Tổng thống Obama vô can?
Truyền thông Đức cho biết, Mỹ đã do thám điện thoại của bà Merkel từ năm 2002 và ông Obama đã biết về chuyện này từ năm 2010. Nhật báo Bild am Sonntag của Đức cáo buộc rằng Tướng Keith Alexander, lãnh đạo NSA, đã đích thân báo cáo với Tổng thống Obama về việc do thám điện thoại bà Merkel. Tờ báo này còn dẫn một nguồn tin từ NSA cho biết, ông Obama đã không những không ngăn hành động này mà còn muốn biết tất cả mọi thứ về bà Merkel vì "ông ấy không tin tưởng bà Merkel".
NSA có khả năng theo dõi mọi phương tiện liên lạc.
Trong cuộc điện đàm ngay sau khi thông tin này bị lan truyền, Tổng thống Obama được cho là đã nói với Thủ tướng Merkel rằng, ông không biết gì về việc này và nếu biết thì ông đã ngăn chặn ngay lập tức rồi.
Tuy nhiên, một thông cáo mới nhất của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) khẳng định: "Tướng Alexander không hề báo với Tổng thống Obama hồi năm 2010 về hoạt động tình báo hải ngoại bị cáo buộc nhằm vào Thủ tướng Đức Merkel cũng như họ chưa bao giờ báo cáo các hoạt động như thế này".
Nữ phát ngôn nhân Vanee Vines của NSA cho biết: "Những tin tức nói khác đều không đúng sự thật". Tuy nhiên, thông cáo này không nói rõ liệu Tổng thống có được thông báo về hoạt động theo dõi điện thoại bằng cách khác hay không.
Một tờ báo hàng đầu của Mỹ nói rằng trong gần 5 năm, Tổng thống Barack Obama không hề hay biết rằng các gián điệp dưới quyền ông đã đặt thiết bị nghe lén điện thoại của các nhà lãnh đạo thế giới, kể cả Thủ tướng Đức Angela Merkel và giờ đây đã chấm dứt chương trình nghe lén này.
Trong một bản tin đăng ngày 29/10, tờ The Wall Street Journal trích lời các giới chức Mỹ không nêu danh tính, nói rằng Tổng thống Obama chỉ được biết về các hành động theo dõi lén sau khi ông hạ lệnh tiến hành một cuộc tái xét nội bộ cách đây một vài tháng.
Tờ báo thuật lại rằng, vụ tái xét đã phát hiện ra rằng NSA đã đặt thiết bị nghe lén điện thoại của 35 nhà lãnh đạo thế giới, và NSA đã kết thúc phần lớn chương trình này sau khi bị Tòa Bạch Ốc phát hiện. Các giới chức nói, NSA có quá nhiều chiến dịch theo dõi lén và vì vậy báo cáo tất cả các chương trình ấy cho Tổng thống là điều không khả thi.
Nhưng ông Obama lại không biết gì.
Thêm quốc gia nhập cuộc
Trong khi đó, nhật báo El Mundo (Tây Ban Nha) số ra ngày 29/10, tiết lộ thêm là trong khoảng thời gian từ tháng 12/2012 đến tháng 01/2013, cơ quan NSA đã ghi lén hơn 60 triệu cú điện thoại ở Tây Ban Nha. Theo báo chí tại đây, cáo giác mới nhất lấy từ tài liệu do phân tích gia đã chạy khỏi Mỹ, Edward Snowden, cung cấp.
Họ nói, NSA đã thu thập số điện thoại và địa điểm người gọi và người nhận, nhưng không thu thập nội dung các cuộc gọi. Vụ việc diễn ra khi phái đoàn Nghị viện châu Âu tới Washington để bày tỏ quan ngại. Các viên chức từ Ủy ban Tự do Dân sự thuộc Nghị viện châu Âu sẽ nói chuyện với các đại biểu Quốc hội Mỹ để thu thập thông tin.
Thông tin này được loan tải vào lúc Đại sứ Hoa Kỳ tại Madrid bị triệu lên bộ Ngoại giao Tây Ban Nha để giải thích về việc Mỹ nghe lén điện thoại của các lãnh đạo Tây Ban Nha, được báo chí nước này tiết lộ vào thứ Sáu tuần trước. Tòa Bạch Ốc cho tới nay vẫn từ chối, không bình luận trước những tuyên bố được đăng trên tờ El Pais và El Mundo vào hôm thứ Hai rằng, Hoa Kỳ theo dõi người dân Tây Ban Nha.
Tờ báo Guardian tại Anh đưa tin, hôm thứ Sáu tuần trước rằng NSA đã giám sát điện thoại của 35 nhà lãnh đạo thế giới. Một lần nữa, Snowden là nguồn cung cấp tin này.
Người đứng đầu phái đoàn Nghị viện châu Âu, dân biểu người Anh, Claude Moraes, nói với BBC rằng, phạm vi theo dõi của NSA thật đáng lo ngại. Ông nói: "Tin nói điện thoại của 35 nhà lãnh đạo trên thế giới đã bị nghe lén không phải là mấu chốt thực sự của vấn đề. Thực sự, tin trên tờ El Mundo mới là vấn đề, rằng, hàng triệu công dân các nước đã bị nghe lén điện thoại để bàn và các hình thức thông tin liên lạc khác".
Ông cho biết, ưu tiên hàng đầu của phái đoàn châu Âu là thảo luận ảnh hưởng của việc Mỹ theo dõi, do thám các quyền riêng tư căn bản của công dân Liên hiệp châu Âu.
Trong khi đó, một hãng tin của Nhật nói, năm 2011, NSA đã yêu cầu chính phủ Nhật Bản hãy giúp giám sát các đường dây cáp quang chuyển tải thông tin cá nhân qua Nhật Bản, tới vùng châu Á Thái Bình Dương.
Tin tức, được hãng tin Kyodo đăng tải, nói rằng, mục đích nhằm để Hoa Kỳ do thám Trung Quốc nhưng Nhật Bản đã từ chối, với lý do giới hạn về luật pháp và thiếu nhân sự.
Trước đó, tờ Der Spiegel đã dẫn các tài liệu do Edward Snowden rò rỉ đưa tin rằng một cơ quan nghe lén của Mỹ được đặt bên trong sứ quán nước này ở Berlin và các cơ quan tương tự cũng có ở 80 địa điểm trên khắp thế giới.
Cơ quan này được gọi là phòng Thu thập Đặc biệt được đặt trên tầng 4 của Sứ quán Mỹ ở Berlin. Cơ quan này có trách nhiệm giám sát các cuộc liên lạc ở trụ sở Chính phủ Đức, trong đó có các cuộc nói chuyện của bà Merkel, theo tờ báo này. Theo bộ trưởng Nội vụ Đức thì trạm nghe lén như thế là bất hợp pháp theo luật pháp của Đức.
Der Spiegel cũng nói rằng, tài liệu mật mà họ tiếp cận được cho thấy Mỹ ý thức được sự nhạy cảm của vấn đề trạm nghe lén bên trong Sứ quán Mỹ. Theo tài liệu này, nếu như các đơn vị nghe lén này bị phát giác thì sẽ gây "tổn hại nghiêm trọng cho quan hệ của Mỹ với Chính phủ nước ngoài".
Quan chức tình báo Đức đang lên kế hoạch để yêu cầu đối tác Mỹ của họ hợp tác điều tra chương trình tình báo đang gây tức giận tại Đức. Đức và Brazil cũng đang soạn thảo một Nghị quyết của Liên hợp quốc về quyền riêng tư trong truyền thông điện tử.
Thanh Xuân (Theo CNN, BCC, VOA)