Trước đó, báo Người Đưa Tin có bài viết phản ánh về vụ việc "Trường CĐSP Gia Lai nâng điểm chuẩn lên 23 để "đánh" trượt một thí sinh". Sự việc nhận được sự quan tâm của nhiều thí sinh, phụ huynh. Từ đó, nhiều người thắc mắc như vậy thí sinh sẽ bị thiệt thòi và liệu trường CĐSP Gia Lai đã thực hiện đúng quy định hay chưa?
Liên quan đến vụ việc nói trên, ngày 10/8, trao đổi với PV, một chuyên gia tuyển sinh, trường đại học Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) cho biết: "Việc trường CĐSP Gia Lai nâng điểm chuẩn lên cao để đánh trượt thí sinh, thông tin này tôi đã đọc được trên báo chí.
Ở các trường khác như thế nào thì tôi không biết bởi đây là sự việc khó nói. Với đại học Tây Nguyên, chúng tôi cứ căn cứ theo quy định tuyển sinh của bộ GD&ĐT đưa ra. Trường hợp ngành nào cũng vậy, dù có 5 thí sinh hay 1 thí sinh miễn trúng tuyển thì trường phải gọi.
Chẳng hạn như trường hợp ngành nào tuyển vào thừa chỉ tiêu, nhà trường sẽ tiến hành sàng lọc xét điểm từ cao xuống thấp. Còn ở những ngành thiếu chỉ tiêu, thí sinh đủ tiêu chuẩn thì trường phải nhận. Sau đó, sắp xếp như thế nào là việc của nhà trường".
Chiều 10/8, PV trao đổi với TS. Trịnh Đào Chiến, Hiệu trưởng trường CĐSP Gia Lai để hiểu rõ hơn về vụ việc. Thầy Chiến khẳng định: "Việc nhà trường nâng điểm chuẩn lên cao để đánh trượt thí sinh là việc làm hơi thô nhưng có lợi cho thí sinh, còn nhà trường lại chịu tai tiếng".
Thầy Chiến giải thích: "Chẳng hạn ngành Sư phạm Ngữ Văn mới chỉ tuyển được 1 học sinh, nhà trường không công bố kết quả mà sẽ chờ thêm một thời gian để tiếp tục tuyển sinh. Nhưng trong khoảng thời gian chờ, nếu nhà trường không tuyển được thêm một học sinh nào thì học sinh trúng tuyển vào trường trước đó sẽ bị cắt hết tất cả các nguyện vọng ở các trường khác. Bởi, hiện nay, tất cả các trường đều hòa mạng với trang mạng của bộ trên cơ sở "lọc ảo".
Học sinh nào mà đã trúng tuyển vào một trường nào đó thì sẽ xuất hiện tên trên hệ thống đồng nghĩa với việc học sinh đó bị cắt tất cả các nguyện vọng ở những trường khác.
Do đó, trong trường hợp này, trường CĐSP Gia Lai thông báo cho các em ở thời gian rất sớm cũng là tạo điều kiện để các em có cơ hội nguyện vọng ở các trường khác".
Thầy Chiến thông tin: "Trường hợp của em học sinh duy nhất nguyện vọng 1 vào ngành Sư phạm Ngữ Văn của trường, nhà trường đã tiến hành "lọc ảo" tới 4 lần nhưng em học sinh này vẫn trúng tuyển. Việc một học sinh trúng tuyển nhà trường phải bố trí cơ sở vật chất, giáo viên... để dạy trong 3 năm. Điều này không thể làm được".
Trước thắc mắc cách làm nâng cao điểm chuẩn để đánh trượt thí sinh của trường như vậy có vi phạm quy chế tuyển sinh, thầy Chiến cho biết, theo quy định tuyển sinh vào trường CĐSP đầu vào loại khá, mức sàn 15 điểm nhưng nhà trường có quyền xác định ra một mức điểm chuẩn. Tất nhiên cách làm này hơi thô, nhưng tình thế bắt buộc phải thế. Nếu nhà trường không đưa ra môt mức điểm chuẩn cụ thể, mà chiếu theo trên mạng ở mức 15 thì thí sinh trúng tuyển.
Thầy Chiến nói thêm: "Như tôi đã nói, để đầu tư trang bị cơ sở vật chất, bố trí giáo viên... dạy duy nhất 1 sinh viên trong 3 năm thì rõ ràng là điều không thể làm được. Hiện trường đang bị mang tiếng là "diệt" học sinh nhưng đây là cách làm bất đắc dĩ chúng tôi không có cách nào khác".
Khi PV đặt câu hỏi, nếu thí sinh vừa rồi bị nhà trường đánh trượt vẫn nhất quyết muốn được học lớp đào tạo CĐSP Ngữ Văn và khiếu nại nhà trường phải chiếu theo quy định điểm sàn của bộ, trường sẽ xử lý thế nào?, thầy Chiến chia sẻ: "Vì vậy buộc nhà trường phải nâng điểm chuẩn lên cao để đánh trượt thí sinh. Bởi nhiều khi 1 lớp dưới 15 sinh viên Bộ cũng không cho phép mở vì quá ít. Còn thí sinh không có nguyện vọng đi học ở nơi khác thì giống như một cuộc chơi người thua cuộc thường bật khóc".