Ngày 29/12/2023, Người Đưa Tin có bài viết: “Lợn dự án cấp cho hộ nghèo, cận nghèo bị ốm và chết khiến dân mất Tết”. Nội dung phản ánh, thực hiện dự án Chương trình mục tiêu Quốc gia đa dạng sinh kế, giảm nghèo bền vững, UBND xã Thọ Tiến và Thọ Bình, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa là chủ đầu tư cấp lợn giống sinh sản cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã.
Ông Lê Ngọc Biên, Chủ tịch UBND xã Thọ Tiến cho biết, với tổng mức đầu tư hơn 400 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách, xã sẽ cấp lợn cho 68 hộ nghèo, cận nghèo; xã Thọ Bình chi hơn 500 triệu đồng để cấp lợn cho 99 hộ dân thuộc đối tượng.
Công ty Cổ phần chăn nuôi và chuyển giao công nghệ Yên Định là đơn vị cung ứng giống cho xã Thọ Tiến và Thọ Bình để cấp cho dân. Thời điểm dân nhận lợn và khi đưa về nuôi, nhiều con có biểu hiện bị ho, thở dốc, sốt rồi bỏ ăn. Đến thời điểm hiện tại, có ít nhất 10 con lợn thuộc dự án cấp do dân tại 2 xã này bị chết.
Hộ gia đình ông Tống Đăng Khâm, trú tại Dân Tiến, xã Thọ Tiến được nhận một con lợn từ dự án do UBND xã Thọ Tiến cấp. Khi nhận về, lợn có triệu chứng bị ho, thở dốc, bỏ ăn rồi lăn ra chết.
Tiếp đó, 1 con lợn nái sinh sản và 30 con lợn con của ông Khâm đã chết, 1 con đang nằm bất động, 2 con nái khác và hơn 10 con non đã bỏ ăn. Ông Khâm nhận định, chúng sẽ không qua khỏi, rồi sẽ bị chết giống nhưng lợn dự án.
Bầy lợn nái sinh sản của ông Khâm bị chết, bỏ ăn khiến công sức bao năm gầy dựng, chăm sóc của đôi vợ chồng già đổ sông đổ biển. Đối với họ, năm nay là cái Tết buồn.
Bà Bùi Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Bình cho biết, ngày 5/12, xã phối hợp với Công ty Cổ phần chăn nuôi và chuyển giao công nghệ Yên Định bàn giao 48/99 con lợn cho các đối tượng thuộc dự án trên địa bàn xã.
Khi bàn giao, một số con lợn bị ốm, hiện tại có 5-6 con bị chết và chính quyền đã chôn lấp theo quy định.
Theo Bà Hồng, nhận thấy chất lượng con giống không đúng như hợp đồng, xã Thọ Bình đã liên hệ với đơn vị cung cấp giống và yêu cầu họ thu hồi lại tất cả số lợn đã bàn giao, sau đó sẽ cấp lại lợn giống mới cho dân vào thời điểm thích hợp.
Dựa vào hồ sơ do đơn vị cung ứng là Công ty Cổ phần chăn nuôi và chuyển giao công nghệ Yên Định cung cấp cho xã Thọ Tiến cho thấy, toàn bộ số lợn của dự án đã được Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa cấp giấy “Chứng nhận tiêm phòng gia súc”.
Toàn bộ số lợn giống này đã được tiêm phòng: Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng – Tụ dấu, Dịch tả lợn.
PV Người Đưa Tin đã liên hệ với ông Lê Ngọc Mạnh, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Định, để tìm hiểu các thông tin liên quan việc trung tâm cấp giấy chứng nhận tiêm phòng, quy trình tiêm, quản lý theo dõi với số lợn trên.
Ông Mạnh xác nhận, các loại giấy chứng nhận tiêm phòng cho lợn của Công ty Cổ phần chăn nuôi và chuyển giao công nghệ Yên Định là do trung tâm cấp. Tuy nhiên, trung tâm không cung ứng vắc xin, không trực tiếp tiêm mà chỉ giảm sát việc tiêm phòng và cấp giấy chứng nhận.
Theo các giấy chứng nhận tiêm phòng cho lợn do Trung tâm này cung cấp, người tiêm là Lê Anh Tiến; phần xác nhận, ký tên và đóng dấu của Trung tâm để trống (?!).
Xem giấy chứng nhận do mình cấp xong, ông Lê Ngọc Mạnh, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Định không biết người trực tiếp tiêm phòng Lê Anh Tiến là ai (!?). Cán bộ của trung tâm không trực tiếp giám sát việc tiêm phòng đối với số lợn này.
Ông Lê Ngọc Mạnh lý giải, do huyện Yên Định có tổng đàn gia súc lớn, cán bộ trung tâm ít nên mỗi đợt tiêm phòng, trung tâm giao chỉ tiêu, cấp giấy chứng nhận tiêm phòng cho thú y các xã. Tiêm tới đâu thì thú ý các xã sẽ ghi thông tin và cấp chứng nhận đã tiêm phòng.
Theo ông Mạnh, khi nhận được phản ánh của PV Người Đưa Tin, ông đã gọi điện cho lãnh đạo Công ty Cổ phần chăn nuôi và chuyển giao công nghệ Yên Định để tìm hiểu danh tính và hồ sơ chuyên môn người tiêm phòng, người giám sát và quy trình cấp giấy chứng nhận tiêm phòng cho số lợn trên nhưng chưa liên lạc được.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc!