Về chai bia Sài Gòn có những dấu hiệu bất thường mà báo Người Đưa Tin đã phản ánh, đặc biệt, liên quan đến quyền lợi của khách hàng khi gặp phải chai bia bất thường này, ngày 3/10, luật sư Trần Đình Dũng, trung tâm Tư vấn Pháp luật TP.HCM (hội Luật gia Việt Nam) kiến nghị: “Trước hết, khách hàng cần phải nêu yêu cầu để SABECO biết và có sự bồi thường, hỗ trợ cho sản phẩm nói trên (nếu đúng là bia của SABECO). Về mức bồi thường, theo quy định hiện hành là 10 tháng lương tối thiểu. Còn về mức hỗ trợ thì do hai bên cùng thoả thuận".
Tuy nhiên, luật sư này cho rằng, khách hàng cần phải khởi kiện ra toà án để được giải quyết, nếu sản phẩm bị lỗi.
“Nếu khởi kiện và khách hàng thắng thì nhà sản xuất sẽ thiệt hại rất lớn, trong đó có điều khoản nhà sản xuất phải xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Do đó, tôi cho rằng, nhà sản xuất không nên để người tiêu dùng phải khởi kiện ra toà. Ngược lại, vì quyền lợi bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng cũng như hướng tới thị trường công khai, minh bạch thì người tiêu dùng nên khởi kiện ra toà án. Đồng thời, cũng sẽ thúc đẩy nhà sản xuất làm tốt hơn công việc của họ”, luật sư Dũng cho biết thêm.
Về tiến trình xét xử của toà, luật sư Dũng cho biết: “Khi có đơn khởi kiện, toà án sẽ tổ chức hoà giải 2 lần cho các bên liên quan để xem xét khả năng chấp nhận yêu cầu của các bên. Khi nào hai bên không hòa giải được thì toà mới mở phiên tòa để xét xử”.
Liên quan tới việc tiến hành kiểm định chai bia như đã thảo luận với khách hàng, PV đã liên hệ với ông Dương Văn Minh, Phó ban Pháp chế - Kiểm soát nội bộ, người đã từng làm việc với báo Người Đưa Tin cũng như khách hàng nhưng chưa có câu trả lời.
Trong khi đó, người tiêu dùng lại tỏ ra lo lắng về chất lượng sản phẩm SABECO.
Ông Lê Anh Miếng, một cán bộ hưu trí (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) có khoảng 35 năm chỉ sử dụng duy nhất bia Sài Gòn cho rằng: "Là người thường xuyên sử dụng bia của SABECO, qua theo dõi thông tin từ báo chí, tôi thấy chai bia chỉ có ¼ nước trong chai là hết sức bất thường".
"Qua clip, hình ảnh và mô tả đăng trên báo cho thấy, chai bia vẫn còn nguyên tem, nhãn, nắp, chưa có dấu hiệu bong tróc và còn hạn sử dụng thì bước đầu có thể nhận định đây đúng là sản phẩm của SABECO", ông Miếng nói thêm.
"Tôi đề nghị SABECO phải kiểm tra lại chất lượng bia của SABECO để cho người tiêu dùng an tâm", ông Miếng cũng đề nghị.
Vấn đề quan tâm hơn của người tiêu dùng là sự an toàn và bảo đảm sức khoẻ khi sử dụng bia Sài Gòn. Chia sẻ với PV, ông Trần Thanh Nguyên, cán bộ hưu trí (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết: "Đứng ở góc độ người tiêu dùng, tôi hết sức lo lắng nước trong chai bia là gì? Bởi, nếu là bia nhưng kém chất lượng, uống vào sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ như thế nào? Còn nước trong chai không phải là bia mà là loại hoá chất nào đó, như nước súc rửa chai chẳng hạn, người tiêu dùng uống vào sẽ như thế nào? Trong khi đó, khi uống bia, người sử dụng thường cứ khui nắp là rót vào ly uống, chứ mấy ai để ý đến nước trong chai là gì? Lúc đó, hậu quả ai chịu trách nhiệm?".
Do đó, nhiều người tiêu dùng đề nghị SABECO sớm vào cuộc để có câu trả lời về nghi vấn chai bia kém chất lượng. "Tôi đề nghị SABECO cùng với khách hàng sớm đưa chai bia đi đến các địa chỉ có uy tín để kiểm định và có câu trả lời cho người tiêu dùng yên tâm. Nếu cứ im lặng như vậy, chúng tôi sẽ không dám uống bia của SABECO nữa", ông Nguyên nói thêm.
Kiểm định song phương là vô giá trị
Tất cả những cuộc kiểm định về chai bia mà không có sự tham gia của toà án thì không có giá trị pháp lý. Nó chỉ có giá trị pháp lý khi toà án ban hành quyết định trưng cầu giám định và căn cứ theo quyết định đó mới giao cho bên kiểm định. Còn nếu 2 bên (người tiêu dùng và nhà sản xuất) cùng đi kiểm định thì chỉ mang tính chất tham khảo thế thôi, chứ không có giá trị pháp lý.
Luật sư Trần Đình Dũng