Vụ tai nạn máy bay ở Nghệ An xảy ra vào ngày 26/7, khi chiếc Su-22, số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân thực hiện bay huấn luyện. Máy bay Su-22 mất liên lạc lúc 11h35 và rơi tại làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An khiến cho nhiều người tiếc thương.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Tư lệnh Quân khu 1 cho biết: “Khi nhận được thông tin vụ tai nạn máy bay Su-22 trong lúc đang huấn luyện ở Nghệ An làm 2 phi công hy sinh, tôi thực sự tiếc nuối và rất buồn vì họ là những người lính, là những đồng chí cùng chung màu áo lính”.
Trung tướng Thệ chia sẻ: "Vụ tai nạn máy bay rơi không ai mong muốn, để lại sự mất mát, tổn thất rất lớn đối với lực lượng phòng không. Đây là những người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác bay, là những người thầy truyền đạt cho thế hệ sau những kỹ năng, những bài học cao quý để làm chủ vùng trời bảo vệ Tổ quốc”.
“Bản thân tôi từng là lực lượng chỉ đạo huấn luyện bay nhiều năm tôi rất hiểu, để có được những người phi công huấn luyện bay phải mất rất nhiều thời gian. Dù không ai muốn tin tai nạn là sự thật nhưng chúng ta cũng phải đối diện để chấp nhận nó”, Trung tướng Thệ bày tỏ tiếc nuối.
Cũng chia sẻ về sự mất mát này, Đại tá Nguyễn Thành Trung (cựu phi công máy bay quân sự) cảm thấy rất bất ngờ và đau xót khi nghe tin Trung tá Khuất Mạnh Trí và Thượng tá Phạm Giang Nam hy sinh.
Đại tá Trung cho rằng, dù không cùng thế hệ nhưng họ là đồng chí chung màu áo lính. Tổn thất này không phải chỉ riêng của Quân chủng Phòng không, của bộ Quốc phòng mà nó ở mức Quốc gia. Sự cố khi huấn luyện máy bay quân sự là điều không ai mong muốn.
Trong tình huống tai nạn, máy bay hư hỏng có thể mua được cái khác nhưng mất phi công là tổn thất vô cùng lớn. Để đào tạo một phi công quân sự rất khó và mất nhiều thời gian, trong khi họ đều là những phi công lão luyện, bay rất nhiều giờ, là vốn quý của bộ Quốc phòng.
Đại tá Thành chia sẻ, mỗi lần máy bay cất cánh, chỉ huy đều cố gắng làm sao an toàn ở mức cao nhất, nhưng tai nạn đã xảy ra rồi, chúng ta phải chấp nhận và vượt qua.
Trước đó, sau khi xảy ra vụ việc, bộ Quốc phòng đã trực tiếp chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ, các đơn vị quân đội và các địa phương trên địa bàn Quân khu 4, kịp thời khắc phục hậu quả, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
Hai phi công đã hy sinh trong vụ rơi máy bay tại Nghệ An là Trung tá Khuất Mạnh Trí, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, SN 1978, quê quán Sơn Tây, Hà Nội; Thượng tá Phạm Giang Nam, Chủ nhiệm an toàn bay Trung đoàn 921, SN 1972, quê quán Thái Thụy, Thái Bình.
Sau khi xảy ra sự việc, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó Chủ nhiệm tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam thông tin, Bộ trưởng Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị khẩn trương thực hiện chính sách công nhận liệt sĩ cho 2 phi công trong vụ rơi máy bay quân sự tại Nghệ An.
Hiện nay, các đơn vị chức năng đã đưa thi hài 2 phi công về Quân khu 4 và đang làm thủ tục lo hậu sự cũng như các chế độ chính sách cho 2 phi công hy sinh. Hai phi công hy sinh là 2 phi công kỳ cựu đã có nhiều kinh nghiệm trong việc huấn luyện bay.
Thế Anh