(Audio) GS.TS Vũ Gia Hiền: Về vụ ly hôn của ông Vũ và bà Thảo, cái tôi của họ to quá!
Giữa lúc phiên tòa xét xử vụ ly hôn của vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên đang vào hồi gay cấn, dư luận đón nhận được nhiều phát ngôn của người trong cuộc đầy tranh cãi. Trong đó, ông Đặng Lê Nguyên Vũ có nói: “Tiền nhiều để làm gì?” khiến nhiều người quan tâm và cũng tự đặt ra những câu hỏi tương tự.
Để hiểu rõ và có cái nhìn đa chiều về phát ngôn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, cũng như nhìn nhận về những tranh luận nảy lửa của vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên tại tòa, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với GS.TS, chuyên gia tâm lý Vũ Gia Hiền, Hiệu trưởng trường trung cấp Âu Việt TP.HCM; Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hoá Du lịch.
Qua trò chuyện, vị này đã thẳng thắn đưa ra suy nghĩ của bản thân, từ đó đưa ra cho độc giả những kết luận mở về tiền bạc và hôn nhân.
Sướng bằng tiền thì đâu có chết
Thưa GS.TS Vũ Gia Hiền, mới đây, trong phiên tòa xét xử ly hôn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ, ông Vũ có nói: “Tiền nhiều để làm gì?”. Vậy theo ông, “Tiền nhiều để làm gì?”
Đối với người thông thái, tiền nhiều giống như một trò chơi thể hiện mình. Tôi ví như việc chơi con xắc. Ai có càng nhiều con xắc thì người đó hơn những người còn lại. Ngược lại người không thông thái, tiền nhiều là một sự thích thú, sung sướng.
Riêng bản thân ông, tiền để làm gì?
Đối với tôi, tiền chỉ là phương tiện tốt để đạt được mục đích cao hơn. Tuy nhiên, tiền chưa bao giờ là mục đích sống của tôi. Người xưa có nói, chết thì không ai đem tiền đi được. Có chết thì cũng không yên được bên mồ mả.
Đối với những người có nhiều tiền mà vẫn tham và không định được sẽ làm gì là họ sống không có lý tưởng.
Ông nghĩ thế nào khi ông Vũ hỏi: “Tiền nhiều để làm gì”
Ông ta hỏi: “Tiền nhiều để làm gì?”. Vậy tiền để làm gì mà lại đi tranh chấp với vợ. Ông nói không nhất quán.
Cần có một người đại lượng
Ông nghĩ sao về những cặp vợ chồng ra tòa “nói nặng”, sỉ vả lẫn nhau?
Khi ra tòa nói xấu nhau là họ đã xúc phạm nhau. Họ là những người không đàng hoàng trong tình yêu. Và, con cái họ là những người xấu hổ nhất sau này.
Tình yêu của họ không có lý tưởng và họ cũng không sống vì con cái họ. Họ không tìm được lợi ích chung cho con của họ.
Việc nói xấu lẫn nhau trước tòa thể hiện trình độ thấp vì muốn hạ bệ người kia bằng những câu chửi bới, móc mách.
Hai vợ chồng ở với nhau phải có trách nhiệm với con cái, trách nhiệm với hai bên gia đình, ông bà nội ngoại vẫn là người thân của con mình.
Tôi chỉ khuyên đơn giản nếu không sống với nhau được thì ra tòa cho “đẹp”, giữ sĩ diện cho nhau.
Theo ông, có cách nào biến mâu thuẫn lớn của vợ chồng thành mâu thuẫn nhỏ, chuyện nhỏ lại hóa không?
Trong lúc đang tồn tại mâu thuẫn, muốn biến mâu thuẫn lớn thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa không, đòi hỏi con người đại lượng.
Ngọc Lài (ghi)