Hôm 12/7, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được các thành phần đầu tiên của hệ thống phòng không S-400 mua từ Nga giữa lúc tranh cãi đang diễn ra.
Bình luận về diễn biến mới, giới phân tích cho rằng Ankara mua vũ khí của Nga như một thứ “bảo hiểm” chống lại nguy cơ đảo chính của chính lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ và không có ý định tích hợp chúng với các hệ thống khác như Mỹ lo ngại.
“Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được lô linh kiện hệ thống phòng không S-400 đầu tiên. Lô hàng được gửi đến căn cứ không quân Murted ở tỉnh Ankara", Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ngày hôm qua.
Việc chuyển giao hệ thống phòng không Nga sẽ kích hoạt lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ, quốc gia bày tỏ lo ngại việc S-400 hoạt động trong cùng mạng lưới với F-35 Lightning II do Mỹ sản xuất sẽ phơi bày những điểm yếu của máy bay tàng hình này cho các nhà khai thác S-400 khác như Nga và Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự tích hợp mà Washington lo ngại dường như là không thể, Mark Sleboda, một nhà phân tích an ninh và các vấn đề quốc tế tại Moscow, nói với Sputnik .
Theo ông, động lực thực sự của Tổng thống Erdogan đằng sau việc mua hệ thống tên lửa Nga là để phục vụ như một “chính sách bảo hiểm” chống lại rủi ro quay lưng của NATO hoặc chính quân đội của ông.
“Trước hết, mới chỉ có lô linh kiện S-400 đầu tiên đến Thổ Nhĩ Kỳ”, chuyên gia Sleboda nói. “Đây không phải là hệ thống chỉ có một thiết bị. Nó có bệ phóng, có phương tiện hỗ trợ, có trung tâm chỉ huy và điều khiển, có nhiều radar phát hiện và máy dò độ cao, v.v. Có rất nhiều thiết bị ở đây”.
“Những gì Thổ Nhĩ Kỳ nhận được cho đến nay như chúng ta thấy chỉ là các bệ phóng - thực sự là phần ít gây tranh cãi nhất của S-400. Và họ cũng chưa nhận được bất kỳ tên lửa nào. Hệ thống S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chưa thể có đầy đủ các bộ phận để hoạt động ít nhất là đến cuối năm nay, hoặc có thể là vào năm tới”.
Chuyên gia Sleboda khẳng định sự lo ngại của Lầu Năm Góc là vô nghĩa. S-400 sẽ không tích hợp với các hệ thống phòng không theo tiêu chuẩn của NATO mà đây sẽ là một hệ thống hoạt động độc lập.
S-400 là vũ khí mang đến những khả năng mà Thổ Nhĩ Kỳ còn thiếu vào lúc này. Nó có khả năng bắn hạ tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, cũng như máy bay chiến đấu tàng hình, máy bay ném bom, v.v.
Với việc S-400 không tích hợp vào các hệ thống của NATO, vũ khí Nga sẽ không bị NATO kiểm soát như trường hợp từng xảy ra trong Chiến tranh vùng Vịnh với Saddam Hussein - người đã mua các hệ thống phòng không của Pháp đã bị Mỹ cho ngừng hoạt động từ xa.
Trong trường hợp Mỹ hay các nước NATO khác có bước ngoặt chính trị tồi tệ với Thổ Nhĩ Kỳ và quyết định tiến hành ủng hộ các nỗ lực đảo chính, Tổng thống Erdogan sẽ ngăn chặn việc hệ thống phòng không bị kiểm soát nhờ sự độc lập của S-400, chuyên gia Sleboda nhận định.
Cuộc đảo chính thất bại 3 năm trước ở Thổ Nhĩ Kỳ đã được thực hiện bởi lực lượng không quân. Thời điểm đó, các máy bay chiến đấu do phương Tây sản xuất, đã cố gắng bắn hạ máy bay chở Tổng thống Erdogan trên trời.
Phòng không Thổ Nhĩ Kỳ cũng do NATO sản xuất, sẽ không hoạt động chống lại các máy bay này. Nhưng hệ thống phòng không Nga sẽ làm được.
Chuyên gia Sleboda lưu ý rằng, không quân là một trong những nhánh được “Tây phương hóa” nhất của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, không chỉ sử dụng nhiều thiết bị do phương Tây sản xuất hơn các nhánh khác, mà còn nhận được nhiều sự huấn luyện từ các quốc gia phương Tây - và kết quả là - cũng đặt ra mối nguy hiểm chính trị lớn nhất đối với chính quyền Tổng thống Erdogan.
Về mặt lý thuyết, S-400 không chỉ có thể sử dụng để ngăn ngừa rủi ro đến từ các quốc gia thành viên NATO và các quốc gia khác như Israel, mà còn có thể sử dụng trong trường hợp một cuộc đảo chính mới liên quan đến quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được trang bị bởi vũ khí Mỹ.