Hồi giữa tháng Mười Một, bộ Tư pháp Mỹ đã gửi một lá thư tới đại học Harvard, ra thời hạn chót là ngày 1/12, yêu cầu trường phải nộp những hồ sơ gồm đơn xin ứng tuyển và các giấy tờ về chính sách nhận sinh viên nhập học mà bộ này đã yêu cầu từ hồi tháng Chín.
Theo bộ Tư pháp Mỹ, đại học Harvard đã theo đuổi “chiến lược trì hoãn” trong suốt khoảng thời gian vừa qua. Bộ sẽ cân nhắc kiện cơ sở giáo dục này, nếu họ không tuân thủ đúng thời hạn giao nộp tài liệu.
“Chúng tôi thực sự hy vọng rằng Harvard sẽ nhanh chóng khắc phục thái độ và phối hợp một cách có hiệu quả hơn”, nội dung bức thư nêu.
Vụ điều tra này có liên quan tới một vụ kiện cấp liên bang, do một nhóm sinh viên đệ đơn vào năm 2014. Theo đó, đại học Harvard bị cáo buộc cố ý hạn chế số lượng sinh viên tuyển vào là những người gốc châu Á.
Hồi giữa tuần trước, một tuyên bố từ đại học Harvard khẳng định trường “chắc chắn sẽ tuân thủ nghĩa vụ” trước pháp luật, nhưng họ cũng cần bảo vệ những dữ liệu để đảm bảo tính bảo mật cho các sinh viên ứng tuyển. Ngôi trường nổi tiếng này cho biết họ đã “cố gắng hết sức để phối hợp với bộ Tư pháp”.
Edward Blum là chiến lược gia đã phụ trách vấn đề pháp lý trong vụ kiện năm 2014 chống lại trường Harvard. Ông hoan nghênh vụ điều tra lần này của bộ Tư pháp, khẳng định chính sách của Harvard là “quy trình tuyển sinh mang tính phân biệt đối xử”.
“Chỉ tiêu sinh viên gốc châu Á tại Harvard cũng như các yếu tố liên quan tới vấn đề chủng tộc trong trường học đã bị các cơ quan liên bang làm ngơ quá lâu. Cuộc điều tra này là một động thái đáng được hoan nghênh”, ông Blum nói hồi tuần trước.
Một lá thư được gửi từ ông Seth Waxman, đại diện luật sư của đại học Harvard nói rằng việc bộ Tư pháp mở một cuộc điều tra sau 2 năm từ ngày nhận được đơn kiện là “cực kỳ bất thường” trong khi Tòa án vẫn đang tiếp tục xử lý vụ việc.
Ông Waxman yêu cầu các nhân viên điều tra phải chia sẻ các dữ liệu thu thập được với trường Harvard, đồng thời phải chứng minh họ có đủ quyền tiến hành vụ kiện và đảm bảo tính bảo mật đối với các tài liệu mà Harvard cung cấp cho công tác điều tra.
Đáp lại, giới chức Tư pháp Mỹ khẳng định, những tài liệu tuyển sinh của Harvard sẽ không được công khai, nhưng họ từ chối chia sẻ chứng cứ thu thập được với trường học này. “Vì những lý do hiển nhiên, bộ Tư pháp không thể chia sẻ tài liệu đối với đối tượng của cuộc điều tra”, quan điểm của Bộ nêu rõ.
Quay trở lại vụ kiện năm 2015, khi đó, một nhóm hơn 60 sinh viên từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Pakistan đã nộp đơn kiện Harvard, khẳng định ngôi trường này sử dụng “định mức sắc tộc”, dù nhiều học sinh gốc Á có điểm số cao và đủ chỉ tiêu nhưng không được nhận vào học.
Yukong Zhao, người tổ chức nhóm sinh viên khiếu kiện, khi đó đã yêu cầu Harvard mở cuốn sách ghi chép thông tin tuyển sinh ra để chứng minh rằng sinh viên châu Á không bị đối xử thiếu công bằng. Tất nhiên, lời đề nghị đó không được chấp thuận.
“Chúng tôi chỉ muốn giúp đất nước này tiến lên phía trước”, Zhao nói.
Đạo luật Dân sự 1964 cấm các cơ quan, thể chế nhận ngân sách từ liên bang phân biệt đối xử dựa trên sắc tộc, màu da hay quốc tịch.
Đại học Harvard luôn khẳng định họ đã nỗ lực tăng hỗ trợ tài chính để đảm bảo sinh viên của họ đa dạng về kinh tế và sắc tộc.
Trước đó, trong năm nay, trường Harvard cho biết, hơn phân nửa sinh viên được nhận vào trường trong năm 2017 là nữ giới, cứ 5 sinh viên thì có hơn 1 người là gốc châu Á và gần 15% sinh viên là người Mỹ gốc Phi.
Theo AP, nhiều ngôi trường danh tiếng tại Mỹ cho rằng việc đưa tiêu chí chủng tộc vào công tác tuyển sinh nhằm tạo ra sự đa dạng về quan điểm cho những cuộc thảo luận trên giảng đường. Điều đáng nói, đại học Harvard từ lâu nhất mực khẳng định rằng thủ tục tuyển sinh của họ là hợp pháp. Năm ngoái, Tòa án Tối cao Liên bang Mỹ đã chấp thuận việc đại học Texas tuyển sinh dựa vào tiêu chí chủng tộc, nhưng Tòa đồng thời khẳng định phán quyết đó không nhất thiết phải áp dụng đối với các trường học khác. |