Sự việc mẹ kế sát hại rồi phi tang xác ra vườn mía sau nhà tại Tuyên Quang vẫn đang gây hoang mang trong dư luận. Chỉ vì những bất đồng của bố đẻ và mẹ kế, chỉ vì sự nhỏ nhen của người mẹ kế và cháu bé 6 tuổi phải gánh chịu tất cả.
Trước câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy đã hiểu hơn về nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng. Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho biết: “Sự việc này thật sự quá đau lòng, đứa trẻ không có tội, vì sao phải chịu đựng những mâu thuẫn mà người lớn gây ra. Người mẹ kế này không thể đổ lỗi cho việc mới sinh con, bị ảnh hưởng tâm lý sau sinh được. Mà có thể, việc sát hại con chồng đã có ý định từ trước đó rất nhiều nên mới ra tay một cách tàn nhẫn như vậy”.
Cũng theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy, người mẹ kế này trước khi về sống chung một nhà không nghĩ được rằng cuộc sống con anh – con tôi có nhiều khúc mắc và thậm chí đó là nguyên nhân gây ra những bất đồng trong quan hệ vợ chồng.
Có thể, cô ta không thể yêu được con chồng, cô ta luôn ghen ghét khi con chồng được chồng, anh em nhà chồng yêu quý. Và thậm chí, cô ta cứ nhìn thấy con chồng là ghen với quá khứ của chồng. Những điều ấy cứ tích tụ lại để biến thành một điều uất hận khiến cô ta không thể tự điều khiển được bản thân, hành động của mình.
“Có lẽ, một vài lần nói con chồng không được, người mẹ kế này bỗng ghét con chồng, khó chịu trước sự hiện diện của con chồng. Mọi lời nói, mọi việc làm của con chồng như một cái gai trong mắt nên mẹ kế muốn triệt tiêu nó đi.
Với trường hợp này thì đúng với câu nói “mấy đời bánh đúc có xương/mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”. Nhưng trên đời này còn rất nhiều trường hợp, mẹ kế yêu con chồng, thương con chồng hơn cả con đẻ. Sao đó không phải là tấm gương rọi sáng để bất kỳ người phụ nữ nào bước chân vào cuộc hôn nhân con anh – con tôi học tập”, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy phân tích.
Cùng chia sẻ với PV, chuyên gia tâm lý Vera Tuệ An cho hay: “Nghe sự việc tôi cũng thấy lạnh người. Sự ích kỷ, chiếm hữu cá nhân của người phụ nữ này đã làm mờ lý trí. Và hơn nữa, phẩm chất của họ không cao, sự bao dung giữa mẹ kế và con chồng không có. Sự yêu thương, biết ơn những gì mình đang có chưa từng xuất hiện. Chính vì những điều này nên đã hình thành hành vi xấu”.
Chuyên gia tâm lý Vera Tuệ An chỉ ra rằng, có 4 bước hình thành hành vi xấu. Đầu tiên sẽ từ nhu cầu sẽ dẫn đến cảm xúc, sau đó từ cảm xúc lây lan sang thái độ và cuối cùng xuất hiện hành vi. Khi mà nhu cầu không được đáp ứng, giống như bà mẹ kế muốn được chồng giành hết tình yêu thương nhưng chồng lại san sẻ cho con riêng nên dẫn đến cảm xúc ganh tỵ, ghét, hận thù con chồng và từ đó nảy sinh ý đồ, hành vi xấu.
Mai Thu