Vụ lãnh đạo công ty nước ngoài “mất tích” khiến hàng nghìn công nhân bơ vơ: Công đoàn có thể khởi kiện

Vụ lãnh đạo công ty nước ngoài “mất tích” khiến hàng nghìn công nhân bơ vơ: Công đoàn có thể khởi kiện

Đoàn Minh Sơn

Đoàn Minh Sơn

Thứ 4, 14/08/2019 19:53

Theo kế hoạch, trong ngày hôm nay (14/8), ban giám đốc doanh nghiệp nước ngoài sẽ phải quay trở về Việt Nam để giải quyết mọi chế độ lương thưởng còn tồn đọng cho hàng nghìn công nhân sau khi "mất tích". Tuy nhiên, đến hiện tại, lời hứa vẫn chưa được thực hiện.

Ngày 14/8, trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Kim Pha – Chánh văn phòng UBND TP.Hải Phòng cho biết, ngày hôm nay, ban giám đốc công ty TNHH KaiYang vẫn chưa quay trở lại để giải quyết các chế độ cho hàng nghìn công nhân đang làm việc tại công ty này.

Tin nhanh - Vụ lãnh đạo công ty nước ngoài “mất tích” khiến hàng nghìn công nhân bơ vơ: Công đoàn có thể khởi kiện

Đến ngày 14/8, ban giám đốc công ty KaiYang vẫn chưa trở lại Việt Nam giải quyết chế độ cho hàng nghìn công nhân, các công nhân đến công ty để ngóng đợi.

“Về vấn đề này, thành phố đang giao cho các sở ban ngành phối hơp giải quyết, chắc chắn không thể để tình trạng này kéo dài. Đặc biệt các đơn vị như sở LĐTB&XH, bảo hiểm, công an phải có sự phối hợp chặt chẽ. Thời gian tới, thành phố sẽ nhanh chóng tìm phương án để các chế độ của công nhân không bị ảnh hưởng”, ông Pha nói.

Đại diện UBND quận Kiến An, đơn vị được giao chủ trì kết hợp với các đơn vị giải quyết sự việc thông tin, trước mắt UBND quận đang huy động lực lượng công an bảo vệ tuyệt đối an toàn an ninh trật tự tại khu vực nhà máy của công ty TNHH KaiYang, tuyên truyền vận động công nhân không có những hành động quá khích dẫn đến việc đập phá, hủy hoại tài sản. Mọi việc vẫn còn phải chờ sự chỉ đạo của UBND TP.Hải Phòng.

Tin nhanh - Vụ lãnh đạo công ty nước ngoài “mất tích” khiến hàng nghìn công nhân bơ vơ: Công đoàn có thể khởi kiện (Hình 2).

Công tác đảm bảo an ninh trật tự đang được đặt lên hàng đầu.

Trước đó, như báo Người Đưa Tin đã đưa, vào sáng 12/8, khi toàn bộ công nhân khoảng hơn 2.000 người, đến công ty TNHH KaiYang (địa chỉ tại số 196 đường Hoàng Quốc Việt, phường Ngọc Sơn, quận Kiến An, TP.Hải Phòng) để làm việc thì phát hiện công ty đã bị niêm phong tài sản.

Đến khoảng 8h30, công nhân mới được phép vào trong các phân xưởng để lấy đồ đạc cá nhân, nhưng phải chịu sự giám sát chặt chẽ của lực lượng bảo vệ và các nhân viên của ngân hàng SeaBank.

Hàng ngàn công nhân tập trung trước cổng và khu vực xung quanh gây tắc nghẽn cục bộ đường Hoàng Quốc Việt. Sau khi lực lượng chức năng nỗ lực điều tiết, tình trạng ách tắc mới được giải quyết.

Theo các công nhân, công ty TNHH KaiYang là doanh nghiệp 100% vốn Đài Loan (Trung Quốc), chuyên sản xuất giày da, hoạt động từ năm 2005. Tháng 7 vừa qua, chủ sử dụng lao động liên tục thúc ép công nhân tăng ca sản xuất, lương trung bình của người lao động tháng 7 khoảng 9-10 triệu đồng/người. Với hơn 2.200 lao động, tổng số lương doanh nghiệp chưa trả hơn 20 tỉ đồng.

Theo lịch, doanh nghiệp trả lương cho công nhân vào ngày 10 mỗi tháng nhưng ngày 10/8 vừa qua doanh nghiệp vẫn chưa trả lương cho công nhân. Chủ nhật (11/8), một số bộ phận vẫn làm việc, tuy nhiên tới tối thì chủ doanh cùng bộ phận quản lý người Đài Loan đã rời khỏi nhà máy. 

Để làm rõ tính pháp lý trong vụ việc này, luật sư Nguyễn Hồng Bách – luật sư thuộc công ty luật Bross&Partners (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) đã có những chia sẻ với phóng viên báo Người Đưa Tin.

Theo luật sư Bách, công đoàn của công ty đóng vai trò quan trọng trong sự việc kể trên, sẽ phải trực tiếp đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Mặt khác UBND TP.Hải Phòng, liên đoàn Lao động, sở LĐTB&XH, bảo hiểm sẽ phải có sự phối hợp chặt chẽ.

Luật sư Bách phân tích: “Tôi cho rằng có thể ban giám đốc nước ngoài về hết nhưng chắc chắn sẽ còn quản lý người Việt Nam, người này phải đóng vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp, chính quyền để giải quyết chế độ cho công nhân.

Công đoàn công ty sẽ phải nắm bắt tình hình kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong thời gian qua. Trong trường hợp chủ doanh nghiệp vắng mặt thì sẽ xử lý theo quy định của luật Doanh nghiệp. Nhà xưởng, tài sản của doanh nghiệp này vẫn còn nằm ở Việt Nam, căn cứ vào tình hình thực tế sẽ đề xuất hướng giải quyết, cụ thể ở đây công đoàn của công ty có thể khởi kiện hành chính để bảo vệ quyền lợi cho công nhân.

Trong trường hợp chủ doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, tòa án sẽ ra phán quyết tài sản của công ty sẽ đảm bảo để được thi hành án trong trường hợp bản án đã có hiệu lực pháp luật”.

Mặt khác, cũng theo luật sư Bách, trong trường hợp công ty không còn khả năng trả nợ thì sẽ phải làm thủ tục phá sản. Trường hợp giá trị tài sản của công ty lớn hơn khoản nợ thì sẽ làm thủ tục giải thể theo luật, khi giải thể quyền và lợi ích của các bên sẽ đươc đảm bảo.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.