Thông tin với báo Lao Động chiều 4/12, đại diện UBND xã Phú Hội, huyện Đức Trọng xác nhận anh K.S.J.L. (SN 1987, trú thôn R’Chai 2, xã Phú Hội, tỉnh Lâm Đồng) đã tử vong sau 1 tuần cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng.
Đây là trường hợp thứ 2 tử vong tại huyện Đức Trọng sau khi ăn cơm và sử dụng rượu chưa rõ nguồn gốc.
Liên quan đến vụ việc, theo thông tin từ TTXVN, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lâm Đồng đã thành lập Đoàn điều tra, xác minh, xử lý vụ ngộ độc nghi do rượu.
Chi cục kiến nghị UBND huyện Đức Trọng chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan trên địa bàn tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm, bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu.
Đặc biệt là tuyên truyền để người dân tuyệt đối không lạm dụng rượu, không uống rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, bán trôi nổi trên thị trường, không sử dụng methanol để pha chế rượu. Việc tuyên truyền tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, các cơ sở sản xuất rượu thủ công.
UBND xã Phú Hội quyết định tạm ngừng sử dụng rượu được sản xuất tại cơ sở nấu rượu của ông P.V.B. (liên quan đến vụ việc đang điều tra) và các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu khác không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa thực hiện tự công bố sản phẩm. Lực lượng chức năng khuyến cáo người dân, sau khi uống rượu, nếu xuất hiện triệu chứng bất thường thì lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, xử lý kịp thời.
Trước đó, ngày 25/11, nhóm 8 người trú tại thôn R’Chai 2, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng đi hái cà phê tại thôn Tân Phú, xã Ninh Gia.
Đến trưa, nhóm người này ăn cơm tại rẫy cà phê. 6 người đã uống rượu trắng, ăn cơm canh, bò hầm cà rốt. Hai người còn lại chỉ ăn cơm, canh, không uống rượu.
Sáng hôm sau, anh L.G.H.B. (SN 1990), một trong những người uống rượu, có triệu chứng bất thường và tử vong sau đó. 5 người còn lại cũng lần lượt có triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, nôn ói… được người nhà đưa lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng cấp cứu.
Đến nay, trừ trường hợp nạn nhân thứ 2 đã tử vong, những người còn lại cơ bản đã ổn định, không có dấu hiệu chuyển nặng.
Sau khi sự việc xảy ra, ngành y tế cùng với cơ quan công an đã làm việc với ông N.V.T. (SN 1982, bảo vệ Khu du lịch thác Ponggour), người được nhóm người trên nhờ mua rượu. Ông T. cho biết rượu được lấy từ gia đình chị gái là bà N.T.H. (SN 1978, xã Tân Thành, huyện Đức Trọng).
Trong khi đó, bà H. khai rằng, đã mua 5 lít từ lò rượu của ông P.V.B. (SN 1960, xã Tân Thành). Số rượu này bà H. chia làm 2 phần, một phần đổ vào bình rượu ngâm thuốc, phần còn lại bỏ ra can cho chồng uống và khoảng 1 lít thì cho nhóm người trên sử dụng.
Minh Hoa (t/h)