"Iran chưa bao giờ sử dụng vũ khí hóa học!"
Iran là nước bảo vệ chương trình vũ khí hạt nhân một cách kiên trì nhất, bất chấp sự phản đối của nhiều nước phương Tây. Các nhà phân tích cho rằng, Iran đang nung nấu kế hoạch hủy diệt toàn cầu bằng vũ khí hạt nhân mà nước này đã và đang phát triển.
Thế nhưng, mới đây, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad lại nói: "Trước đây, tôi đã nói khá nhiều về vấn đề này. Vũ khí hạt nhân có thể dùng ở đâu? Chúng hoàn toàn vô dụng. Ngay Mỹ cũng có dự trữ hạt nhân, có thể nói là nhiều nhất thế giới nhưng người dân Mỹ sẽ phản đối, không bao giờ cho phép chính phủ họ sử dụng bởi như đã nói trước đây, đó là thứ vũ khí tàn bạo và mất nhân tính nhất".
Tổng thống sắp mãn nhiệm Mahmoud Ahmadinejad.
Tháng 8 sắp tới, Tổng thống Ahmadinejad sẽ kết thúc nhiệm kỳ sau lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Hassan Rohani, một giáo sĩ có quan điểm ôn hòa đã giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua. Tổng thống Ahmadinejad cho biết, trong lịch sử của Iran, đất nước này luôn ở thế phòng thủ và chỉ sử dụng các loại vũ khí thông thường.
Ông cảnh báo: "Từ trước đến nay, Iran chưa một lần sử dụng đến vũ khí hóa học. Nhưng điều này không có nghĩa là "người ta" có thể ném bom vào các cơ sở hạt nhân của Iran". Các chuyên gia phân tích cho rằng, lời cảnh báo đó rõ ràng đang hướng đến Israel, đất nước lâu nay có nhiều căng thẳng với Iran.
Tổng thống Ahmadinejad nói: "Lãnh thổ Iran trải rộng trên 1.873 triệu km2, "họ" có thể ném bom hết cả đất nước này được không? Dù chúng tôi luôn trong tình trạng bị lấn át nhưng chúng tôi sẵn sàng tự vệ khi cần".
Trong cuộc phỏng vấn, ông Ahmadinejad cũng nhắc đến đối thoại trực tiếp giữa Iran và Mỹ, điều mà ông cho rằng rất khả dĩ. Nhưng nó sẽ tỏ ra hiệu quả với điều kiện Mỹ không được quá lấn át Iran. Ông cho rằng: "Đối thoại trong tình trạng bị một cây búa treo lơ lửng trên đầu sẽ không thể hiệu quả. Đối thoại là để đạt được hiểu biết lẫn nhau, giải quyết bất đồng và đi đến sự thống nhất. Bởi vậy, chúng ta không thể dùng đối thoại để áp đặt lợi ích của nhau".
Cũng nhân dịp này, Tổng thống Ahmadinejad khẳng định, mặc dù Iran luôn phải chịu các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ và phương Tây nhưng Iran vẫn có nền kinh tế phát triển vượt bậc. Cụ thể là tất cả các chỉ số kinh tế của Iran đều tăng trưởng, kể cả thu nhập bình quân đầu người và chỉ số phát triển con người (HDI) vẫn liên tục tăng.
Ngay đến trình độ khoa học của Iran đã vươn từ hạng 32 lên 14 trong vòng tám năm qua, cao gấp 11 lần mức trung bình của thế giới. Ông tự hào: "Trong nhiều lĩnh vực liên quan đến vấn đề công nghệ, chúng tôi tự hào luôn nằm trong top 10 của thế giới". Do đó, việc Iran phát triển được chương trình vũ khí hạt nhân là điều dễ hiểu.
Tổng thống mới đắc cử Hassan Rohani.
Những bước đi đầy toan tính
Thực tế, chương trình hạt nhân của Iran đang gây ra khá nhiều tranh cãi, là nguyên nhân trực tiếp khiến nước này bị Mỹ và phương Tây áp đặt lệnh cấm vận do nghi ngờ Iran có ý đồ phát triển vũ khí hạt nhân cho quân sự. Tuy nhiên, Iran vẫn một mực phủ nhận những cáo buộc đó và giải thích rằng, nước này có toàn quyền phát triển hạt nhân phục vụ mục đích dân sự. Vấn đề này cũng được nhắc đến trong bài phát biểu đầu tiên của ông Rohani - Tổng thống mới đắc cử của Iran.
Liên quan tới khả năng Israel sẽ tiến hành một cuộc tấn công quân sự vào các cơ sở hạt nhân Iran vào thời điểm nào đó trong vòng sáu tháng tới, nhiều chuyên gia cho rằng, ranh giới đỏ của Israel đã đến và qua từ lâu. Israel lẽ ra phải tấn công Iran từ ba hoặc bốn năm trước, nhưng giờ thì khó có thể làm được.
Ông Rohani Tổng thống Iran mới đắc cử nói: "Chương trình hạt nhân của Iran hoàn toàn minh bạch. Chúng tôi sẵn sàng cho thế giới thấy mọi bước đi của Iran hoàn toàn phù hợp với các quy định quốc tế". Đồng thời, ông bổ sung rằng, bước đi tiếp theo sẽ là thúc đẩy lòng tin giữa Iran và các nước khác.
Nói về chương trình hạt nhân của Iran, Giám đốc Cơ quan Năng lượng quốc tế IAEA, ông Yukiya Amano nhận định, những biện pháp trừng phạt quốc tế dường như không làm cho chương trình gây tranh cãi này chậm lại, kể cả khi Tổng thống Ahmadinejad khẳng định, nó hoàn toàn vô dụng.
Ông Amano nói: "Iran có biểu hiện gia tăng đều đặn cả về năng lực và sản xuất". Phát biểu tại một phiên họp của IAEA, ông Amano cũng cho rằng, các cuộc đàm phán với Iran về vấn đề hạt nhân của nước này đang đi lòng vòng. Đặc biệt là thời gian gần đây, nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đã có bước đi nhằm tăng cường tiềm năng hạt nhân của mình, trong đó, Tehran đã lắp đặt được gần 700 máy ly tâm để sản xuất nhiên liệu hạt nhân tại các cơ sở nghiên cứu khoa học và sản xuất của nước này.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, khó xác định được Iran có sản xuất vũ khí hạt nhân hay không, bởi thanh sát viên IAEA không được tiếp cận với các cơ sở hạt nhân của Iran.
An Mai (Theo Russia Today/AP)