9K720 Iskander, NATO định danh SS-26 Stone, là tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến dịch - chiến thuật tầm ngắn cực kỳ lợi hại. Trên thế giới không có loại vũ khí nào có thể so sánh với Iskander ở mọi chỉ số. Iskander được chế tạo để thay thế cho tên lửa Oka SS-23 bị loại bỏ theo Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân INF giữa Nga và Mỹ.
Iskander được thiết kế để phá hủy các hệ thống vũ khí của đối phương, trung tâm chỉ huy, các máy bay đang đậu tại sân bay, các nút giao thông quan trọng, xuyên thủng lá chắn tên lửa của đối phương. Mục tiêu của chương trình là phải chế tạo được một vũ khí phi hạt nhân có tính răn đe cực mạnh.
Các thành phần của hệ thống tên lửa chiến dịch-chiến thuật 9K720 Iskander.
Chương trình phát triển tên lửa đạn đạo chiến dịch-chiến thuật Iskander được Phòng thiết kế Kolomna khởi xướng từ những năm 1990, dự án được đặt mật danh là Tender. Trong năm 2004, các quan chức quốc phòng Nga lần đầu tiên tiết lộ về một loại tên lửa đạn đạo chiến dịch-chiến thuật được gọi là Iskander.
Do yêu cầu rất cao từ lúc thiết kế nên Iskander hội tụ những công nghệ đỉnh cao của Nga và cả thế giới trong lĩnh vực công nghệ tên lửa, hệ thống dẫn đường, động cơ tên lửa và các biện pháp trốn tránh kẻ thù. Điểm độc đáo của Iskander bệ phóng được đặt trên khung gầm xe tải MZTK-79306 8x8 bánh với 2 tên lửa mỗi xe.
Hệ thống sử dụng tên lửa 9M723K1 được trang bị động cơ nhiên liệu rắn độc đáo, mỗi tên lửa được kiểm soát một cách độc lập trong suốt hành trình. Mỗi tên lửa trên xe phóng có thể nhắm mục tiêu một cách độc lập.
Việc Nga tuyên bố triển khai tên lửa Iskander đến Kiliningrad đã buộc Mỹ hủy việc xây dựng lá chắn tên lửa tại Ba Lan và Cộng Hòa Sec.
Iskander nhắm mục tiêu rất đa dạng có thể từ vệ tinh, máy bay trinh sát, UAV hoặc từ các lính trinh sát, các bức ảnh chụp trên không được quét vào máy tính. Tên lửa có thể nhắm mục tiêu trở lại khi bay trong trường hợp tấn công các mục tiêu di động.
Một tính năng độc đáo của Iskander là được trang bị dẫn hướng quang-điện có điều khiển từ các máy bay AWACS hoặc UAV. Hệ thống dẫn hướng quang-điện giúp tên lửa tự dẫn đến mục tiêu với độ chính xác rất cao.
Một điểm “độc” khác của Iskander là tên lửa có quỹ đạo bay rất quái chiêu nên rất khó đánh chặn.
Tên lửa có tốc độ lên đến gấp 7 lần tốc độ âm thanh (khoảng 7.700km/h) nên việc đánh chặn gần như là điều không thể.
Một tính năng “vô đối” khác của Iskander là kỹ thuật tàng hình plasma, kỹ thuật tàng hình này tạo ra một lớp mây trung tính về điện bao quanh đạn tên lửa khiến các radar mất phương hướng. Gần đây, Nga còn bổ sung thêm lá chắn điện tử bao quanh tên lửa Iskander giúp nó vượt qua lá chắn tên lửa của Mỹ.
Hệ thống tên lửa Iskander có thể đánh trúng mục tiêu từ khoảng cách 400-480km với bán kính lệch mục tiêu CEP chỉ từ 5-7 mét, với đầu đạn nặng 480kg chất nổ mạnh thì chẳng còn mục tiêu nào có thể sống sót trong bán kính 5-7 mét.
Sức mạnh của Iskander không chỉ tồn tại trên giấy mà đã được chứng minh trong thực chiến. Trong chiến tranh Nam Ossetia năm 2008, một tên lửa Iskander đã đánh trúng một tiểu đoàn xe tăng Gruzia ở Gori phá hủy 28 xe tăng.
Nỗi khiếp đảm với Bắc Kinh
Sức mạnh của tên lửa Iskander không chỉ khiến Trung Quốc lạnh gáy mà còn khiến NATO phải chùn bước trong kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa ở Ba Lan. Sau khi Nga tuyên bố sẽ triển khai tên lửa Iskander đến Kiliningrad để hóa giải mối đe dọa từ lá chắn tên lửa mà Mỹ triển khai ở Ba Lan và Cộng hòa Sec. Không lâu sau đó chính quyền Tổng thống Obama cũng tuyên bố hủy bỏ kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa tại đây.
Đến NATO còn lạnh gáy với Iskander nói chi đến Trung Quốc, trong kho vũ khí Trung Quốc chắng có loại nào có thể hóa giải Iskander.
Có thể nói rằng, tên lửa Iskander đã khiến Bắc Kinh phải phân vân về các kế hoạch của mình đối với vùng Viễn Đông của Nga. Chỉ cần Nga triển khai Iskander đến gần biên giới thì có thể vô hiệu hóa các hệ thống vũ khí từ sâu bên trong lãnh thổ Trung Quốc mà họ gần như không có vũ khí nào có thể chống chọi được.
Với NATO họ còn có PAC-3 MSE hoặc THAAD để đối phó với Iskander còn Trung Quốc chẳng có gì. Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 do Trung Quốc sao chép từ S-300 của Nga là một ẩn số quá lớn về tính năng chiến đấu. S-300PMU1/2 của Nga là một hệ thống vũ khí mạnh nhưng chắc chắn các nhà thiết kế Nga đã tính đến khả năng hóa giải mối đe dọa từ chính vũ khí này khi chúng nằm trong tay Trung Quốc.
Trong cuộc trao đổi với báo chí năm 2008, ông Nikolai Dimidyuk đại diện Tổng công ty xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport cho biết. Nga đang xúc tiến các hoạt động để xuất khẩu biến thể Iskander-E cho một số quốc gia như Kuwait, Singapore, Việt Nam và Hàn Quốc.
Mặc dù biến thể Iskander-E chỉ có tầm bắn 280 do các điều khoản của Hiệp ước cấm phổ biến công nghệ tên lửa có tầm bắn trên 300 km. Iskander-E không được trang bị hệ thống dẫn hướng quang-điện, bán kính lệch mục tiêu CEP khoảng 30 mét. Nhưng con số này cũng chính xác hơn rất nhiều lần so với tên lửa tinh vi nhất của Trung Quốc và chừng đó cũng quá đủ để Bắc Kinh phải lạnh gáy.
Mặc dù biến thể xuất khẩu Iskander-E không mạnh bằng vũ khí nguyên bản của Nga nhưng nó cũng đủ để làm thay đổi cán cân quân sự nơi nó xuất hiện.
Theo Bưu điện Việt Nam