệt khó khăn với SMEs khi họ phải cân nhắc giữa việc đầu tư cho công nghệ và duy trì hoạt động kinh doanh thường ngày, nhất là sau ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế hậu Covid.
Ngoài ra, thiếu hụt kỹ năng và nhân lực chuyên môn cũng là một vấn đề nghiêm trọng. Hơn 56% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ có dưới 3 nhân sự phụ trách chuyển đổi số. Và trên thực tiễn, các nhân sự này còn kiêm rất nhiều việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa nên quá trình chuyển đổi gặp nhiều khó khăn và kéo dài thời gian triển khai.
Ở giác độ bình luận của các chuyên gia, một thách thức mang tính "mấu chốt" cũng thường được nêu ra và thậm chí còn được coi là rào cản lớn nhất của chuyển đổi số, đó chính là nhận thức và quyết tâm của các chủ doanh nghiệp.
Lựa chọn ưu tiên cho chuyển đổi số - bài toán có tính trung hạn tới dài hạn - hay ưu tiên ứng phó với các yêu cầu sản xuất kinh doanh trước mắt luôn gắn với trăn trở và quyết tâm của các chủ doanh và chưa nhiều doanh nghiệp hoặc chủ doanh nghiệp vượt được qua thách thức này.
Giải pháp kĩ thuật giúp thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp được đề cập nhiều từ các bên liên quan, song với SMEs tại Việt Nam, bên cạnh nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, các chương trình nâng cao nhận thức, năng lực và hỗ trợ thực sự bài bản của các cơ quan hoặc tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp vẫn là định hướng cần thúc đẩy.
Các mô hình, cách làm điển hình cần được đúc kết và đóng gói về mặt thông tin, tư liệu để nhân rộng dưới dạng "cầm tay chỉ việc" trong cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Song song với đó, vẫn cần các chính sách ưu đãi dễ hiểu, dễ tiếp cận để tạo động lực cho doanh nghiệp nỗ lực.
Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ)