Làm ơn mắc oán
Năm 2009, trang quảng cáo trực tuyến Craiglist (Mỹ) đã đăng tải một lời cầu khẩn với nội dung: "Chúng tôi là một cặp đồng tính nữ, rất mong mỏi có một đứa con. Xin hãy giúp chúng tôi được làm cha mẹ bằng việc hiến tinh trùng cho chúng tôi".
Đáp ứng lại lời cầu khẩn trên, ông William Marotta (46 tuổi), một thợ cơ khí ở thành phố Topeka, thủ phủ của tiểu bang Kansas đã đồng ý cung cấp tinh trùng của mình cho cặp uyên ương Jennifer Schreiner 34 tuổi và Angela Bauer 40 tuổi - những chủ nhân của lời khẩn cầu.
Để đảm bảo tính minh bạc, cả ba đã cùng ký vào bản thỏa thuận, người hiến tinh trùng sẽ không bị ràng buộc bất cứ trách nhiệm nào với đứa trẻ sắp sinh và sau khi ra đời. Đồng thời, họ còn thỏa thuận, giấy khai sinh sẽ chỉ ghi tên mẹ, còn mục người cha thì để trống.
Mọi chuyện sẽ êm đẹp nếu hai bà mẹ đồng tính không xảy ra cãi vã và chia tay. Không chút suy nghĩ, cả hai cũng gửi đơn yêu cầu Văn phòng Bảo vệ quyền lợi gia đình và trẻ em (ORFC) giải quyết việc hỗ trợ tài chính nuôi con nhỏ.
Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thành hồ sơ, ORFC phát hiện ra bang Kansas không công nhận hôn nhân đồng tính nên bà Schereiner không được làm một bà mẹ đơn thân mà bắt buộc phải tiết lộ tên của "cha đẻ" đứa bé.
Những đứa trẻ sinh học cần được bảo vệ bởi các tổ chức bảo vệ trẻ em. Ảnh minh họa.
Ban đầu, do đã cam kết với ông Marotta (người hiến tinh trùng) nên bà Schreiner từ chối cung cấp danh tính của "người cha". Nhưng như vậy, đứa bé sẽ không được hưởng bảo hiểm y tế của Nhà nước, nếu người mẹ tự trang trải thì mức bảo hiểm sẽ rất cao, ngoài khả năng của bà Schreiner. Bởi vậy, Schreiner buộc phải đồng ý tiết lộ tên "người cha".
Ông Marotta cũng được vợ và hai người con đã trưởng thành ủng hộ vì hành động nhân văn của ông. Nhưng khi tiếp xúc với ORFC thì ông Marotta lại không thừa nhận mình là cha đứa trẻ được ông hiến tinh trùng dù bản thỏa thuận có chữ ký của ông rất rõ ràng.
Trước sự cố chấp của ông Marotta, ORFC liền gửi đơn lên Tòa án thành phố Topeka nhằm kiện ông Marotta, cáo buộc ông tội "chối bỏ trách nhiệm" và vi phạm quyền trẻ em. Ngay trong phiên điều trần đầu tiên, đại diện của ORFC lập luận, bản thỏa thuận giữa ba người hoàn toàn không hợp lệ do việc thụ tinh nhân tạo này không thực hiện theo đúng quy định của đạo luật ban hành năm 1994 về vấn đề này.
Theo luật, việc thụ tinh nhân tạo phải thực hiện tại một bệnh viện chuyên ngành với các thiết bị y tế đầy đủ. Trong khi đó, cô Schreiner tự động tìm người cho tinh trùng và thực hiện tại "gia" chi phí ghi trên hóa đơn khoảng 3.000 USD. Chi phí này sẽ được ORFC tài trợ cho các bà mẹ độc thân nếu làm đúng luật.
Đại diện ORFC còn nói thêm, theo luật hiện hành của bang Kansas, Marotta là người cho tinh trùng nên sẽ là người cha hợp pháp, phải có trách nhiệm nuôi dưỡng đứa bé, đảm bảo mọi quyền lợi cho đứa bé từ nay đến khi trưởng thành. Cũng theo luật, người hiến tinh trùng sẽ không phải chịu trách nhiệm với tư cách là cha đứa bé khi quá trình hiến tinh trùng có sự giám sát của một bác sĩ chuyên môn.
Tuy nhiên, bị đơn Marotta lại hiến tinh trùng của mình tại nhà cặp vợ chồng đồng tính để hai người phụ nữ tự xử lý việc thụ tinh nhân tạo mà không có mặt người làm chứng. Kết quả là bà Schreiner mang thai, sinh ra một bé gái và hậu quả là ông Marotta phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho hành động vô ý này.
Cặp đôi đồng tính nữ Jennifer Schreiner và Angela Bauer.
Luật vẫn là luật
Tại Tòa án thành phố, bà Schreiner khẳng định không muốn nhận bất cứ khoản chu cấp nào từ người hiến tinh trùng bởi ông Marotta chỉ là người trợ giúp cho việc thụ thai được suôn sẻ. Nhưng ORFC đã chính thức thông báo cắt trợ cấp nuôi con nhỏ của bà Schreiner từ đầu năm 2013 và cha của đứa bé phải chịu trách nhiệm chu cấp cho đứa bé và hoàn trả lại cho ngân sách thành phố 6.000 USD tiền trợ cấp trong hai năm trước đó.
Phiên điều trần kế tiếp sẽ diễn ra vào ngày 9/4 tới. Sự kiện hiến tinh trùng này đã tạo nên một làn sóng phản đối sự vô lý trên khắp các mặt báo. Độc giả tranh luận không ngừng về quan điểm của ORFC, họ cho rằng, việc ORFC kiện người hiến tinh trùng đã đi ngược lại bản chất nhân đạo trong chính sách của Nhà nước dành cho bà mẹ và trẻ em.
William Marotta vô tình trở thành bị đơn vì "tốt bụng".
Trong thời đại ngày nay, ngày càng có nhiều phụ nữ mang thai nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo, nhờ vào tinh trùng của những người đàn ông khác không phải chồng mình hiến tặng. Tuy nhiên, các chuyên gia về quyền bà mẹ và trẻ em cho rằng, cần phải có quy định rõ hơn về vai trò của người đàn ông đối với những đứa con sinh học của họ.
Trường hợp của ông Marotta chính là một trường hợp điển hình trong rắc rối của việc hiến tinh trùng. Ông Marotta chỉ đơn thuần nghĩ mình đang giúp đỡ hai người phụ nữ đặc biệt trong việc tạo dựng một gia đình hạnh phúc và sau khi ký xong bản thỏa thuận, ông sẽ không bao giờ gặp họ nữa. Nhưng luật vẫn là luật, mọi công dân đều phải tuân theo luật và lòng tốt của ông Marotta không thể chống lại quy luật đó.
Các chuyên gia cho biết, họ đang ghi nhận ngày càng nhiều những tranh chấp pháp lý về quan hệ giữa những người hiến tặng tinh trùng và gia đình những người nhận trong các vụ việc mà danh tính của người hiến tặng bị tiết lộ. Trong một số trường hợp, tương tự như ông Marotta, những người hiến tặng không muốn được công nhận là cha mẹ hợp pháp của đứa trẻ.
Tuy nhiên, các luật sư cũng đang nhận được nhiều vụ việc mà người hiến tặng tinh trùng tìm cách liên lạc với đứa con sinh học của mình. Bà Wendy Kramer, giám đốc cơ quan đăng ký hiến tinh trùng cho hay, trong thế giới hiện đại, khi phụ nữ có khả năng kiếm sống của họ cao ngang với đàn ông, họ có xu hướng muốn trở thành các bà mẹ đơn thân.
Đối với các gia đình là các cặp đôi đồng tính nam, đồng tính nữ, luật pháp chưa có một quy định cụ thể nào, giúp họ tìm được hạnh phúc trong cuộc sống gia đình. Bởi vậy, họ sẽ chọn cách thụ tinh nhân tạo bên ngoài bệnh viện nhưng chính vì vậy, người cha và người mẹ sinh học của đứa trẻ cũng không hề được bảo vệ về mặt pháp luật, từ đó dẫn đến nhiều vụ kiện tụng có liên quan đến người hiến tặng tinh trùng.
Luật pháp đã lỗi thời Nhà phân tích Charles Kindregan, một giáo sư về luật gia đình tại trường đại học Suffolk ở Boston (Mỹ) nhận định, vụ việc của ông Marotta là một minh chứng rất rõ về việc luật pháp của nước này đã quá lỗi thời. Luật bảo vệ những người hiến tặng tinh trùng đối với nghĩa vụ cha mẹ đã được thông qua từ những năm 1970, khi những phụ nữ đang tìm cách sinh con đều đã có chồng. Theo Đạo luật về quyền cha mẹ được ban hành năm 1973, trong các ca thụ tinh có sự tham gia của một bác sỹ, người hiến tặng sẽ không phải chịu bất kỳ nghĩa vụ làm cha mẹ nào với đứa con của họ. Đạo luật về quyền cha mẹ của Mỹ cần phải được thay đổi để bắt kịp với thời đại và cho phép tòa án được quyết định về các vụ kiện tụng phù hợp với nguyện vọng của các bên liên quan. Lúc đó, việc thụ tinh qua ống nghiệm vẫn còn mới mẻ và phải do một bác sỹ thực hiện. Nhưng với những cải tiến về mặt y học hiện đã đưa ra những phương pháp điều trị rẻ hơn, dễ thực hiện hơn và không cần đến bệnh viện. |
An Mai (Theo BBC/Dailymail)