Trong vụ án này có 17 bị cáo bị truy tố, xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên tới hơn 230 tỷ đồng. Đúng như dự đoán, ngay từ những giây phút đầu tiên, phiên tòa đã rất "nóng" bởi phần tranh luận về trách nhiệm của công ty Prudential, bởi hầu hết bị hại đều cho rằng, công ty này không thể đứng ngoài cuộc.
Nguyên đơn dân sự hay người có nghĩa vụ liên quan?
Ngày 7/10, TAND tỉnh Quảng Ninh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ "nữ quái" Bùi Thị Thu Hằng lợi dụng danh nghĩa công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential Quảng Ninh lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng trăm tỷ đồng của gần 60 người. Đại diện phía VKS là ông Nguyễn Bá Linh và bà Vũ Thị Thanh Xuân. Chủ tọa phiên tòa là Bùi Văn Nhương, có 11 luật sư tham gia bảo vệ cho các bị hại và bị cáo.
Ngay từ khi chủ tọa cho bắt đầu phiên tòa, không khí phòng xét xử đã ngay lập tức trở nên rất "nóng" khi các luật sư tranh cãi về tư cách tham dự phiên tòa của đại diện công ty Prudential. Theo giới thiệu của HĐXX, người này xuất hiện tại tòa với tư cách nguyên đơn dân sự. Tuy nhiên, các luật sư bảo vệ quyền và các lợi ích cho bị cáo cũng như bị hại cho rằng điều đó là không hợp lý. Theo các luật sư, trong vụ án này, công ty Prudential phải là người có trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan mới chính xác.
Nhận khách hàng là bố, là mẹ
Theo nhận định của trung tá Vũ Quý Cường, phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ công an tỉnh Quảng Ninh, cán bộ trực tiếp điều tra vụ án thì thủ đoạn của Hằng và đồng bọn không mới, các nạn nhân sập bẫy bởi mất tỉnh táo từ mức lãi suất "khủng" và trước những chiêu trò mua chuộc lòng tin của các đối tượng.
Theo tài liệu điều tra, Bùi Thị Thu Hằng được công ty Prudential Việt Nam ký hợp đồng trở thành đại lý bảo hiểm vào tháng 8/2009. Đến tháng 4/2010, thấy một số người tham gia bảo hiểm phàn nàn về thời gian đóng bảo hiểm quá dài và có nguyện vọng mua loại bảo hiểm có thời gian ngắn hơn, nhanh thu hồi vốn hơn, nên Hằng nảy ra ý đồ làm giả các bộ hợp đồng bảo hiểm và chứng từ, hồ sơ liên quan để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Các bị cáo trong vành móng ngựa.
Sau nhiều đêm nằm "ủ mưu", Hằng đã quyết định tự phong cho mình là "Trưởng phòng kinh doanh", rồi "Giám đốc văn phòng Phát triển kinh doanh khu vực Quảng Ninh của công ty Prudential", lôi kéo thêm chồng mình là Nguyễn Văn Hùng cùng tham gia. Vốn là chủ một cửa hàng cắt tóc, dưới sự chỉ đạo của vợ, Hùng đã rủ rê những nhân viên trong tiệm của mình trở thành các chân rết, giả mạo thành các đại lý của công ty Prudential. Để mọi việc trở lên "lung linh" hơn, Hằng liên tục mở rộng mạng lưới "đại lý" là các đối tượng ngoài xã hội, bỏ tiền ra thuê nhà, lập văn phòng to đẹp để tạo niềm tin...
Sau khi có "nhân sự", Hằng họp tất cả lại rồi thống nhất sử dụng chiêu bài, tiếp thị người dân mua lại các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của người mua trước hủy ngang để duy trì tiếp hợp đồng này. Khi hết thời hạn hợp đồng (thời hạn 25, 30, 35, 45, 60 hoặc 90 ngày), sẽ được hưởng toàn bộ giá trị hợp đồng và được nhận lãi suất 50 - 53%. Hoặc khách hàng cũng có thể bỏ ra một trăm triệu đồng để mua gói bảo hiểm "Phú an khang Hưu trí" mỗi tháng được "nhận lương", chuyển vào tài khoản cá nhân từ 4 đến 5,5 triệu đồng, hết thời hạn 20 - 30 năm sẽ được thanh toán tiền gốc.
Ban đầu, Hằng mời chào một số người có uy tín và từng có chức sắc trong xã hội mua loại bảo hiểm hưu trí, sau đó dùng chính tiền đó trả lương vào tài khoản của họ đều đặn, đúng theo định kỳ hàng tháng nhằm lấy lòng tin. Cũng trong thời gian trên, "nữ quái" cũng đã thai nghén rồi "đẻ" ra một hình thức bảo hiểm rất khủng, gọi là "hợp đồng VIP". Với loại hợp đồng này, chủ yếu là vẫn chiêu bài trả lãi cao ngất ngưởng, trong thời gian ngắn, Hằng đã huy động được khoản tiền rất lớn.
Với "tôn chỉ, bí quyết" kinh doanh "biến khách hàng thành người nhà", các đối tượng vờ gây dựng tình cảm thân thiết với nhiều khách hàng như nhận là bố, mẹ, là học sinh cũ, đồng khoá, đồng niên... Qua mối quan hệ "thân thiết" này, nhiều người tham gia mua "bảo hiểm VIP" của Hằng và tin tưởng tiếp tục tái đầu tư. Không ít trường hợp nộp thêm tiền để mua bảo hiểm có giá trị lên đến nhiều tỷ đồng mà chỉ nhận phiếu thu tiền hoặc giấy biên nhận, không đòi hỏi phải có hồ sơ, giấy chứng nhận bảo hiểm.
