Texaco ăn ốc, Chevron đổ vỏ
Chevron đang là bị đơn trong một vụ kiện môi trường lớn nhất trong lịch sử. Với nguyên đơn là khoảng 30.000 hộ nông dân Ecuador và 100 tổ chức, doanh nghiệp khác, kéo dài suốt từ năm 1993, khoản tiền đòi bồi thường đã tăng chóng mặt, từ mức 27 tỷ USD khi mới bắt đầu diễn ra, nay đã lên mức 40 đến 90 tỷ USD. Nếu các nỗ lực chống lại các cáo buộc thất bại, tập đoàn dầu khí lớn thứ ba Hoa Kỳ này có nguy cơ bị phá sản hoàn toàn. Điều đáng nói là, Chevron vướng vào vụ kiện này một cách hết sức lãng xẹt: Do mua lại công ty đối thủ đồng hương Texaco.
Năm 1964, Texaco một công ty dầu mỏ của Mỹ đã nhận được giấy phép thăm dò dầu khí trên phạm vi tới 1,4 triệu hecta rừng nguyên sinh từ Chính phủ Ecuado. Tại đây, mỏ dầu Lago Agrio đã được công ty này phát hiện và khai thác từ năm 1972. Những lời phàn nàn của cư dân địa phương về hoạt động khai thác của công ty này bắt đầu xuất hiện không lâu sau khi các mỏ dầu đi vào hoạt động. Đến đầu thập niên 1990, những cáo buộc đầu tiên bắt đầu được tòa án Ecuador chính thức thụ lý.
Các nguyên đơn đã cáo buộc Texaco đã xả ra môi trường tới 18 tỷ gallon (tương đương 68 triệu mét khối) nước thải độc hại chưa qua xử lý, tàn phá môi trường tự nhiên và gây ung thư cho con người. Các bằng chứng mà phía nguyên đơn trình trước tòa cũng cho thấy, Texaco còn bí mật giấu nước thải trong 900 bể lớn, nằm sâu trong những cánh rừng nhiệt đới nguyên sinh của Ecuado.
Những bể nước thải khổng lồ này hoàn toàn không được ngăn cách với môi trường bên ngoài, cũng như không có hệ thống ngăn chặn thẩm thấu xuống nguồn nước ngầm.
Biết rõ về những rắc rối pháp lý mà Texaco đang phải đối mặt nhưng bất chấp mọi cảnh báo, năm 2001 tập đoàn Chevron vẫn quyết định mua lại công ty này với hy vọng sẽ nhanh chóng khép lại vụ kiện một cách êm thấm và tiếp tục khai thác mỏ Lago Agrio - một trong những mỏ dầu lớn nhất Nam Mỹ trong lục địa.
Mua lại Texaco, có nghĩa là Chevron thừa hưởng toàn bộ quyền và nghĩa vụ do Texaco để lại. Người khổng lồ Hoa Kỳ chính thức thay thế Texaco, trở thành bị đơn trong vụ kiện môi trường lớn nhất lịch sử này.
Những cánh rừng già nguyên sinh quanh mỏ dầu Lago Agrio đang bị ô nhiễm nặng nề
Bản điều tra sơ bộ của tòa án Ecuador được công bố, đã làm dư luận nước này vô cùng phẫn nộ, đặc biệt là những người dân sống quanh khu vực khai thác của Texaco. Đây vốn là vùng nghèo khổ nhất Ecuador, nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của dân nơi đây chỉ trông chờ vào hai nguồn: Nước ngầm và nước mặt sông Jungle một nhánh nhỏ của sông Amazon.
Trong suốt hơn 30 năm Texaco khai thác mỏ dầu Lago Agrio, hai nguồn nước này của dân bản địa đã bị đầu độc bằng đủ các loại hóa chất độc hại mà Texaco âm thầm thải ra. Hơn 2.000 người đã chết vì các căn bệnh ung thư mà nguyên nhân được xác định là do nguồn nước ô nhiễm gây nên. Hai bộ lạc thổ dân bản địa được xác định là đã tuyệt chủng một cách khó hiểu một thời gian ngắn sau khi các giếng dầu của Texaco xuất hiện tại khu vực sinh sống truyền thống của họ.
Hai năm sau khi vụ việc bắt đầu được tòa án Ecuador thụ lý, trong nỗ lực dập tắt vụ kiện, vào năm 1995, Texaco đã chấp nhận bỏ khoảng 40 triệu USD để khắc phục hậu quả cũng như bồi thường cho một số hộ nông dân. Nhưng điều đó là chưa đủ, hơn 30.000 nguyên đơn vẫn tiếp tục đấu tranh đòi một số tiền thỏa đáng mà theo ước tính của họ, lên tới 27 tỷ USD vào những năm 1995.
Đến năm 2012, con số này đã tăng lên tới mức từ 40 đến 90 tỷ USD. Sở dĩ có sự chênh lệch lớn như vậy là do có các cách tính toán khác nhau: 40 tỷ USD cho riêng phần thiệt hại kinh tế của nông dân, chưa kể chi phí khắc phục môi trường.
Còn 90 tỷ USD là số tiền cần thiết để giải quyết tất cả các thiệt hại mà Texaco đã gây nên. Giờ đây, tất cả các trách nhiệm pháp lý của Texaco đều trút lên vai của Chevron, đẩy tập đoàn này đối mặt với nguy cơ khánh kiệt.
Tương lai nào cho Chevron?
Các lãnh đạo Chevron đang ăn phải trái đắng mang tên Texaco. Dù đã biết trước vụ việc nhưng khi quyết định mua lại công ty này, họ đã không ngờ được mọi chuyện lại phức tạp đến thế. Lợi nhuận từ những cơ sở khai thác của Texaco đã không đủ bù đắp chi phí theo đuổi vụ kiện của Chevron. Tập đoàn này đang phải gồng mình trong cuộc chiến pháp lý mà phần thua thiệt dường như đã rõ ràng nghiêng về họ. Họ đã giành được thắng lợi ban đầu khi thuyết phục thành công tòa án New York (Mỹ) không thụ lý vụ án với lý do vụ việc xảy ra ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ. Đáp lại, các nông dân Ecuador đã đệ đơn lên tòa án địa phương trong nước, ngay tại khu vực có các giàn khoan của Texaco, nay là Chevron.
Ngày 15/12/2011, tòa án này đã tuyên phạt Chevron 18,4 tỷ USD cho những thiệt hại trong giai đoạn 1972-1992. Tập đoàn này sẽ phải nộp phạt ngay lập tức 8,6 tỷ USD bằng tiền mặt, số tiền còn lại được thu hồi dần bằng cách khấu trừ 10% doanh thu hàng năm. Cả nguyên đơn và bị đơn đều kháng cáo. Các nông dân cho rằng, số tiền phạt phải là 27 tỷ USD, còn Chevron thẳng thừng bác bỏ phán quyết của tòa án.
Họ gọi đây là bản án tống tiền, và từ chối nộp phạt. Thái độ chây ì của Chevron có thể hiểu được bởi ở Ecuador, tài sản của họ có giá trị không đáng là bao. Kể từ khi vụ kiện bùng phát, tập đoàn này đã ngừng đầu tư vào đây, còn những gì thừa hưởng từ Texaco thì đã hết khấu hao từ lâu. Chính phủ Ecuador không thể nắm được hầu bao của đại gia dầu mỏ Hoa Kỳ này để buộc họ thi hành án.
Không chịu thua cuộc, Ecuador tìm cách thu hồi tài sản của Chevron ở nước ngoài. Argentina là nước đầu tiên ủng hộ những người nông dân nước láng giềng. Ngày 7/11/2012. Một thẩm phán Argentina đã tuyên bố tịch biên 100% tài sản của Chevron trên đất Argentina để chuyển cho cơ quan thi hành án Ecuador, bất chấp việc Chevron đang có đóng góp quan trọng cho ngành dầu khí nước này, với việc cung cấp 26.000 thùng dầu và 4 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày. Một số nước như Brazin, Colombia… cũng bóng gió khả năng sẽ giúp Ecuador thu hồi tài sản của Chevron trên nước họ.
Ngay tại quê nhà, tập đoàn này cũng đang phải lãnh những đòn pháp lý nặng nề. Hoa Kỳ đang nỗ lực buộc tập đoàn dầu khí Anh BP bồi thường một khoản tiền lớn cho vụ tràn dầu lịch sử trên vịnh Mexico năm 2010. Dường như thấu hiểu nỗi đau của nước bị thảm họa do các tập đoàn dầu lửa gây ra, tháng 10/2012, tòa án tối cao nước này đã ra phán quyết tuyên Chevron phải bồi thường 18,2 tỷ USD cho Ecuador.
Đây là động thái bất ngờ bởi trước đó, hồi tháng 3/2012, một tòa án sơ thẩm ở New York đã chấp thuận yêu cầu miễn bồi thường của Chevron. Nhận định về điều này, giới quan sát cho rằng có lẽ Chính phủ Mỹ đang "hy sinh" Chevron để giành lợi thế pháp lý trước BP trong phiên tòa vào mùa xuân tới.
Các bằng chứng đều đang chống lại Chevron. Một tài liệu nội bộ của Texaco bị rò rỉ từ trụ sở chính của công ty này ở Florida (Hoa Kỳ) vào năm 1972 cho thấy, công ty này đã cố tình phát thải độc hại ra môi trường. Đó là những hướng dẫn nhân viên cách che dấu những vụ xả thải nhằm đối phó với cánh báo chí và chính quyền địa phương. Nó cũng hướng dẫn chi tiết cách xóa tất cả các dấu vết, bằng chứng, tài liệu liên quan đến các sự cố tràn dầu, các giếng chất thải và các ống xả thải ngầm tuôn thẳng ra các con sông. |
Thanh Tùng (Tổng hợp)