Hội chứng "không yêu được thì giết"?
Ngày 15/9, thảm án nam sinh giết 2 nữ sinh rồi nhảy lầu tự tử tại Hà Nội khiến dư luận sốc. Lý do dẫn đến những cái chết thương tâm này được cho là vì tình yêu. Khi không thể níu kéo được mối tình với cô gái cùng quê, nam thanh niên đã cướp đoạt tính mạng của người mà mình đã từng yêu thương. Sự việc chưa kịp lắng xuống thì tại Bắc Giang, một nam thanh niên đã dùng dao sát hại nữa sinh 17 tuổi vì nói lời chia tay.
Từ đây dư luận đặt ra câu hỏi: Vì lụy tình mà những cuộc tình kết thúc trong bi kịch, người bỏ mạng, kẻ vào tù mang án tử…hay còn vì lý do nào khác?
PV báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe phân tích từ TS. tâm lý Nguyễn Thị Minh (Giảng viên khoa Tâm lý Học viện Hành chính Quốc gia TP.Hồ Chí Minh).
Nhiều bạn trẻ hiện nay đang nhắc đến hội chứng “không yêu được thì giết”, TS. đánh giá như thế nào về hành động này của một bộ phận giới trẻ?
Đây là những câu chuyện thật sự đáng buồn và đau xót cho giới trẻ. Những bạn trẻ này không nhận thức được hành vi sai trái và hậu quả để lại cho chính mình và mọi người xung quanh khi thực hiện hành vi.
Điều thứ 2 liên quan về mặt cảm xúc. Trong tâm lý học cảm xúc của con người có thể thay đổi hoặc hoán đổi.
Khi cảm xúc lên đến đỉnh điểm thì nó sẽ lấn át lý trí. Ví dụ, ban đầu yêu thì dành cho nhau mọi thứ, nhưng khi cảm xúc không còn, cảm giác hận thù xuất hiện thì đối tượng nó chuyển hướng.
Hơn nữa, trong tình cảm con người có một quy luật, đó là quy luật pha trộn. Xúc cảm tình cảm con người có thể tồn tại và đối cực với nhau. Những nam thanh niên này không khống chế được mặt cảm xúc của mình, nói thêm nữa, khả năng điều khiển cảm xúc của họ chưa thật sự tốt, chưa biết cách giải tỏa, đặc biệt là những cảm xúc tiêu cực của bản thân.
Điều đáng nói, các bạn trẻ có khả năng học theo rất nhanh, nó giống như hội chứng. Trước đây đâu có ai sát hại nhau dã man như vậy, nhưng do xem quá nhiều phim nên các bạn trẻ dường như học rất nhanh.
Nhìn từ những vụ án mạng đau lòng này, theo TS. quá trình diễn biến tâm lý, hình thành động cơ trong khoảng thời gian bao lâu?
Bao giờ con người phải đi theo quá trình hình thành động cơ rồi mới dẫn đến thực hiện hành vi. Tất cả những điều này phải có một khoảng thời gian, nhất là giết hại người mà mình đã từng yêu thương.
Có những người hình thành động cơ rất nhanh, nhưng có người lại âm ỉ. Nếu như kế hoạch mà gia đình, những người xung quanh không đủ tinh tế, quan tâm để quan sát sự biến đổi tâm lý của họ thì đương nhiên họ sẽ thực hiện được hành vi của mình. Nhắc đến đây chúng ta mới thấy, lối sống công nghệ hiện nay cũng khiến cho người với người ít quan tâm đến nhau.
Theo TS, phải chăng một bộ phận giới trẻ hiện nay đang có cuộc sống không rèn luyện nên dẫn đến hành vi thiếu kiểm soát?
Có một yếu tố mà lớp trẻ hiện nay thiếu đó chính là ý trí không mạnh. Trong ý chí có 6 phẩm chất thì có một phẩm chất là tính kiềm chế và tự kiềm chế. Nhưng giới trẻ đang thiếu trầm trọng điều đó. Họ không thể luyện được tính kiềm chế, tự bộc phát trong con người mình.
Thêm một điều nữa, trong tâm lý học có chủ đề hành vi lệch chuẩn, không đúng với chuẩn, nguyên nhân từ cá nhân, gia đình, nhà trường, xã hội….coi phim nhiều, ảnh hưởng lớn.
Giới trẻ nên học cách từ chối tình yêu
Vì sao tội phạm ngày càng trẻ hóa và ra tay một cách tàn độc như vậy thưa TS?
Tội phạm ngày càng trẻ hóa là do mức độ nhận thức của người trẻ kém, ít sâu sắc và lắng nghe. Thứ 2 tính kiềm chế ít hơn người lớn. Đây là hai yếu tố mạnh dẫn đến hành vi sai lệch của giới trẻ. Xã hội hiện nay, giới trẻ đang ngày càng muốn thể hiện để khẳng định bản thân.
Hơn nữa, môi trường để lớp trẻ được rèn luyện không đa dạng, không nhiều, cuộc sống có nhiều áp lực gây ra sự ức chế và khi nó thực sự bùng phát thì thật đáng sợ.
Xem video: Vụ nam thanh niên sát hại nữ sinh: Lý giải động cơ từ tình yêu biến thành hận thù:
Dư luận vẫn đang nhắc đến một nguyên nhân tiềm ẩn khiến giới trẻ liều lĩnh và manh động, theo TS đó là nguyên nhân gì?
Một nguyên nhân tìm ẩn mà ít người dám thừa nhận đó chính là từ gia đình. Theo nghiên cứu mọi sự đều nằm ở gia đình, gia đình ấy hạnh phúc hay bất hạnh. Với một đứa trẻ bình thường khả năng có thể phạm pháp là 8 lần. Nhưng với một bất thường (không được sống trong một gia đình hạnh phúc –PV) khả năng phạm pháp cao hơn đứa bình thường là 16 lần.
Chúng ta có thể nhìn thấy rõ, đứa trẻ sống trong gia đình bố mẹ hay đánh chửi nhau, ly hôn, ly thân, không quan tâm yêu thương nhau thì con cái lớn lên sẽ mặc cảm, cuộc sống chỉ có bạo lực và thù hận.
Gia đình là tế bào xã hội, gia đình có yên thì xã hội mới phát triển được. Nhưng, gia đình đang đảo lộn hết, coi ly hôn như một cái mốt. Nhầm lẫn rèn đạo đức trong một mối quan hệ nên con cái cùng học theo và hành động mang tính bộc phát.
TS nghĩ sao về việc chia tay cũng cần có văn hóa?
Hậu của chia tay như chúng ta đã nhìn thấy rất rõ ràng. Vì thế, chia tay thế nào cũng là một nghệ thuật. Chia tay cũng cần có văn hóa và cần một khoảng thời gian "thương lượng" để nửa kia không bị sốc. Các bạn trẻ khi yêu thì nên nhớ không nên tác động đến bất kỳ ai, đặc biệt những người có tình cảm thì càng phải cẩn thận điều này.
Nguyên tắc mà chúng ta vẫn hay nói: “Người mang lại cho bạn hạnh phúc nhiều nhất lại làm người làm bạn tổn thương nhiều nhất”. Nếu yêu mà không còn cảm xúc, bạn muốn rời bỏ thì hãy có biện pháp chứ đừng rời bỏ đột ngột khiến cho người ta sốc nặng thì bạn sẽ dễ nhận hậu quả đáng tiếc.
Do đó, mỗi bạn trẻ cũng cần trang bị kiến thức về tình yêu. Cha mẹ quan tâm đến tâm sinh lý của con cái ở tuổi mới lớn để định hướng về tương lai cũng như lối sống cho con.
Cảm ơn TS về cuộc trò chuyện!
Mai Thu