Lẫn lộn hợp đồng thật - hợp đồng “ma”
Ngoài các hợp đồng, phiếu thu tiền giả, Hằng còn yêu cầu các đối tượng trong nhóm trích lại 15% số tiền "hoa hồng" kiếm được từ số hợp đồng mỗi nhân viên được hưởng để duy trì hồ sơ bảo hiểm của công ty Prudential mang tên khách hàng, tên Hằng và các nhân viên của Hằng. Số hồ sơ này phát hành theo biểu mẫu thật, Hằng và đồng bọn gọi là "hợp đồng thường". Qua đó, Hằng không chỉ che đậy được hành vi bất hợp pháp của mình với công ty Prudential mà còn được công ty này vinh danh trong "Bảng vàng Prudential Việt Nam".
Nhằm tạo lòng tin với các khách hàng, Hằng còn bày vẽ ra những cuộc tri ân khách hàng rất hoành tráng và hoang phí tại một khách sạn đẹp và lớn nhất tại thiên đường du lịch Bãi Cháy. Hằng còn rất chịu chi để mua những món quà đắt tiền và những chuyến du lịch nước ngoài tặng cho những khách hàng mua nhiều hợp đồng "triệu đô". Thời đó, món quà tặng ưa thích của Hằng là những chiếc xe máy Piaggio LX hoặc những chuyến du lịch với chế độ nghỉ ngơi cao cấp...
Sau khi đã khiến khách hàng "ngấm đòn" với những chiêu trò, Hằng lại càng huy động được rất nhiều khách hàng ký hợp đồng VIP, trong đó chủ yếu là những khách hàng có điều kiện kinh tế khá giả. Số khác vì tin tưởng Hằng nên cũng đi huy động, vay mượn, cầm cố nhà cửa để đưa tiền cho Hằng. Điều đặc biệt, tất cả đều tin tưởng 100% rằng mình đang ký hợp đồng với công ty Prudential.
Đến tháng 9/2011, khi vụ việc vỡ lở, đối tượng cùng chồng bỏ trốn và bị cơ quan công an bắt tại tỉnh Khánh Hoà, con số hơn 60 nạn nhân trong vụ án chỉ là "bề nổi", là số cầm cái, đứng tên mua bảo hiểm của nhóm Bùi Thị Thu Hằng.
Có đồng phạm hay không?
Theo tìm hiểu của PV, hầu hết các nạn nhân trong vụ lừa đảo của Bùi Thị Thu Hằng và đồng bọn đều là những người có trình độ, hiểu biết cao song vẫn sập bẫy lừa đảo của Hằng một cách dễ dàng.
Ông Đỗ Xuân Lựu, thường trú tại tổ 8 khu 4 thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh, đại diện tập thể hàng chục khách hàng là bị hại của "nữ quái siêu lừa" cho biết, tất cả bị hại đều là những người có hiểu biết, nhận thức được cái gọi là huy động "tín dụng đen" hay các vụ vỡ tín dụng đen xảy ra liên tục trong nhiều năm qua. "Thế nhưng Hằng đã khiến chúng tôi tin là chúng tôi đang ký hợp đồng với công ty Prudential, hóa đơn hợp đồng có dấu má đàng hoàng, nào ngờ tất cả đều là đồ giả", ông Lựu cho biết.
Theo tài liệu điều tra, được biết, nhiều giấy chứng nhận, thư cảm ơn... của công ty bảo hiểm Hằng giao cho khách hàng, thời gian cấp ghi trên số giấy tờ này từ năm 2006 có dấu đỏ của công ty, chữ ký của Tổng giám đốc Prudential Việt Nam John Inniss Howell. Tuy nhiên, tất cả giấy tờ đó là do thị câu kết với công ty in ấn làm giả. Nếu khách hàng cẩn thận, tỉnh táo rất dễ phát hiện mâu thuẫn và xác định là giả mạo.
Trước khi vụ án được đưa ra xét xử, tài liệu của VKSND tỉnh Quảng Ninh cho biết, nhiều bị hại trong vụ án có đơn tố cáo đối với bà Trần Thị Kim Lan - trưởng chi nhánh công ty Prudential tại Quảng Ninh, ông Đặng Minh Cường, phó giám đốc phát triển kinh doanh công ty Prudential phía Bắc có dấu hiệu là đồng phạm tiếp tay cho Bùi Thị Thu Hằng phạm tội và đề nghị buộc công ty Prudential có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các khách hàng do hành vi của đại lý gây lên. Tuy nhiên, với các chứng cứ và tài liệu thu thập được, VKSND tỉnh cho biết chưa có cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Lan và ông Cường.
Cú rẽ định mệnh Được biết, Bùi Thị Thu Hằng sinh ra và lớn lên tại TP.Hạ Long. Tốt nghiệp cấp 3, Hằng thi đỗ vào hệ chính quy trường báo chí. Tuy nhiên, Hằng "rẽ ngang" con đường nghề nghiệp khi chuyển sang học nghề thẩm mỹ tóc tại Hải Phòng. Tại đây Hằng đã gặp Hùng. Cuối năm 2006, Hằng - Hùng kết hôn, đưa nhau về sinh sống tại phường Bạch Đằng, TP.Hạ Long. Hùng mở 2 điểm cắt tóc tại phường Cao Thắng và Hồng Hải (TP.Hạ Long). |
Long Nguyễn - Tiểu Cát