Clip: Cận cảnh rừng xanh Xuân Chinh đang bị lâm tặc xẻ thịt ngày đêm.
Như đã đưa tin, những ngày gần đây, theo phản ánh của người dân xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, những cánh rừng già tự nhiên đang bị lâm tặc xẻ thịt ngày đêm. Tình trạng phá rừng lại càng xảy ra rầm rộ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành lệnh đóng cửa rừng trên toàn quốc.
Trao đổi với chúng tôi về tình trạng này, ông Lương Văn Tòi, Chủ tịch UBND xã Xuân Chinh cho hay: “Chúng tôi quản lý chặt chẽ nhưng vẫn có sự lén lút của một số bà con vào khai thác gỗ để về sửa chữa nhà cửa. Kiểm lâm địa bàn, lãnh đạo huyện, xã cũng đã chỉ đạo rất gắt gao, ngăn chặn không cho nhân dân vào rừng khai thác”.
Còn ông Cầm Bá Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Chinh cho hay: "Chúng tôi cũng đã tăng cường công tác bảo vệ rừng, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra nhưng do địa bàn quá rộng, lực lượng lại mỏng, trong khi đó dân nghèo quá nên vào rừng khai thác gỗ đưa về làm nhà, sửa nhà là điều không tránh khỏi. Người dân vào rừng khai thác gỗ là vi phạm, do hiểu biết pháp luật của họ còn nhiều hạn chế".
“Còn việc lâm tặc ngang nhiên dùng ô tô vận chuyển gỗ qua địa bàn xã là không thể có, vì chúng tôi kiểm soát rất chặt. Cũng có thể người dân cắt xẻ gỗ với kích thước dài 1,2m; đường kính 50cm rồi chờ đêm đến mới vận chuyển. Người ta đói thì kiếm đồng mắm, đồng muối, còn việc khai thác, buôn bán thì không có”, ông Quân nói thêm.
Ngoài ra, ông Quân cũng thừa nhận có tình trạng khai thác, chặt hạ rừng trên địa bàn; tại thôn Cụt Ạc thì chỉ khai thác khu vực giáp ranh với xã Thanh Quân. Gỗ rừng bị khai thác chủ yếu là gỗ giàng giàng, gỗ tạp tái sinh nhanh, chỉ khoảng 15 – 20 năm là có thể đạt 180cm.
Trao đổi với chúng tôi về tình hình an ninh rừng trên địa bàn, ông Phạm Xuân Chinh, Hạt phó hạt Kiểm lâm Thường Xuân (phụ trách địa bàn) cho hay, khu vực thôn Tú Tạo, Cụt Ạc hiện không có đơn vị chức năng nào cấp phép cho việc khai thác rừng. Còn khu vực thôn Cụt Ạc nằm giáp ranh với xã Thanh Quân nên có tình trạng một số người ở huyện Như Xuân lén lút sang khai thác. Nắm được thông tin, chúng tôi thường xuyên tăng cường kiểm tra khu vực giáp ranh này.
“Đây là khu vực rừng tái sinh tự nhiên. Tuy nhiên, tháng vừa rồi trong báo cáo thì không có phát hiện vụ việc phá rừng ở trên địa bàn xã Xuân Chinh. Còn ở thôn Tú Tạo, địa phương có cho khai thác rừng sản xuất hay không chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại”, ông Chinh nói.
Cũng theo ông Chinh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 150 vụ phá phá rừng, chủ yếu xảy ra ở các xã trọng điểm như: Yên Nhân, Bát Mọt, Xuân Chinh, Xuân Lẹ. Cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt hành chính, nộp ngân sách nhà nước hơn 1,4 tỷ đồng, tịch thu 190m3 lâm sản các loại.
Liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn, ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho hay: "Hiện tại, chúng tôi đang tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt trên địa bàn. Liên quan đến vấn đề quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn thì giao cho lực lượng kiểm lâm. Hiện tôi đang họp, có gì tôi sẽ thông tin lại sau".
Tình trạng phá rừng ở xã Xuân Chinh đang diễn ra ngang nhiên, phải chăng ở đây là sự buông lỏng quản lý, hay có sự “nhắm mắt làm ngơ” của lực lượng chuyên môn để lâm tặc tàn phá rừng xanh?
Phạm Thọ